Phong trào “Uống nước chè Tàu, ngồi ghế trường kỷ” hậu bán thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đã đưa giới quý tộc Việt thời Lê-Trịnh-Nguyễn dần quen với thú uống trà bằng đồ sứ ký kiểu “xác Tàu, hồn Việt”, do các sứ thần đi sứ Trung Hoa mang về. Nổi tiếng từ thời vua Gia Long (1802-1819), bộ chén trà Mai Hạc xứ Huế vẫn luôn hấp dẫn không chỉ các nhà sưu tập Việt Nam, mà còn được du khách Nhật Bản, Trung Hoa tìm kiếm.
1. Bộ trà Mai Hạc gồm có 4 món “dầm, bàn, tống, tốt”, men sứ trắng mịn, nét vẽ xanh lam Hồi, khi đậm khi nhạt trông thật thanh thoát, khinh khoái kỳ mỹ. Đó là hình tượng vẽ hình chim Hạc đứng co chân, ngoái đầu nhìn lại cội mai già đương nở rộ; dọc thân chén hay bên trái mặt đĩa đề hai câu thơ lục bát, chữ Nôm, tương truyền của Đại thi hào Nguyễn Du: Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, Hạc là người quen.
Chỉ với hai câu đề thơ hình tượng Mai Hạc tương quan đã tựu thành thú đam mê sưu tập tột đỉnh của học giả Vương Hồng Sển, khi viết 14 trang sách khổ lớn tôn vinh và lý giải những huyền thoại trong cuốn “Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế” thuộc chuỗi sách “Hiếu cổ đặc san” xuất bản có hệ thống từ năm 1972.
Với nhà sưu tập Trần Đình Sơn, ca ngợi hàng đầu đồ ký kiểu trong cuốn “Thưởng ngoạn đồ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945”, và đặc biệt nhà nghiên cứu cổ vật, tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn, dùng bộ trà đặc biệt này minh họa và mở đầu Chương I, cuốn “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn”, được xuất bản song ngữ nhằm giới thiệu cổ vật Việt Nam ra thế giới.
Huyền thoại chén trà Mai Hạc thơ Nôm quyến rũ học giả Đạt Cổ Trai, đến nỗi cụ quyết liệt bác bỏ thuyết GS. Trần Thanh Đạm cho rằng kiểu Mai Hạc có từ thời Chúa Trịnh, vốn do một Thái giám đặt làm và đóng triện Kim Tiên Kỳ Ngoạn, để khẳng định nó thuộc về thời Vua Nguyễn.
Sự kiện Cần Chánh điện Đại học sĩ (勤政殿大學士) đi sứ năm 1813, được Vua Gia Khánh hết sức khen ngợi càng khiến người đời nặng tình Nguyễn Du-Hồ Xuân Hương, theo đó thêu dệt lúc trà nhàn. Như GS. Trần Ngọc Ninh phỏng đoán: Khởi đầu Nguyễn Du viết “Mai là người cũ, Hạc là bạn xưa”, nhưng thấy viết như thế lộ liễu quá, vì Mai là tên của Hồ Xuân Hương, nên xóa sáu chữ cuối đi và viết lại sang hàng bên cạnh: (Mai là) bạn cũ, Hạc là người quen.
Trong những giấc mơ ám ảnh bất tận về gốm sứ và nghiên cứu trà Việt của mình, bộ trà Mai Hạc luôn thúc đẩy tôi thú đam mê thủ đắc. May mắn được gặp gỡ nhà nghiên cứu sưu tập Lê Văn Kiên, được anh mời thưởng trà trên bộ trà Mai Hạc chữ Phúc (hay Phước -福) duy nhất, độc hiếm khiến tôi giật mình nhớ lại giấc mơ trà ẩm với cụ Đỗ Trọng Huề, tác giả Hương Trà xuất bản sách trà đầu tiên ở đất Việt, và được cụ giảng giải cho riêng một huyền thoại bộ trà Mai Hạc thật thân tình, gần gũi: “Thực ra bộ chén Mai Hạc cũng như chén khác, không có gì đặc biệt, nhưng người ta thấy đồ sứ sản xuất ở Tàu, lại đề thơ chữ Nôm của ta, mà người đề là Nguyễn Du vốn được dân ta sùng bái, nên cầu kỳ tìm mua cho bằng được vậy".
2.Đầu năm Gia Long (1802-1819), Nguyễn Du đi sứ Nhà Thanh, qua Trấn Cảnh Đức ở huyện Phù Lương, tỉnh Giang Tây, ghé vào xem một lò làm đồ sứ. Chủ nhân mời vào tiếp đãi ân cần, nói mình họ Lâm là con cháu ông Hòa Tĩnh đời Tống, quê ở huyện Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang, và đưa ra một kiểu chén trà vẽ Mai Hạc rất tinh tế mà chưa đề thơ, khẩn khoản nhờ sứ thần Việt Nam đề cho hai câu thơ chữ Nôm làm kỷ niệm. Nguyễn Du đề: Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen - 嘵嗷𢝙趣烟霞/梅罗伴𡳶鶴罗𠊛悁.
Chủ nhân vừa ý lắm, cho thợ đem nung. Khi xong việc sứ bộ, Nguyễn Du về, chủ nhân nói chỉ để lại mươi bộ làm gia bảo, còn bao nhiêu tặng cả cho Nguyễn Du cùng các sứ thần và tùy viên, rồi phá khuôn đi. Vì thế bộ chén trà Mai Hạc rất hiếm, chỉ quyến thuộc hoặc bè bạn Nguyễn Du mới có.
3.Thời vua Thành Thái (1889-1906), người Pháp mở mang thành phố, xây dựng dinh thự, bắc cầu cống, sửa đường sá. Người có đầu óc kinh doanh thi nhau bỏ tiền ra thầu khoán, nhiều người trở thành triệu phú. Họ vung tiền mua phẩm hàm, sắm xe ngựa, chơi đồ cổ; họ cho người sục sạo các nơi tìm mua đồ sứ cổ để biếu quan thầy, mong giúp đỡ công việc làm ăn.
3.Thời vua Thành Thái (1889-1906), người Pháp mở mang thành phố, xây dựng dinh thự, bắc cầu cống, sửa đường sá. Người có đầu óc kinh doanh thi nhau bỏ tiền ra thầu khoán, nhiều người trở thành triệu phú. Họ vung tiền mua phẩm hàm, sắm xe ngựa, chơi đồ cổ; họ cho người sục sạo các nơi tìm mua đồ sứ cổ để biếu quan thầy, mong giúp đỡ công việc làm ăn.
Bấy giờ hiệu Chú Lâm ở phố Hàng Buồm, Hà Nội bán các đồ sứ, thấy thế mới tìm cách hốt bạc. Gặp khách quen muốn mua một bộ bàn trà biếu quan thầy, chú thì thầm bảo: “Mình họ Lâm, con cháu ông chủ lò sứ Cảnh Đức, nay còn mấy chén trà Mai Hạc gia bảo, nếu mua giá cao sẽ bán lại cho, nhưng đừng nói cho người khác biết, sợ mang tiếng với họ hàng!”.
Thông thường khách ăn chơi, nhà nào cũng muốn có vài bộ bàn trà quý để trưng bày với quý khách hàng và bè bạn, nên chén Mai Hạc ai ai cũng chuộng. Thí dụ hàng chén Nội-phủ, Trân-tàng, Ngoạn-ngọc bán hơn 10 đồng một bộ (mỗi đồng bạc ăn 20 quan tiền), thì chén Mai Hạc chú đòi 25 đồng, thế là đắt gấp hơn hai lần những bộ chén tiến vua Nhà Thanh.
Nhận đủ người mua, đã kiếm được món tiền to, chú về Tàu đặt lò sứ nào gọi là ký kiểu mà chẳng được. Khi bàn trà đem sang, khách mua đều thích. Vì da ráng đẹp, nét vẽ chữ viết còn tinh xảo hơn của họ Lâm ngày trước. Sau có người đồng hương với chú Lâm buôn bán ở Hà Nội, thấy chú phát tài cũng bắt chước làm, lại sợ chú là con cháu họ Lâm ở Tiền Đường thật, đứng ra thưa kiện lôi thôi, mới làm khác, viết chữ khác đi một chút: Chén cũ đề thơ có hai dòng, nay đề ra thành ba dòng cho khác kiểu: Nghêu ngao vui thú yên hà // Mai là bạn cũ // Hạc là người quen.
Và cũng có bộ thơ đề bất-thành-cú: Nghêu ngao vui thú yên hà Mai -嘵嗷𠸟趣烟霞// Là bạn cũ, Hạc là người quen -梅罗伴旧隺罗𠊛㳙. Bởi vì người họa sĩ Trung Hoa không biết lối thơ Lục bát và chữ Nôm, trong bài 14 chữ thì có 5 chữ không biết (nghêu, ngao, vui, cũ, người) nên mới có sự sai lầm buồn cười như thế. Nhưng bất chấp, chén Mai Hạc bán vẫn chạy và đắt hơn tất cả các bộ khác, tại ông thánh thơ Nôm đã khai sinh cho nó”.
Câu chuyện kết thúc theo đà huyền thoại ngày càng phủ dày lên hồn cổ vật như “Băng tâm thiến ảnh”. Thực tế, Nguyễn Du thời trẻ khi rong ruổi giang hồ đã từng ngang qua sông Tiền Đường và chiêm ngắm tuyệt cảnh Tây Hồ (Hàng Châu, Triết Giang ngày nay). Đây cũng là chốn lều tranh Cô Sơn huyền thoại, mà Tây Hồ xử sĩ Lâm Bô 林逋 (967-1028)- tự Quân Phục (君復), tên thụy là Hòa Tĩnh tiên sinh (和靖先生) chọn ẩn sĩ chốn cao phong, vui một đời trồng mai, nuôi hạc, và thường đùa "lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con".
Ông có hai bài tuyệt cú được truyền tụng thiên cổ là Mai hoa (梅花) và Sơn viên tiểu mai (山園小梅), ít nhiều ảnh hưởng đến cụ Tiên Điền khi mang hoa Mai vào truyện Kiều và bi thiết với câu thơ giải Nghiệp thể phách - “Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan” (câu 2965).
4.Chữ Phúc gắn liền họ mạc Nguyễn Vương. Sau hơn 10 năm thịnh triều “vui thú yên hà” trong bối cảnh vua Gia Long sử dụng lại chữ Hán, bộ trà ký kiểu Mai Hạc đề thơ Nôm xuất hiện và phát sinh nhiều biến thể khiến lạc dẫn người đời sau. Các bộ trà Mai Hạc Huế thơ Nôm được tìm thấy ở Việt Nam lần lượt mang triện chữ Hán: Kim Tiên Kỳ Ngoạn -金仙竒玩, Ngoạn Ngọc -玩玉, Trân Ngoạn -珍玩, Nhã Ngọc -雅玉, hay chỉ một chữ Ngọc -玉, chữ Thọ -壽, chữ Phúc -福, theo lối chữ Triện. Nhưng dẫu có bộ Mai Hạc “cổ vật không rõ thân phận” đi nữa, thì hầu như đều có danh phận vượt ngoài 100 năm tuổi tên.
4.Chữ Phúc gắn liền họ mạc Nguyễn Vương. Sau hơn 10 năm thịnh triều “vui thú yên hà” trong bối cảnh vua Gia Long sử dụng lại chữ Hán, bộ trà ký kiểu Mai Hạc đề thơ Nôm xuất hiện và phát sinh nhiều biến thể khiến lạc dẫn người đời sau. Các bộ trà Mai Hạc Huế thơ Nôm được tìm thấy ở Việt Nam lần lượt mang triện chữ Hán: Kim Tiên Kỳ Ngoạn -金仙竒玩, Ngoạn Ngọc -玩玉, Trân Ngoạn -珍玩, Nhã Ngọc -雅玉, hay chỉ một chữ Ngọc -玉, chữ Thọ -壽, chữ Phúc -福, theo lối chữ Triện. Nhưng dẫu có bộ Mai Hạc “cổ vật không rõ thân phận” đi nữa, thì hầu như đều có danh phận vượt ngoài 100 năm tuổi tên.
Bộ trà Mai Hạc chữ Phúc này tuy đĩa đề 3 dòng thơ với “Mai là” trơ vơ quen thuộc, trong khi chén lại ngắt thành 4 dòng 4-2-4-2 tối nghĩa, lại là một minh chứng người đặt hàng hay chính họa sĩ xứ người ký kiểu càng không hiểu ý thơ Nôm, và đặc biệt xa lìa huyền thoại thơ Nôm đích thị do Đại Thi hào đề bút. Bộ trà Mai Hạc cổ vì thế càng hiếm quý hơn bao giờ hết, và nó luôn ý nghĩa ở chỗ 4 chén trà kích cỡ bằng nhau “nhất tống tam quân”, được xếp trên cùng một đĩa “nếm mật nằm gai, kiên trì phục quốc”, như minh định sự hiện hữu thấm đẫm tình vua tôi đồng lòng, không biệt phân; chiếc đĩa thuyền hay dầm trà riêng để ấm Tử sa Nghi Hưng hoặc ấm sứ Cảnh Đức dáng chữ Thọ-triện quen thuộc vua Gia Long thường dùng, ít nhiều gợi hứng Ngài xây Thiên-Thọ-lăng mong cầu Phúc Thọ trường cửu. Và cuối cùng tất cả góp phần hình thành di sản vật thể và phi vật thể Việt Nam hôm nay.
TPHCM, tiết Trung thu 2019