Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Covid-19 đã gây ra cú sốc bất lợi nhất trong hơn một thế kỷ đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trong đó có giải pháp về tiếp cận vốn vay đối với DN. Cụ thể, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới,...
NHNN cũng chỉ đạo tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tăng cường các hoạt động trực tuyến, tạo điều kiện để khách hàng không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch...; nghiêm túc triển khai chế độ báo cáo thống kê về kết quả tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch trên thế giới, lãnh đạo NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng vay vốn, xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng bám sát thực tế để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo cơ sở pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và DN giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các TCTD tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Điều quan trọng là thể chế, môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi; trong đó, an toàn là yêu cầu hàng đầu, TS. Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, cần nhanh chóng số hóa, cải cách thể chế để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển; đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và đất đai để đẩy nhanh và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác cùng phát triển.