Theo tôi đến lúc này chúng ta mới mạnh tay với các sai phạm trong phòng chống Covid-19 là hơi muộn. Điều này đã làm giảm hiệu quả của các chiến lược chống dịch quyết liệt và tốn kém trong gần một năm qua.
Việc chủ quan, thiếu ý thức, xem thường sức khỏe cộng đồng đã từng xảy ra từ bệnh nhân số 17, bệnh nhân số 450 và nhiều trường hợp khác. Nhưng sau đó, dường như những hình thức xử phạt và chế tài chưa đủ sức răn đe để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Đây cũng là một phần lý do của việc để bùng phát dịch đợt hai ở Đà Nẵng với những cái giá đáng kể về kinh tế - xã hội.
Và với hành động vi phạm nghiêm trọng của bệnh nhân số 1342, chuỗi 3 tháng liên tục không có ca lây nhiễm cộng đồng nào đã chính thức kết thúc, an toàn sức khỏe cũng như kinh tế của TPHCM đang bị thách thức nghiêm trọng.
Chúng tôi đã từng cảnh báo: “Một phút lơ là thổi bay thành quả chống dịch” (bài đăng trên ĐTTC số ngày 3-8-2020). Bởi trước đó, ngày 25-7, Thủ tướng đã phê bình: "Có một bộ phận chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch".
Và lần này lại tiếp tục có một bộ phận đã chủ quan, lơ là. Rõ ràng sự chủ quan và lơ là này sẽ khiến cho nền kinh tế của chúng ta phải trả một cái giá rất đắt. Nếu cần một con số cụ thể, thì đó là 1.500 tỷ đồng/ngày, số thuế mà TPHCM nộp cho ngân sách.
Vì vậy, nếu những ngày tới tình hình diễn biến xấu, buộc phải giãn cách cục bộ một số quận, huyện hay tệ hơn là giãn cách toàn thành phố thì thiệt hại trước mắt là cứ lấy số ngày giãn cách nhân cho số tiền trên. Nhưng tệ hơn rất nhiều và sẽ để lại hậu quả lâu dài là khi đầu tàu buộc phải dừng thì đoàn tàu sẽ vận hành dựa vào đâu?
Trong vòng hơn bốn mươi năm qua, chưa có lúc nào sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam bị đẩy đến mức chịu đựng tới hạn như một năm qua. Quá trình cách ly xã hội, phong tỏa nền kinh tế của chống dịch đợt một và giãn cách cục bộ đợt hai đã vắt kiệt các động lực của nền kinh tế.
Nhưng với nỗ lực chống dịch quyết liệt của Chính phủ và các chính sách giảm đau kinh tế kịp thời và đồng bộ, đã đảm bảo các số liệu về tăng trưởng GDP của 3 quý đầu năm diễn ra theo đúng mẫu hình chữ V, như Thủ tướng từng tuyên bố về quá trình phục hồi kinh tế hậu dịch.
Theo dự báo của chúng tôi, các hoạt động kinh tế sôi động của quý cuối năm cùng với tác dụng của các gói kích thích kinh tế, sẽ làm cho số liệu tăng trưởng GDP quý IV cao hơn quý III và điều này sẽ khẳng định tính bền vững của đà phục hồi kinh tế của chúng ta. Nhưng biến cố lây nhiễm vừa qua ở TPHCM đã khiến cho những dự báo này giờ đây rất mong manh.
Nhìn trên toàn cầu với tình hình lây nhiễm Covid-19 còn phức tạp và triển vọng của vaccine vẫn còn nhiều tranh cãi, thì những sự cố đáng tiếc như vừa qua chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nếu không có những biện pháp nghiêm trị để răn đe một cách nghiêm khắc, thậm chí là hà khắc vì điều đó là cần thiết cho sự an toàn của vận mệnh toàn dân tộc.
Tại sao từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành vi uống rượu, bia khi lái xe ra đời đã có tác dụng nhanh, mạnh và số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm đáng kể. Bởi vì nó quá nặng, phạt 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong 2 năm. Người ta lập tức sẽ thấy cái giá phải trả cho thỏa mãn sở thích nhất thời là quá đắt nên họ lập tức điều chỉnh hành vi.
Điều đó cho thấy, ở trong những hoàn cảnh đặc biệt hay muốn làm thay đổi sâu sắc một thói quen hoặc hành vi của công chúng thì luật pháp cần phải thật mạnh tay để không bị khinh nhờn.
Điển tích Tào Tháo chém đầu Vương Hậu để giữ an lòng quân sĩ hay Hồ Chủ tịch quyết định xử tử đại tá Trần Dụ Châu vì tội tham nhũng với câu nói nổi tiếng: “Một cái u nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ không để nó lây lan nguy hiểm”, là những bài học kinh nghiệm vô giá về thượng tôn pháp luật để giữ vững lợi ích đại cục.