Đông Nam bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

(ĐTTCO) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng.
Đông Nam bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

Sáng 18-7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Trình bày tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đầy đủ, thuận lợi trong kết nối, giao thương trong nước và quốc tế, vùng Đông Nam bộ đóng vai trò là trung tâm lớn về du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics.

Vùng có tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn nên cũng đặt ra những thách thức trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tham luận tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong đó, đã đưa vào khai thác 103km, đang thi công 178km và chuẩn bị khởi công 126km; phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác. Về đường sắt, đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TPHCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TPHCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành.

Song, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TPHCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô...

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cụ thể, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ (ngân sách Trung ương đã bố trí khoảng 60.800 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 cần tiếp tục huy động khoảng 396.500 tỷ, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong phối hợp triển khai thực hiện và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ.

Cụ thể, cần sớm hoàn thiện các quy trình, quy hoạch vùng tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của vùng. Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TPHCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 98.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mặt khác, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, trong đó phát huy tối đa vai trò của Hội đồng điều phối vùng để giải quyết các vấn đề liên vùng, vấn đề có tính chất liên ngành tại vùng. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng chủ động giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Các tin khác