Hợp tác công tư PPP phát triển hạ tầng: Cần khung pháp lý rõ ràng

(ĐTTCO) - Để thu hút tốt hơn nguồn vốn tư nhân, chuyên gia cho rằng cần có khung pháp lý rõ ràng hơn, minh bạch cơ chế quản lý tài chính cho các dự án PPP.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, việc huy động các nguồn lực khác như vốn tư nhân, thông qua hình thức hợp tác đối tác công tư PPP đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, việc huy động các nguồn lực khác như vốn tư nhân, thông qua hình thức hợp tác đối tác công tư PPP đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân những năm gần đây chiếm khoảng 32 - 34% GDP. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, việc huy động các nguồn lực khác như vốn tư nhân, thông qua hình thức hợp tác đối tác công tư PPP đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giải pháp đã được bàn luận tại hội thảo "Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng", do Ban Kinh tế trung ương tổ chức.

Nguồn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP đã góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nhà máy điện trong những năm gần đây. Các diễn giả nhận định, chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam cần ít nhất 20 tỷ USD/năm. Vì vậy, việc thu hút thêm nguồn lực tư nhân đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho nguồn đầu tư công.

"Ví dụ như 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xã hội là 817.303 tỷ, nhưng tổng nhu cầu vốn sẽ chiếm khoảng triệu tỷ. Do vậy, đối tác công tư là giải pháp cũng có tính đột phá, sáng tạo mà Đảng lãnh đạo, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương, bộ, ngành đang thực hiện", ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết.

Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư PPP có dấu hiệu giảm dần do một số vướng mắc trong thủ tục đầu tư, quy trình thanh toán, bảo lãnh... Theo Bộ Tài chính, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP chính thức có hiệu lực vào năm 2020, chỉ có 3 dự án BOT giao thông đã ký hợp đồng, 8 dự án đang trong giai đoạn đầu tư và chưa ký hợp đồng. Trong đó, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông; các lĩnh vực khác như y tế, nước sạch còn gặp khó khăn chưa thu hút được vốn tư nhân.

Để thu hút tốt hơn nguồn vốn tư nhân, chuyên gia cho rằng cần có khung pháp lý rõ ràng hơn, minh bạch cơ chế quản lý tài chính cho các dự án PPP, đồng thời cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư.

"Mối quan hệ đối tác công tư ở các dự án sẽ kéo dài trong ít nhất hàng chục năm. Do đó, các bên có thẩm quyền cần làm rõ các cơ chế, chính sách và nguồn tài nguyên sẵn có để hỗ trợ các nhà đầu tư PPP, kể cả nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng", Giáo sư Akash Deep, Giảng viên cao cấp về Chính sách công, Trường Havard Kennedy, Đại học Harvard, nhận định.

"Hiện đang có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm cho các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn vốn PPP vào thị trường Việt Nam, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng một số chức năng lại thuộc về Bộ Tài chính. Vì vậy cần sự phối hợp giữa các cơ quan một cách rõ ràng, để phát triển quy định, cơ chế cũng như hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút nguồn vốn PPP", ông Donald Lambert, Giám đốc Phụ trách Khu vực Tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho hay.

Hiện các bộ, ngành cũng đang lấy ý kiến các bên liên quan để sửa đổi, bổ sung Nghị định 28 về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Dựa trên cơ sở thực tế các đề xuất, sẽ có những chỉnh sửa cho phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các tin khác