Tiềm năng du lịch lớn
Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh, với tổng diện tích tự nhiên 23.564km2, chiếm 7,11% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng hơn 17,8 triệu người, chiếm 18,53% dân số cả nước, mật độ dân số 756,6 người/km2, gấp 2,61 lần mật độ dân số cả nước.
Đông Nam bộ rất giàu về tài nguyên du lịch tự nhiên, có núi, biển, sông, hồ, rừng nguyên sinh nhiệt đới gió mùa; hệ sinh thái đa dạng sinh học; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề và ẩm thực phong phú…
Từ hệ thống tài nguyên đó, một số sản phẩm du lịch liên vận quốc tế tiêu biểu của vùng đã được hình thành, như “Hành trình xuyên Á”, “Vẻ đẹp của cung đường biên giới”, “Hành trình 12 con dấu”… Bên cạnh đó là các sản phẩm du lịch nội địa đặc trưng, như “Hành trình đến những địa chỉ đỏ”, “Khám phá vùng sinh thái 3 địa phương”, “Hành trình từ sông ra biển”, “Trải nghiệm văn hóa đa sắc màu”…
Trong năm 2019, Đông Nam bộ đã đón 12,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 48% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 7,1 tỷ USD. Tuy có nhiều chuyển biến trong phát triển du lịch vùng, nhưng so sánh với các điểm đến lân cận trong khu vực, chúng ta thấy các con số này còn khoảng cách. Thí dụ, TP Bangkok, Thái Lan với dân số khoảng 9 triệu dân, năm 2019 đón gần 25,8 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 20 tỷ USD. Hay Singapore với dân số 5,7 triệu dân, năm 2019 đã đón 19,1 triệu lượt khách quốc tế, đem về cho quốc đảo này 19,8 tỷ USD, cao hơn 2,8 lần tổng thu du lịch của cả vùng Đông Nam bộ.
Qua đó, chúng ta có thể thấy ngành du lịch sẽ mang đến nguồn thu rất lớn nếu được đầu tư đúng mức và khai thác hiệu quả. Cũng phải nhìn nhận rằng tốc độ phát triển du lịch Đông Nam bộ vẫn còn khiêm tốn so với vị trí chiến lược và tiềm năng của một vùng đất giàu văn hóa - lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào. Chẳng hạn với đa dạng tài nguyên du lịch tự nhiên như bờ biển đẹp tại Bà Rịa - Vũng Tàu; quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà; núi Bà Rá, núi Dinh, núi Chứa Chan; tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với hệ thống sông, hồ như sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Thác Mơ; tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với Khu dự trữ sinh quyển - rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận; Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; hệ thống vườn quốc gia Cát Tiên; vườn quốc gia Côn Đảo; vườn quốc gia Bù Gia Mập, vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát… Đây có thể xem là những “viên ngọc thô” cần được mài giũa.
Liên kết để phát huy lợi thế
Về cơ sở hạ tầng, giao thông có nhiều thuận lợi như đường hàng không có hệ thống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Côn Sơn, Biên Hòa, trong tương lai là sân bay quốc tế Long Thành. Cả vùng có 13 đường quốc lộ kết nối với hệ thống đường quốc gia và quốc tế, nối các tỉnh, đô thị, các khu vực trong vùng và hệ thống đường bộ đến các khu tuyến điểm du lịch.
Hệ thống đường thủy có tuyến đường biển nối biển Đông với Đông Nam bộ qua Vũng Tàu, đến cảng Sài Gòn qua các sông Soài Rạp, Cái Mép, sông Tiền. Ngoài ra có tuyến đường thủy liên tỉnh, tuyến đường thủy nội tuyến nối các điểm du lịch. Hệ thống đường sắt và nhà ga có tuyến đường sắt quốc gia đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM chiều dài 110km, với 13 nhà ga đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đây là những lợi thế so sánh quý giá của Đông Nam bộ, là nền tảng tạo sự cộng hưởng lớn trong phát triển du lịch nếu chúng ta thắt chặt mối liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng, nhất là tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính kết nối giao thông, hạ tầng, nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch.
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Đông Nam bộ với định hướng khai thác sản phẩm đặc trưng, như du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm); du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu.
Do đó, cần hình thành nên thương hiệu du lịch vùng chung, tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài độ dài lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng.
Trong thời gian tới, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, các tỉnh thành Đông Nam bộ sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời cam kết đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Mỗi địa phương cần dành nguồn chi chủ động cho các hoạt động được cụ thể hóa tại Thỏa thuận hợp tác 5 năm và Kế hoạch triển khai với lộ trình 2 năm. Cần tăng cường kêu gọi và đa dạng các hình thức đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI). Nguồn vốn ngân sách thời gian tới cũng sẽ tập trung vào hạ tầng giao thông, giúp tăng cường thu hút và đa dạng các hình thức đầu tư tư nhân, FDI vào các dự án du lịch và các ngành nghề liên quan.
Liên kết hợp tác là quy luật tất yếu để phát triển mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Chất keo tạo nên sự liên kết đó là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các thành viên, cũng như việc gìn giữ, lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân. |