Chế độ thị trưởng
Chính quyền đô thị (CQĐT) ở các nước phát triển thường được đồng nhất “Chế độ thị trưởng”. Đây là khái niệm bao hàm 2 nội dung chính. Thứ nhất, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân. Thị trưởng (hay người đứng đầu lãnh thổ như thống đốc bang, cao hơn là tổng thống) được trao quyền ra các quyết định trên lãnh thổ mình quản lý, đi kèm là trách nhiệm, nghĩa vụ và danh dự cá nhân.
Khác với chế độ lãnh đạo tập thể, họ dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình và khi có lỗi họ nhanh chóng nhận lỗi và từ chức, không đổ quanh. Để đảm bảo các quyết định đúng đắn của thị trường, luôn có các hội đồng cố vấn bao gồm những nhà khoa học giỏi nhất và Hội đồng TP có quyền phủ quyết, nếu quyết định đó phương hại đến an ninh và nhân quyền.
Thứ hai, cách thức tuyển chọn người đứng đầu TP dựa theo hình thức tranh cử công khai. Họ có thể là ứng viên do 1 đảng cử ra sau khi tranh cử nội bộ, nhưng cũng có thể là ứng cử tự do.
Người dân đánh giá cương lĩnh hành động của ứng viên, liên danh được giới thiệu, các cuộc tranh luận công khai, kết quả chất vấn và quan trọng nhất, người dân bỏ phiếu trực tiếp lựa chọn người xuất sắc nhất đại diện nhân dân điều hành TP.
Thường những nhân vật được lựa chọn kiểu này là người có tài thực sự, có khả năng dẫn dắt nhân dân. Trong bất luận trường hợp nào họ phải luôn đối mặt với nhân dân, họ hưởng lương từ thuế của dân, vì thế phải được lòng dân, dân bầu họ lên cũng có nghĩa dân có quyền phế truất họ theo luật trưng cầu dân ý.
Ở nhiều TP người dân quyết định mức lương của thị trưởng tùy theo mức thuế và phí của TP đó thu được hàng năm.
Dân chủ trực tiếp
Dân chủ trực tiếp
Ở các nước có thể chế quản lý đô thị hiện đại, người dân có quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý với các hình thức và ở các cấp độ khác nhau. Họ có quyền bày tỏ thái độ, có quyền đồng ý hay bác bỏ một chính sách, có quyền tham gia xây dựng và giám sát chính sách cũng như giám sát hoạt động của bộ máy công quyền.
Dân chủ trực tiếp thể hiện qua một số hình thức: (1) Bầu cử trực tiếp ra các chức vụ tổng thống, thống đốc, thị trưởng. (2) Trưng cầu dân ý. Người dân có quyền khởi xướng và tham gia tự do các cuộc trưng cầu dân ý định kỳ hay bất thường với nhiều cấp độ khác nhau, như góp ý cho 1 dự án, bản quy hoạch, công trình kiến trúc quan trọng, hay góp ý cho 1 điều luật, bỏ phiếu đánh giá uy tín của 1 quan chức (hay 1 ê-kíp) đương nhiệm theo định kỳ 6 tháng, hay bất thường do biểu hiện xa sút uy tín, đạo đức, năng lực.
Ở các nước phát triển cao, các quan chức chính phủ thường xin từ chức khi chỉ số đánh giá uy tín xuống thấp dưới 50% trong tổng số cử tri trước đó đã ủng hộ họ trúng cử.
(3) Diễn đàn nhân dân là nơi người dân có quyền bày tỏ ý chí và nguyện vọng của mình một cách công khai. Diễn đàn này mở ra trên báo chí, kênh truyền hình (thường là kênh truyền hình tư nhân), các diễn đàn ngoài trời ở công viên, quảng trường.
Ở các diễn đàn này, bất cứ người dân nào cũng được quyền bày tỏ chính kiến của mình (có một số nguyên tắc phải tôn trọng như không được chửi bới lăng nhục, vu khống, lợi dụng diễn đàn chống phá trật tự xã hội). Chính từ diễn đàn này chính phủ của ông Lý Quang Diệu (Singapore) đã nhận được nhiều góp ý tốt mà ông gọi là “sáng kiến nhân dân”.
(4) Đối thoại với các quan chức nhà nước qua talk show truyền hình, diễn đàn trực tiếp qua các cuộc gặp gỡ tự do, qua mạng trực tuyến (online). Chẳng hạn như việc các tổng thống, thị trưởng, các quan chức thường xuyên xuất hiện trên truyền hình nhằm giải thích điểm nào đó trong chính sách và trả lời chất vấn của người dân, thậm chí các câu hỏi của các em nhỏ. Đây là hình thức rất phổ biến của nhà lãnh đạo ở các nước phát triển. Họ thường xuất hiện trên truyền hình, hoặc trên báo chí theo định kỳ hoặc bất thường.
Thí dụ, từ năm 2015 đến nay, năm nào Tổng thống Putin cũng đối thoại trực tuyến với nhân dân qua mạng và nhận được hàng triệu câu hỏi. Qua đó, Tổng thống Putin đã nhận được sự yêu mến của người dân, chỉ số uy tín của ông lên đến hơn 87%, một chỉ số đánh giá được coi là tuyệt vời đối với các nguyên thủ quốc gia.
Dân chủ trực tiếp là bản chất của xã hội tiến bộ và của bộ máy quản lý xã hội đó. Vấn đề không chỉ là nhận thức, quan trọng hơn là dân chủ phải được thiết chế hóa thành các điều luật, cơ chế hoạt động, hình thức biểu đạt và các loại tổ chức hỗ trợ, nhằm bảo đảm an toàn cho bộ máy dân chủ vận hành tối ưu và các cá nhân sống trong hệ thống quản lý đó phát huy quyền sáng tạo công dân của mình.
Thành phố Paris được điều hành theo chính quyền đô thị.
Phân quyền sâu rộng và quản lý theo địa bàn
Trong lịch sử từ thời chiếm hữu nô lệ đến phong kiến, bất kỳ đô thành, thành thị nào cũng tồn tại hệ thống tập quyền cao trong quản lý như một lẽ tự nhiên. Nhưng khi đô thị công nghiệp-thương mại-dịch vụ hiện đại xuất hiện, kiều quản lý tập trung hóa cao không còn phù hợp, bởi quy mô của đô thị hiện đại rất lớn, đa dạng về mọi mặt và bao hàm rất nhiều chức năng.
Do vậy không có tổ chức xã hội nào đủ năng lực để bao quát và kiểm soát hết được, phải chuyển từ tập quyền sang phân quyền. Đó là việc chính quyền trung ương, chính quyền vùng giao một phần (hay toàn bộ) quyền lực cho các cấp thấp hơn chủ động tự quyết trên các lĩnh vực tài chính, quy hoạch, đất đai, nhân sự, cơ cấu kinh tế trên nền của lộ trình pháp lý thống nhất toàn quốc gia.
Việc phân quyền, hay trao quyền cho chính quyền địa phương luôn gắn với quản lý theo địa bàn. Lúc này các bộ phận chức năng của trung ương như bộ, tổng cục, cục đóng vai trò quản lý nhà nước theo ngành dọc, tức giúp quốc hội xây dựng các văn bản dưới luật, bao gồm xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn thực thi các điều luật chuyên ngành, phổ biến đến các tỉnh thành; hỗ trợ triển khai thực hiện, điều chỉnh; thanh tra và kiểm soát việc thực thi.
Như vậy trọng tâm của việc quản lý sẽ rơi vào chính quyền các địa phương cấp tỉnh, thành có quy mô lớn. Họ thực hiện quản lý theo địa bàn, tức họ có quyền ra quyết định (có quyền lập quy hoạch, không có quyền lập hiến, lập pháp, lập luật) trên địa bàn của mình tất cả vấn đề, từ vĩ mô (quy hoạch không gian, định hướng phát triển kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục) đến vi mô (thuế, phí, hình thức chế tài).
Khi các TP, quận thực hiện tự quản càng mạnh, chính quyền trung ương càng có khả năng kiểm soát tốt. Tất nhiên chính quyền các địa phương cấp tỉnh, thành phải tuân thủ hành lang pháp lý quốc gia, không được thoát ly khỏi các nguyên tắc chung. Để bộ máy quản lý địa phương hoạt động hiệu quả còn có nhiều nội dung khác, trong đó có nội dung khá quan trọng là quản lý theo địa bàn luôn gắn liền với quy hoạch không gian phân vùng chức năng.
Như Metro Manila là một vùng đô thị bao gồm 17 TP, mỗi TP là một đơn vị hành chính độc lập, thị trưởng và hội đồng TP có quyền tự quyết các vấn đề trên địa bàn của mình. Cả vùng có 1 hội đồng thị trưởng, mỗi thị trưởng làm chủ tịch hội đồng luân phiên mỗi 6 tháng, giúp việc cho hội đồng là hội đồng điều phối.
Xã hội với chính phủ kiến tạo
Xã hội với chính phủ kiến tạo
Có thể còn nhiều tranh luận, nhưng nhìn chung kiểu quản lý đô thị của Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Áo...) và một số nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…), là mô hình tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, dân chủ hóa, đa dạng văn hóa, đồng thuận xã hội… |
Ngay khi mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khái niệm “chính phủ kiến tạo” như một thông điệp quan trọng, thông báo với quốc tế sự thay đổi quan trọng trong quản trị quốc gia. Hiểu đúng nghĩa của nhà nước/chính phủ kiến tạo là sự chuyển từ cơ chế tập trung hóa quyền lực cao và chế độ chỉ huy sang một xã hội mà tất cả nguồn lực được tham gia vào phát triển.
Ở các nước phát triển từ cái kim, sợi chỉ đến cọng rác thải và lớn hơn là hàng không vũ trụ đều do các tổ chức tư nhân đảm nhiệm. Thậm chí sản xuất vũ khí, máy bay phản lực, tầu ngầm là của tư nhân, khi cần nhà nước đặt hàng. Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, điều phối, bảo hộ và kiểm sát.
Tương tự, việc hình thành đạo đức, nhân cách, kỹ năng phần lớn do các tổ chức dân sự như nhà thờ, tổ chức phi chính phủ, hội đoàn thực hiện, nhà nước không ôm đồm tất cả mọi việc, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác quyết là “chuyện gì dân làm được thì để dân làm”.