Gian nan hành trình vay vốn

(ĐTTCO) - Gần 1 tháng sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi vay từ ngân sách nhà nước với mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm cho một số nhóm ngành, nhiều DN vẫn còn lơ mơ chưa biết cách thức như thế nào để tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này. 
Gian nan hành trình vay vốn
ĐTTC đã có cuộc trao đổi với một số DN nằm trong những ngành nghề được hưởng mức lãi suất hỗ trợ này như du lịch, cái nhận về cũng chỉ là sự thờ ơ thậm chí không quan tâm chi tiết đến nội dung trong Nghị định 31, vì DN không có niềm tin tiếp cận được các gói vay ưu đãi.
Nguyên nhân do NH thường ưu tiên các khách hàng lớn, có tài sản thế chấp, trong khi nhóm DN nhỏ không có tài sản thế chấp rất khó vay vốn. Đó là chưa kể khi vay theo gói ưu đãi, DN có thể phải đáp ứng thêm nhiều tiêu chí như không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận… 
Tiếp cận vốn khó trong khi áp lực chi phí đè nặng, khiến nhiều DN ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, cho biết DN đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40% cùng với giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục.
“Chúng tôi đang khát vốn. Trước đây, chỉ cần 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, tức phải cần 150 tỷ đồng. Chúng tôi mong các NH hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho DN bằng cách đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản để tăng nguồn vốn vay” - bà Chi kiến nghị. 
Khát vốn cũng là lý do nhiều DN trong ngành thực phẩm không dám nhận thêm đơn hàng xuất khẩu từ các đối tác châu Âu, Mỹ… vì giá xuất khẩu không tăng, hoặc có tăng cũng cần thời gian và mức tăng không nhiều, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã, DN lại không có vốn để dự trữ nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu. 
Kể từ ngày 15-6, giá các mặt hàng trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường đã tăng thêm 2.000 đồng/chục. Trước đó vào đầu tháng 4 mặt hàng này cũng đã thiết lập mặt bằng giá mới trong chương trình bình ổn năm 2022 của TPHCM.
Vì sao chỉ trong vòng chưa tới 2 tháng trứng gia cầm liên tục tăng giá. Theo các DN chi phí đầu vào (thức ăn chăn nuôi, hộp nhựa, bao bì, lương công nhân, xăng dầu…) đồng loạt tăng cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá thành sản phẩm buộc phải tăng theo. 
Không chỉ trứng gia cầm, một số mã hàng có chi phí đầu vào tăng cao vượt trội nên DN cũng không thể duy trì mặt bằng giá cũ. Song để giữ chân khách hàng mức giá mới không thể tăng tương ứng với mức tăng của chi phí đầu vào, DN chỉ còn cách cắt giảm chi phí tối đa, giảm lợi nhuận để đi qua “mùa giông bão”.
Thế nhưng cái lo của nhiều DN là họ có thể chịu đựng tới lúc nào, khi giá xăng mới đây lại cán mốc kỷ lục, tiến sát mức 33.000 đồng/lít, cùng với đó từ 1-7, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 6%. 
Một số mặt hàng buộc phải tăng giá trong khi sức mua ở thời điểm này không tăng, thậm chí với nhiều mặt hàng còn giảm, cũng mang đến nhiều nỗi lo. Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và các hoạt động nổi bật của ngành công thương TP 5 tháng đầu năm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, phân tích sức mua hiện nay của người dân và DN chưa mạnh như trước dịch, việc tăng giá có khả năng tác động ngược kéo sức mua giảm thêm.
"Những tháng đầu năm hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung hàng hóa thiết yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu" - ông Vũ đánh giá. 
Để kích thích sức mua, mới đây TPHCM đã triển khai tháng khuyến mại tập trung đợt 1 từ 15-6 đến 15-7 với hạn mức khuyến mại lên đến 100%, đặc biệt có sự tham gia của cả các chợ truyền thống. Đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức tháng khuyến mại tập trung vào giữa năm.
Hiệu quả của tháng khuyến mại này phải chờ đến khi kết thúc chương trình mới có thể khẳng định, nhưng nó cũng cho thấy những nỗ lực rất lớn của các DN trong hành trình cải thiện sức mua của người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. 

Các tin khác