ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh online nở rộ, doanh thu của cá nhân và DN vẫn tăng trưởng. Phải chăng đây là “dòng chảy ngầm” cơ quan thuế không kiểm soát được?
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: - Trước hết phải khẳng định TMĐT là xu thế tất yếu của kinh tế số, của thời đại 4.0. Đã là xu thế chúng ta không thể phủ nhận và phải chung sống với nó. Thời gian dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy những ưu điểm của TMĐT. Khi buộc phải giãn cách xã hội, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tạm thời bị ngưng trệ, nhiều DN, hộ kinh doanh, cá nhân đã trả lại mặt bằng, cơ sở nhà xưởng để tiết kiệm chi phí, chuyển sang hình thức kinh doanh online nhưng không nộp thuế.
Hầu hết các địa đểm đắc địa tại trung tâm của TPHCM đều đóng cửa trả mặt bằng do không thể cạnh tranh với mua bán online, ngân sách thất thu nặng.
Bên cạnh đó, nhiều DN, hộ và cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, chỉ sử dụng website, trang mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm, nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại, tin nhắn, nên cơ quan thuế rất khó nắm bắt được doanh thu của họ. Trong khi đó, thói quen mua hàng không lấy hóa đơn, trao trả bằng tiền mặt của người tiêu dùng, cũng vô tình tiếp tay cho người kinh doanh trốn thuế. Đây là vấn đề đã nói rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa kiểm soát được.
Thời điểm này một số ngành nghề sản xuất hoạt động cầm chừng, nhiều DN đóng cửa, hộ kinh doanh buôn bán cũng không hoạt động, dẫn đến nguồn thu nội địa không đảm bảo. Đặc biệt, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập DN của năm 2020 cho nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, cũng khiến nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng. Bởi nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn trong tổng số DN đang hoạt động, nên giảm thuế sẽ làm nguồn thu NSNN giảm. Việc giảm tới 30% thuế thu nhập DN (tương đương giảm 1/3), nghĩa là nguồn thu ngân sách giảm rất nhiều.
Đây sẽ là áp lực kép đối với chính sách tài khóa năm nay, thậm chí với nhiều năm sau. Cân đối thu chi của năm nay sẽ rất khó khăn và chắc chắn ngân sách sẽ thâm hụt. Mọi năm ngân sách vẫn thâm hụt nhưng năm nay tỷ lệ thâm hụt có thể tăng thêm 1,2-1,5% so với mọi năm. Điều này cũng đồng nghĩa chỉ tiêu thâm hụt ngân sách Quốc hội đề ra rất khó thực hiện. Trong bối cảnh như vậy, việc mở rộng và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu ngân sách là cần thiết. Tôi cho rằng việc kiểm soát được nguồn thu từ kinh doanh online hiện nay chắc chắn sẽ đem lại cho NSNN nguồn đáng kể.
Một số kết quả khảo sát cho thấy, trong số 35% DN đang bán hàng trên mạng xã hội, có thể tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán, trao đổi hàng hóa trên Facebook, trong đó có trường hợp có doanh thu lớn nhưng không hề nộp thuế. Như vậy, đây chính là lỗ hổng rất lớn về nguồn thu của chúng ta hiện nay.
- Việc thu thuế DN, cá nhân bán hàng online là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều vướng mắc. Theo ông, mấu chốt do đâu? Và cần có giải pháp gì ngăn chặn?
- Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là do các cơ quan chức năng, các bộ ngành đang thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ. Cụ thể ở đây là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế của Bộ Tài chính với các ngân hàng (nơi kiểm soát dòng tiền) và các nhà mạng (cơ quan kiểm soát thông tin tài khoản cá nhân trên mạng xã hội). Do không có sự quản lý đầy đủ của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, cũng như sự phối kết hợp giữa các nhà mạng, cơ quan thuế, sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại và chế tài xử phạt chưa nghiêm, đã để xảy ra tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng.
Bên cạnh đó, nếu không có sự phối hợp của các nhà cung cấp nội dung mạng, các đơn vị quản lý thông tin internet cũng không thể cung cấp số liệu người dùng cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc các nhà cung cấp nội dung số xuyên biên giới có sẵn lòng hợp tác với cơ quan thuế hay không cũng rất khó khẳng định được. Đơn cử, để có thông tin về các giao dịch kinh doanh trên internet chủ yếu dựa vào các bình luận trực tiếp và tin nhắn giữa người bán và người mua, cơ quan thuế phải phối hợp với Bộ TT-TT và cả nhà mạng cung cấp dịch vụ. Dù vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể thu thuế khoán trên mỗi tài khoản Facebook, khó có thể xác định được thu nhập cụ thể.
Để đảm bảo công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT nói chung và bán hàng online qua mạng nói riêng, theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước để cùng nghiên cứu giải pháp về thanh toán. Trọng tâm của việc này là xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT, kinh doanh qua mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ TT-TT, Bộ Công an quản lý hoạt động TMĐT theo quy định của pháp luật, trong đó có sự kết nối và chia sẻ cung cấp thông tin về các DN, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT. Mặt khác, cần đề nghị các tổ chức Google, Facebook… lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, như thiết lập đầu mối đại diện chính thức tại Việt Nam, quản lý chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ, đặc biệt là khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với dịch vụ các tổ chức này cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam theo quy định pháp luật. Bởi đây là hoạt động TMĐT có tính chất xuyên biên giới.
- Xin cảm ơn ông.
DN, cá nhân kinh doanh trên mạng không kê khai thuế cần có cơ chế phạt thật nặng như cấm kinh doanh, hoặc phạt tiền với mức cao để buộc họ phải thực thi đúng quy định của pháp luật. |