Thỏa thuận bí mật 2 giai đoạn
Các quan chức chính quyền Biden đã bắt đầu lên kế hoạch từ đầu năm nay để Tổng thống thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh với Saudi Arabia. Họ tin rằng chuyến đi có thể củng cố cam kết của Saudi Arabia nhằm thuyết phục OPEC tăng sản lượng dầu vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt.
Vào tháng 5, ông Hochstein và Brett McGurk, quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia về chính sách Trung Đông, đã gặp Thái tử Mohammed và các cố vấn của ông, cho biết họ đã đạt được thỏa thuận dầu khí riêng gồm 2 phần với Saudi Arabia. Đầu tiên, Saudi Arabia sẽ đẩy nhanh mức tăng sản lượng của OPEC+ lên 400.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8. Sau đó, Saudi Arabia sẽ yêu cầu liên minh thông báo tăng sản lượng thêm 200.000 thùng/ngày từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay.
Vào ngày 2-6, OPEC+ thông báo sẽ tăng sản lượng dự kiến vào tháng 9 - hoàn thành phần đầu tiên của thỏa thuận bí mật. Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo ông Biden sẽ sớm có chuyến công du tới Saudi Arabia. Nhưng các nhà lập pháp đảng Dân chủ vẫn hoài nghi về những nỗ lực. Nghị sĩ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói ông Biden không nên đến Saudi Arabia. Ông và 5 thành viên cấp cao khác của Hạ viện đã gửi thư vào ngày 7-6 cho ông Biden, thúc giục ông thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn đối với Saudi Arabia.
Ông Biden cụng tay với Thái tử Mohammed.
Để thuyết phục Quốc hội, Nhà Trắng đã đồng ý họp mật với các nhà lập pháp. Trong các cuộc họp giao ban và hội đàm với các thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Tình báo của Quốc hội, ông McGurk và ông Hochstein đã đưa ra các yếu tố của các thỏa thuận họ đã làm trung gian với Saudi Arabia, bao gồm cả việc tăng sản lượng dầu nhằm giảm giá. Đối với các nhà lập pháp đảng Dân chủ tham dự cuộc họp, cam kết rõ ràng này từ Saudi Arabia hứa hẹn sẽ cứu trợ cho người tiêu dùng Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, cho cả ông Biden và đảng của ông khi cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 sắp tới.
Giá dầu đang từ từ giảm xuống vào thời điểm ông Biden đến Jeddah, thành phố lớn tại miền Tây Saudi Arabia, vào ngày 15-7 để dự cuộc gặp với Thái tử Mohammed. Hình ảnh Tổng thống Mỹ nắm chặt tay Thái tử Saudi Arabia, các quan chức Nhà Trắng tin rằng ít nhất họ đã củng cố các cam kết của Saudi Arabia trên một số mặt trận. Các quan chức Saudi Arabia dường như cũng háo hức chứng minh với người Mỹ rằng họ đã thực hiện đúng cam kết của mình. Trong hội nghị thượng đỉnh, họ đã đưa cho các thành viên trong phái đoàn của ông Biden biểu đồ cho thấy giá dầu đã xuống còn 101USD/thùng, giảm từ hơn 120USD/thùng sau khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu.
Tháng 10 bất ngờ
Người Mỹ rời hội nghị thượng đỉnh với niềm tin rằng thỏa thuận đang đi đúng hướng và Thái tử Mohammed hài lòng. Nhưng ở Riyadh, các quan chức hàng đầu của Saudi Arabia đã nói họ không có kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm nữa. Cảnh báo công khai đầu tiên về điều này được đưa ra vào ngày 3-8, khi OPEC+ công bố sản lượng tăng nhẹ trong tháng 9 là 100.000 thùng/ngày, chỉ bằng một nửa so với những gì Saudi Arabia đã hứa với Mỹ. Sau đó, ngày 5-9, OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày, tức rút lại mức tăng họ đã công bố 1 tháng trước đó.
Đến lúc này, các quan chức Mỹ cảm thấy bối rối và lo ngại về hướng đi của Saudi Arabia. Chưa hết, vào cuối tháng 9, các quan chức Mỹ nghe tin Saudi Arabia có thể yêu cầu OPEC+ cắt giảm sâu sản lượng dầu tại cuộc họp dự kiến vào ngày 5-10. Ngay lập tức, các quan chức Mỹ đã nỗ lực hành động để Thái tử Mohammed rút lại động thái này. Ngày 24-9, họ đến Saudi Arabia gặp trực tiếp Thái tử Mohammed và anh trai của ông là Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia.
Trong cuộc họp, Thái tử Mohammed vẫn đảm bảo với người Mỹ rằng sẽ không có việc cắt giảm sản lượng. Nhưng 4 ngày sau đó các quan chức Saudi Arabia thông báo sẽ lùi việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp OPEC+ diễn ra ở Vienna. Nhà Trắng đã cử Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói chuyện qua điện thoại với Mohammed al-Jadaan, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, để phản đối việc cắt giảm sản lượng, nhưng đã không thể lay chuyển được Saudi Arabia.
Các quan chức Mỹ cho rằng Thái tử Mohammed đã bị tác độngbởi cuộc họp cấp cao ngày 27-9, trong đó Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz, lập luận cần cắt giảm sản lượng dầu để giữ giá không giảm mạnh xuống mức 50USD/thùng. Theo Hoàng tử Abdulaziz nếu không cắt giảm sản lượng dầu, Saudi Arabia sẽ thiếu nguồn lực để tài trợ cho các dự án đa dạng hóa kinh tế trọng tâm trong chương trình nghị sự của Thái tử Mohammed. Một số quan chức Mỹ cũng tin rằng người Nga đã ảnh hưởng đến cục diện của Saudi Arabia, chỉ ra mối quan hệ của Hoàng tử Abdulaziz với các quan chức hàng đầu của Nga, đặc biệt là Alexander Novak, Phó Thủ tướng phụ trách chính sách năng lượng.
Ngay lập tức, các quan chức Saudi Arabia kịch liệt phủ nhận việc họ thông đồng với Nga, nói rằng họ là một bên hòa giải trung lập trong cuộc chiến của Nga với Ukraine. Một số quan chức Mỹ nói rằng câu trả lời cho việc Riyadh có thực sự đồng ý với Moscow hay không sẽ được đưa ra vào ngày 4-12, khi OPEC+ dự kiến nhóm họp lại.
Nhà Trắng đang làm việc với các đồng minh châu Âu để thực hiện lệnh cấm vận một phần và giới hạn giá bán dầu của Nga, bắt đầu từ tháng 12. Mục tiêu của họ là tước đoạt tài nguyên của Moscow và gia tăng sức ép buộc ông Putin phải chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đồng thời giữ ổn định nguồn cung dầu toàn cầu. Nhưng nếu Saudi Arabia từ chối thông báo tăng sản lượng tại cuộc họp tháng 12 - vào khoảng thời gian dầu Nga có thể tung ra thị trường - giá dầu có thể tăng cao, làm suy yếu nỗ lực của ông Biden chống lại Nga và gây ra lạm phát toàn cầu.
Hôm 25-10, phát biểu tại diễn đàn đầu tư hàng năm ở Riyadh, Hoàng tử Abdulaziz nói sẽ làm những gì có lợi nhất cho đất nước mình: "Chúng tôi sẽ phải thực hiện tham vọng của mình". Theo NYT, Thái tử Mohammed đang cố gắng định vị Saudi Arabia như một cường quốc độc lập, giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ.
Việc Saudi Arabia từ chối tăng sản lượng dầu khiến giá dầu có thể tăng cao, làm suy yếu nỗ lực của Mỹ chống lại Nga và gây ra lạm phát toàn cầu. |