Đại biểu Quốc hội tìm giải pháp gỡ nút thắt ODA

(ĐTTCO) - Tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm đạt 51,38% kế hoạch, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022 và về số tuyệt đối cao hơn 110.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, kết quả giải ngân chưa đạt kỳ vọng, nhất là nguồn vốn ODA.
Đại biểu Quốc hội tìm giải pháp gỡ nút thắt ODA

Chính vì thế, kiến nghị của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ về việc chuyển từ vay ODA sang nguồn trong nước (thông qua phát hành trái phiếu trong nước) để bố trí cho một số dự án lớn là có cơ sở và được một số đại biểu đồng tình.

Đáng nói, có sự khác biệt giữa quy trình đầu tư theo yêu cầu của nhà tài trợ với các quy định trong nước, trong khi nhà đầu tư vừa phải tuân thủ các quy trình thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các yêu cầu của nhà tài trợ; vẫn có những chính sách “ta tự làm khó ta”.

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý đầu tư xây dựng đã quy định các dự án nhóm A từ thiết kế cơ sở đến thiết kế chi tiết đều do Bộ Xây dựng thẩm định, dẫn đến chậm trễ trong tiến độ triển khai của các dự án.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã đề xuất chấm dứt tài trợ cho dự án phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) do dự án không có giải ngân trong suốt cả năm 2022. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới đề nghị dừng tài trợ dự án khi còn chưa bắt đầu giải ngân.

Không tận dụng được nguồn vốn ưu đãi là điều đáng tiếc, nhưng “ôm” vốn về mà không tiêu được còn đáng tiếc hơn. Để cải thiện tình trạng này, một trong những yếu tố then chốt là xây dựng kế hoạch vốn hàng năm sát với khả năng thực hiện, linh hoạt điều chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm kế hoạch, các dự án khẩn cấp, trọng điểm. Và tất nhiên, khâu triển khai thực hiện cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Đó là câu chuyện dài khác cần bàn.

Các tin khác