Tránh giẫm “vết xe đổ”
Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều về các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong EVFTA. Thông tư này sẽ hướng dẫn về việc áp dụng biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp để thực thi EVFTA. Đây có thể nói là thông tin quan trọng giúp tạo “lá chắn” cho DN để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi đất nước hội nhập, tránh giẫm phải “vết xe đổ” như nhiều ngành hàng vừa qua, phải chịu thua thiệt ngay trên sân nhà.
Sự thiệt hại gần đây nhất là của ngành mía đường. Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan trong khối ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, như 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 820.000 tấn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Vì thế, Bộ Công thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Tuy nhiên, nhiều DN trong nước cho rằng rất có khả năng một số DN nhập khẩu đường thô từ Thái Lan về Lào và Campuchia để tinh luyện, từ đó xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh PVTM. Do đó, trước bối cảnh Việt Nam tham gia một “sân chơi” rộng lớn hơn, khắc nghiệt hơn như EVFTA thì các DN Việt càng cần được bảo vệ và bản thân DN cần có biện pháp tự bảo vệ.
Thực tế, các cơ chế tiến hành PVTM theo EVFTA đã có, nhưng vấn đề là các DN, hiệp hội ngành hàng có chủ động nắm bắt và hiểu rõ quy định để áp dụng hay không? Thậm chí, không ít DN chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Do đó, DN cần chủ động nắm bắt thông tin các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phân tích, đánh giá tác động; từ đó cùng các cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sự phát triển của các ngành sản xuất trong nước.
Tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng
Kết quả một khảo sát gần đây được Cục PVTM chia sẻ rất đáng chú ý. Đó là hiện có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM, trong khi chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, còn đa phần DN có nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này. Thậm chí, có DN bị điều tra PVTM nhưng không hề hay biết.
6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công thương đang theo dõi 13 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam và 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (nhiều hơn số lượng của cả năm 2019). Đáng chú ý, mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng (bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%), trong khi cả giai đoạn 2007-2017 chỉ có 3 vụ việc xảy ra với mặt hàng gỗ.
Có thể thấy, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, điều đó đồng nghĩa với nguy cơ DN Việt bị dính vào các vụ kiện PVTM cũng ngày càng lớn. Đã bị kiện, thậm chí bị áp thuế và phần thua thiệt không chỉ một vài DN cụ thể gánh lấy, mà quan trọng hơn là làm giảm uy tín ngành hàng, thậm chí “cản chân” hàng Việt khi xuất khẩu vào các thị trường chưa bị áp thuế.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, một trong những yếu tố để các DN có thể giảm thiểu được các tác động PVTM là phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; coi PVTM là một phần phải chuẩn bị trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), cơ quan chức năng liên quan mà cụ thể là Bộ Công thương cần theo dõi thật kỹ để cảnh báo sớm nếu như hàng xuất khẩu sang một số thị trường có biểu hiện tăng nhanh đột biến. Củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các bộ ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội; hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM…
Ngoài tự nâng cao hiểu biết để bảo vệ chính mình, các DN cũng phải kiên quyết không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ; đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi “ăn xổi ở thì” của một vài DN làm ảnh hưởng tới nhiều DN sản xuất, kinh doanh chân chính.
Để bảo vệ thị trường nội địa, Việt Nam cũng đã điều tra 19 vụ việc PVTM. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường. Nhờ công cụ PVTM, nhiều DN thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. |