Từ đầu năm đến nay, những tín hiệu tích cực của ngành dệt may đã xuất hiện khi các doanh nghiệp đang đón nhận được nhiều đơn hàng. Hiện, phần lớn doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng đến tháng 6, ngành sợi cũng có những tín hiệu tích cực khi nhiều khách hàng đang đàm phán, giao dịch cho những đơn hàng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành may có sự gia tăng số lượng đơn hàng nhưng giá chưa cải thiện, có đơn hàng giá giảm tới 40-50% so với trước đây. Trong khi đó, ngành sợi vẫn còn nhiều rủi ro khi giá bông vẫn neo ở mức cao và giá bán sợi có chiều hướng đi xuống. Cùng với đó, các yếu tố địa chính trị trên thế giới vẫn khó lường, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các chi phí tăng... ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: “Ít nhất đến thời điểm này, đơn hàng của Tổng Công ty May 10 chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp may trong ngành đang có tín hiệu tích cực cho đến hết tháng 6. Tuy nhiên, với kế hoạch đơn hàng của quý 3 vào quý 4 năm 2024 thì cũng phụ thuộc vào tình hình biến động của thế giới. Nếu đúng ra thì với tình hình như hiện nay chúng tôi có thể có đủ đơn hàng đến hết quý 3 của năm nay”.
Sự bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia trên thế giới hay áp lực tỷ giá USD cũng ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp dệt may đối diện với những khó khăn trước áp lực “xanh hoá”. Các nước đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều khu vực và quốc gia như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi hàng hóa sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Những yêu này không phải mới mà từ trước tới nay cũng đã có. Ví dụ như các nước OECD đã ban hành hướng dẫn quy định tra soát chuỗi cung ứng hoặc kinh doanh có trách nhiệm. Bây giờ họ đưa thành những quy định cứng và nếu không thực hiện sẽ phải chịu phạt bằng tiền hoặc chịu trách nhiệm về dân sự. Cho nên các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, muốn xanh hóa, muốn có chứng chỉ công nhận thì phải mất chi phí. Ngoài ra, còn phải tập trung vào đổi mới công nghệ, tập trung vào đào tạo lực lượng có kỹ năng đáp ứng yêu cầu đó”.
Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giải pháp chính là tập trung đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh một số điểm then chốt đối với các doanh nghiệp dệt may như thu hút các dự án dệt - nhuộm - hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.
Trong bối cảnh doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may, doanh nghiệp cần phải có định hướng chiến lược chuyển đổi rõ ràng, đồng bộ và hiệu quả để đón đầu các thay đổi của thị trường.