Giải tỏa nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh dịp cuối năm

(ĐTTCO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (room) thêm khoảng 1,5%-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. 
Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY
Giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: MINH HUY

Ưu tiên tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt

Mặc dù không công bố ngân hàng thương mại (NHTM) nào được nới room tín dụng, nhưng NHNN cho biết việc điều chỉnh này được thực hiện theo nguyên tắc TCTD nào có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Đánh giá động thái nới room của NHNN, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, với việc thêm 1,5%-2% tăng trưởng tín dụng, về cơ bản vẫn nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, chứ không làm tăng thêm lượng tiền. Lý do khiến NHNN đưa ra quyết định nới room tín dụng vào thời điểm này xuất phát từ các yếu tố như chỉ số về lạm phát, tỷ giá… đã giảm, đồng USD trong tháng vừa qua đã mất giá khoảng 3,5%; chỉ số lạm phát đã được kiểm soát tương đối tốt (dự báo năm nay chỉ khoảng 3,3%); áp lực về tăng tỷ giá của Việt Nam đã giảm nhiệt so với giai đoạn trước đó.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tức là người dân đã bắt đầu quay lại hệ thống ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước. Thêm vào đó, nhu cầu về vốn của thị trường, gồm cả người dân (tiêu dùng) và doanh nghiệp (nhà sản xuất), vào dịp cuối năm rất lớn; do đó việc cấp thêm tín dụng sẽ đáp ứng được về thanh khoản, về vốn để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều hồ sơ tín dụng vẫn đang nằm chờ, lượng khách hàng cần vốn rất lớn… Vậy, câu hỏi đặt ra là sau khi nới room tín dụng thì dòng vốn sẽ đổ vào lĩnh vực ưu tiên nào? “Số tiền này nhiều khả năng sẽ đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, bởi vì không có TCTD nào muốn dùng số tiền đó để cho vay hoạt động mang tính chất đầu cơ do những thách thức và rủi ro trong năm tới tương đối cao”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ. 

Ít tác động tới lạm phát

Một vấn đề khác mà dư luận quan tâm là việc nới room tín dụng nói trên có tác động đến lạm phát? Về việc này, TS Cấn Văn Lực nhận định, lượng tiền cấp ra thị trường khoảng gần 200.000 tỷ đồng (tương ứng với chỉ tiêu tín dụng được tăng thêm) không phải là quá lớn so với khối lượng tiền đầu tư trong toàn xã hội. Khả năng hấp thụ vốn hiện nay trên thị trường được đánh giá sẽ tương đối tốt, cộng với chỉ số lạm phát năm nay được kiểm soát sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm tới, áp lực lạm phát được dự báo tăng cao hơn, ở mức khoảng 4%-4,5%, song vẫn ở mức chấp nhận được. 

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), việc nới room tín dụng được xem là dư địa để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tốt hơn. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, cùng với áp lực của lạm phát thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và chần chừ trong việc vay vốn. Để doanh nghiệp tiếp cận được vốn thì phải từ khía cạnh giảm lãi suất, chứ không chỉ đơn thuần là nới room tín dụng. Do đó, phải thực hiện đồng bộ cả hai giải pháp này. 

Còn theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, có 2 điều đáng chú ý từ việc NHNN nới room tín dụng. Một là, với chính sách tiền tệ, chúng ta vẫn kiên định giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn của hệ thống tài chính và trong chừng mực nhất định có thể hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh rất nhiều áp lực như hiện nay, cần linh hoạt, bám theo diễn biến của thị trường. Hai là, áp lực từ bên ngoài tuy có tăng trong quý 2, song đã giảm trong thời gian gần đây - như lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh, lãi suất giảm; còn trong nước, thanh khoản của ngân hàng giảm. “Tôi xin nhấn mạnh rằng khi nới room tín dụng là vừa kết nối, bắt liền mạch cho mức tín dụng năm 2023 với tinh thần xác định là linh hoạt, nhưng vừa đảm bảo các điều kiện thanh khoản cho hệ thống các ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp sao cho đúng đích”, ông Thành nói.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:

Nới room tín dụng phải đồng bộ với giảm lãi suất vay

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5%-2% là rất phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang “khát” vốn hoạt động hiện nay.

Tuy nhiên, cùng với việc nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét đến lãi suất vay. Thông tin từ nhiều DN thành viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, hiện các DN đang phải vay vốn với lãi suất quá cao (từ 11%-15%). Do vậy, dù “khát” vốn nhưng các DN cũng cân nhắc khi vay vì lợi nhuận thu được không đủ bù đắp cho mức lãi suất này.

Ở góc độ khác, những gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi kinh tế cũng cần được các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân. Có như vậy mới giúp DN vừa có vốn duy trì sản xuất, vừa giảm áp lực do đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm trong thời gian gần đây.

ÁI VÂN

Ông VÕ HỒNG THẮNG - Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển Tập đoàn Bất động sản DKRA:

Nên có gói hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản

Dù ngân hàng chỉ tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, song tôi thấy rằng việc nới room cũng sẽ giúp cho thị trường bất động sản có cơ hội sáng sủa trở lại.

Trước đây, thời điểm năm 2014-2015, Nhà nước có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi cho người thu nhập thấp mua nhà đã có tác động rất tích cực đến đời sống xã hội, nhiều cán bộ, viên chức, người lao động có thu nhập thấp đã có cơ hội sở hữu nhà. Giờ đây, để “xốc” lại thị trường bất động sản cũng như giúp người lao động có cơ hội mua nhà, nên chăng Nhà nước cũng có gói hỗ trợ như trên để DN bất động sản có thể triển khai làm nhà ở xã hội, làm nhà ở cho người có thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu thực của đại bộ phận nhân dân.

ĐỨC TRUNG

Các tin khác