Cận kề phá sản
Chỉ cách đây vài năm, vào thời điểm đỉnh cao của mùa du lịch, kinh doanh khách sạn ở các khu phố cổ Hà Nội được xem là ngành “sang chảnh” và “hái ra tiền”, khi các khách sạn luôn kín phòng có du khách nước ngoài lưu trú. Những khu phố có khách sạn luôn đông nghịt người và hoạt động kinh doanh buôn bán, dịch vụ đi kèm nhộn nhịp cho đến 1-2 giờ sáng.
Nhưng giờ đây, những hình ảnh này đã lùi vào quá khứ. Cách trung tâm Hồ Gươm quận Hoàn Kiếm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè - nơi luôn sầm uất du khách nước ngoài - một chủ khách sạn mini đang treo biển rao bán với giá 69 tỷ đồng. Khách sạn có diện tích 102m2, mặt tiền 5,5m được thiết kế 5 tầng gồm 16 phòng. Tầng 1 được cho thuê bán hàng với giá 70 triệu đồng/tháng, 4 tầng còn lại làm khách sạn với giá thuê 90 triệu đồng/tháng.
Theo chủ khách sạn trên, từ nhiều tháng qua không có khách thuê và cũng không biết đến lúc nào mới kinh doanh lại được nên buộc phải rao bán. Khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, tại các phố như Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Gai tập trung rất nhiều khách sạn lớn nhỏ, nhưng hầu hết vẫn đóng cửa sau đợt dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm đến nay.
Một số khách sạn khác, chủ sửa chữa lại và chuyển đổi sang loại hình kinh doanh, dịch vụ khác, trong khi nhiều khách sạn chủ nhà gỡ biển, xóa luôn tên thương hiệu.
Theo tìm hiểu, phần lớn các khách sạn mini nói trên thường do doanh nghiệp bất động sản mua hoặc thuê lại để kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch nước ngoài. Nguồn vốn kinh doanh chủ yếu vay từ các ngân hàng.
Khi dịch Covid-19 kéo dài, du lịch đóng băng, du khách nước ngoài không có, đã khiến việc kinh doanh thua lỗ kéo dài. Dù đã cắt giảm chi phí, tạm đóng cửa song nhiều doanh nghiệp vẫn không thể kham nổi, buộc phải trả lại hoặc rao bán nhà với giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Không chỉ hệ thống khách sạn mini ở khu phố cổ điêu đứng, nhiều khách sạn thuộc hàng ông lớn ở Hà Nội cũng đang rao bán. Tọa lạc trên diện tích 1.500m2 tại khu đất vàng số 146 phố Giảng Võ quận Ba Đình, khách sạn 5 sao Grand Vista Hanoi có quy mô 23 tầng với 170 phòng được rao bán 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, khách sạn 5 sao Atlanta với quy mô 16 tầng trên diện tích 560m2, ở vị trí đắc địa số 49 Hàng Chuối quận Hai Bà Trưng, cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng.
Một số chủ khách sạn cho biết, du lịch Hà Nội lâu nay mang tính chất đặc thù. Nếu ở các địa phương khác dựa trên tài nguyên du lịch khá đa dạng như danh lam thắng cảnh, bãi biển, nghỉ dưỡng… thu hút được cả du khách nước ngoài lẫn nội địa, nguồn khách du lịch của Hà Nội chủ yếu là khách nước ngoài với loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Chính vì thế, khi hoạt động du lịch lữ hành quốc tế đóng băng, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành và khách sạn điêu đứng.
Để chống đỡ, trong quý I và II nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã cắt giảm chi phí, giảm nhân sự và tạm đóng cửa để chờ dịch kết thúc. Song đến quý III nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, cận kề bên bờ vực phá sản.
Khách sạn 5 sao Atlanta (49 Hàng Chuối, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được rao bán với giá 480 tỷ đồng.
Khó phục hồi sớm
Rao bán được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn, song nhiều chủ khách sạn cũng thừa nhận việc này cũng rất khó khăn. Bởi lẽ, ít nhà đầu tư nào dám mạo hiểm ôm cục nợ vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và thị trường du lịch Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính chung 7 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 5,13 triệu lượt. Riêng trong tháng 7, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước 34,14%, chỉ tăng 4,96% so với tháng 6 và giảm 30,6% so với cùng kỳ 2019. Cộng dồn 7 tháng, công suất trung bình khối khách sạn ước đạt 32,74%, giảm 37,16% so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, báo cáo thị trường khách sạn Hà Nội quý II-2020 của Savills công bố, cho thấy tình hình kinh doanh khách sạn tại Hà Nội vẫn chưa qua thời kỳ khó khăn bởi Covid-19.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, công suất phòng khách sạn giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá phòng theo đó cũng sụt 24% so với 2019 và giảm 14% so với quý trước. Hiện giá thuê phòng khách sạn 5 sao chỉ khoảng 85USD/đêm (khoảng 2 triệu đồng).
Bức tranh thị trường bất động sản trong nước nói chung, phân khúc loại hình khách sạn nghỉ dưỡng nói riêng, sẽ còn thêm nhiều gam màu xám trong thời gian tới. Thậm chí, quý I-2021, thị trường vẫn khó phục hồi vì dịch Covid-19. GS. Đặng Hùng Võ |
Trao đổi với ĐTTC về phân khúc thị trường khách sạn ở Hà Nội hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ, cho rằng đây là thời điểm rất khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh loại hình khách sạn. Việc thị trường khách sạn tại Hà Nội có phục hồi sớm hay không phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch nước ngoài.
Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hoạt động đón khách du lịch nước ngoài chưa biết khi nào mới mở lại. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp đều vay vốn của các ngân hàng để đầu tư vào xây dựng khách sạn, hiện đang đối mặt với việc khó có khả năng hoàn trả cả gốc lẫn lãi, dẫn đến nguy cơ trở thành nợ xấu cho ngân hàng.
“Việc tiếp tục vay ngân hàng để giải cứu doanh nghiệp kinh doanh khách sạn hiện nay, theo tôi rất khó, vì không ngân hàng nào dám cho vay. Nên chăng, việc cần làm lúc này là các ngân hàng ân hạn khoản vay, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Việc kêu gọi sự giải cứu từ Chính phủ cũng rất khó, vì đây không thuộc nhóm ngành ưu tiên. Do đó, giải pháp lúc này là các doanh nghiệp nên có sự liên kết với nhau dưới hình thức các hội, hiệp hội tương trợ nhau về vốn vay để duy trì hoạt động, cầm cự đợi đến khi dịch bệnh kết thúc” - GS. Võ nhấn mạnh.