Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN, Cục trưởng Tài chính DN, Bộ Tài chính:
Xử lý triệt để những vướng mắc
Theo đúng kế hoạch ít nhất 110 DN được CPH trong 2 năm qua, nhưng kết quả mới có 26/127 DN được CPH trong giai đoạn 2017-2020. Thực tế, toàn bộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH đã được tháo gỡ. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ cũng được chỉ ra từ lâu và nhắc đi nhắc lại trong các báo cáo do khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu DNNN; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… và vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai DN đang quản lý sử dụng.
Phải xử lý triệt để được những vấn đề này năm 2019 mới đẩy nhanh được tiến trình CPH, nếu không áp lực sẽ chuyển sang năm 2020. Thậm chí, nguy cơ không hoàn thành mục tiêu CPH 127 DN trong giai đoạn 2017-2020, chưa kể số đơn vị chưa chuyển đổi giai đoạn trước chuyển sang rất lớn nếu không xử lý triệt để các nguyên nhân kể trên.
Vấn đề là Bộ Tài chính không có thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện vốn nhà nước tại DN chậm trễ trong CPH, thoái vốn, ngoài quyền… kiến nghị. Kiến nghị là một chuyện, xử lý thế nào lại do chính các bộ, ngành, địa phương thực hiện. CPH là cả quá trình, liên quan nhiều khâu, nhiều cơ quan, đơn vị và có cả lý do khách quan, như vướng mắc trong đất đai chẳng hạn, nên xử lý trách nhiệm người đứng đầu rất khó.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2019 chúng tôi đề xuất trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán do Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thực hiện bổ sung nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Những người có trách nhiệm trong CPH, thoái vốn đều là công chức, viên chức được giao trọng trách quản lý vốn, tài sản nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; được giao nhiệm vụ thoái vốn, chuyển đổi sở hữu DNNN. Nếu không hoàn thành, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có kết luận, kiến nghị, cứ “y án mà thực hiện” vì kết luận, kiến nghị của 2 cơ quan này có giá trị pháp lý rất cao.
Ở đây cũng cần nói đến vấn đề rất phức tạp là đất đai. Hiện nhiều DNNN quản lý, sử dụng đất đai, thậm chí quản lý, khai thác, sử dụng rất nhiều mảnh đất ở vị trí đắc địa có giá trị nhưng không hề có giấy tờ. Xử lý vấn đề đất đai đúng là phức tạp, nhưng không phải là nguyên nhân không thể tháo gỡ, cản trở tiến trình CPH.
Vì theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP cơ quan, tổ chức, đơn vị và DN 100% vốn nhà nước, công ty TNHH HTV trở lên do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất thuộc phạm vi quản lý. Khi đã có phương án xử lý đất đai, khâu tiến hành CPH rất nhanh. Ngược lại đợi đến khi tiến hành CPH mới lập phương án xử lý đất đai sẽ mất rất nhiều thời gian.
CPH, thoái vốn cần tập trung vào chất lượng không chạy theo số lượng. Song không vì thế mà chần chừ, sẽ ảnh hưởng đến tiến trình nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của DNNN, đến tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Do vậy, vấn đề xử lý đất đai, tài sản, năm 2019 sẽ làm quyết liệt.
Bên cạnh đó, giải pháp được tính đến là các DN trong kế hoạch thoái vốn, CPH nếu thấy khó có khả năng hoàn thành đúng tiến độ, các bộ ngành, địa phương phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC là tổ chức có kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chức năng, nhiệm vụ trong việc CPH, thoái vốn.
Phải bàn giao các DN có nguy cơ không thể thực hiện theo đúng tiến độ về SCIC để tổ chức này thực hiện. Nếu bộ, ngành, địa phương nào vẫn muốn “ôm” phải hoàn thành, không nói nhiều. Sẽ không hoãn, giãn tiến độ CPH.
Ông LÊ SONG LAI, Phó Tổng giám đốc SCIC:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thời gian qua, dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên nhìn chung quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm. Các nguyên nhân kể trên gồm pháp luật còn chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì văn bản duy nhất, cho dù ở cấp thông tư.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc. Công tác lập kế hoạch thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành.
Ngoài ra, còn những vướng mắc về phía DN là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ, hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối trên 51% tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước…
Hiện Bộ Tài chính đã đưa ra 9 giải pháp, với mục tiêu đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn nhà nước trong năm 2019. Trong đó khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, CPH, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và DN có vốn nhà nước.
Cụ thể, rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN trong năm 2019 và 2020; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với CPH và thoái vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước trong năm 2018-2019; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi nhằm thúc đẩy tiến trình CPH và thoái vốn trong 2019.
Đặc biệt, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, DNNN định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DNNN, làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.