Cơ hội đón dòng đầu tư mới

(ĐTTCO) - Chiều 8-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Cơ hội đón dòng đầu tư mới
Đừng để xe đang chạy bị hết xăng giữa đường
Tại tổ TPHCM, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) và các ĐB đều đánh giá cao kết quả phòng chống Covid-19 thành công của Việt Nam. ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, năm nay kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, vì thế Việt Nam phải đặt ra mục tiêu đảm bảo thành quả kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, lơ là vì dịch vẫn hết sức phức tạp. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, vì thế liên tục tăng trưởng. 
“Từ đầu năm đến nay có khoảng 26.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động nhưng số DN làm thủ tục giải thể giảm, tức DN vẫn chờ cơ hội để phục hồi phát triển. Đây là tín hiệu tốt, cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ cả về chính sách thuế, phí”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
ĐB này cũng cho rằng, nếu giải ngân được 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm nay thì hiệu quả rất tốt, sẽ thu hút được đầu tư xã hội, giúp tăng trưởng kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu DN nhà nước, đầu tư cho DN trọng điểm; phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng quan điểm, các ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM), ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) đều tin rằng chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn. Điều quan trọng bây giờ là các giải pháp để DN phục hồi, trong đó cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. “Các giải pháp đều đã đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao. Đừng để chiếc xe đang chạy bị hết xăng phải dừng lại giữa đường”, ĐB Nguyễn Văn Chương nêu.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng cho rằng, Chính phủ đã dự báo được tình hình, tuy nhiên cần tiếp tục đưa ra một số phương án tăng trưởng với những định lượng cụ thể về tác động của dịch đối với nền kinh tế; phải chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào bị tác động đến đâu, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể. Ngành cần hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Bên cạnh đó là sản xuất hàng hóa nội địa. Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần chỉ rõ ngành nào cần đẩy mạnh; hàng hóa nào người Việt Nam đang có nhu cầu lớn, từ đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đồng tình quan điểm rằng cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch cũng như chuẩn bị đất để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Cần tránh đầu tư cào bằng, không vực dậy được những đầu tàu. Đã là đầu tàu thì phải được đầu tư có trọng điểm để thực sự có sức lan tỏa. Nếu đầu tư trọng điểm cho vùng kinh tế phía Nam, cho TPHCM thì hiệu quả tác động trở lại những vùng miền khác sẽ rất lớn. Nếu để TPHCM tụt hậu thì vai trò đầu tàu không được phát huy. Do đó cần có sự chuyển hướng đầu tư, đặt lợi ích quốc gia lên đầu. Chỉ khi nơi đầu tàu là nơi đáng sống, có chất lượng nguồn nhân lực cao thì lúc đó kinh tế quốc gia mới có sức bật”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ
ĐB Thuận Hữu (Hải Phòng) khuyến cáo không nên trông chờ vào “làn sóng” chuyển dịch đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc trong ngắn hạn. “Nhà đầu tư dễ gì dịch chuyển trong ngày một, ngày hai bởi không thể phủ nhận vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc; chưa kể còn có một số nền kinh tế nổi lên như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Quan trọng là chúng ta phải phát triển được công nghiệp phụ trợ và thị trường lao động thì mới tận dụng được cơ hội”, ĐB Thuận Hữu nói. Trăn trở về “hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu” của các dự án thua lỗ kéo dài, ĐB Thuận Hữu đề nghị quyết tâm giải quyết dứt điểm những tồn đọng bức xúc này, bởi càng để lâu càng mất mát, thua lỗ.
“Thủ tướng quyết liệt nhưng các bộ ngành hình như chưa quyết liệt cùng. Khi nêu vấn đề chịu trách nhiệm thì không ai dám quyết cả”, ĐB Thuận Hữu nói.
Quay sang ĐB Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn), Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ĐB Thuận Hữu nói: “Tôi chắc anh Thanh ở đây biết rất rõ, với công trình nhiệt điện Thái Bình, mỗi ngày mất đứt chúng ta một xe Toyota, chưa kể mất mát niềm tin”.
Nhắc đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ĐB Thuận Hữu cũng cho rằng công trình dang dở này “như một nhát dao chém vào lòng tin của người dân” và trăn trở về giải pháp nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng, kể cả biến thành bảo tàng đường sắt cho người dân đến tham quan du lịch…
Tham gia thảo luận tổ, nêu khái quát những thành tựu của đất nước trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ĐB Hải Phòng) chia sẻ: “Mô hình quản trị của đất nước 100 triệu dân với định hướng Xã hội chủ nghĩa là rất khó, trong khi các thế lực thù địch chống phá ta rất nặng nề. Thế nhưng, từ một đất nước thiếu ăn, nợ nần chồng chất, thành quả của chúng ta đạt được hiện nay là rất to lớn. Thế giới tin tưởng và thậm chí ca ngợi Việt Nam, nhất là trong thành tựu phòng chống dịch Covid-19. Có người nói vui rằng, vừa qua nếu cột điện biết đi thì nó sẽ chạy từ Mỹ về Việt Nam”. 
Liên quan đến các dự án thua lỗ tồn đọng, Thủ tướng cho rằng có những sai lầm trong quá khứ để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng quá trình khắc phục phải từng bước, không thể vì sốt ruột mà để mất thêm cán bộ nữa. Khẳng định Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới, Thủ tướng yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, nhất là chữa cho được căn bệnh trì trệ, sợ trách nhiệm.
Về giải ngân đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, bộ nào, địa phương nào không làm tốt sẽ điều chuyển vốn sang chỗ khác, đồng thời xử lý trách nhiệm. Lưu ý trong lúc toàn cầu vẫn đang chìm trong khó khăn, Việt Nam vẫn phải đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung cầu và mất đi khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, Thủ tướng mong muốn Quốc hội đồng lòng với Chính phủ để kiên trì giải quyết những tồn đọng cũ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Các tin khác