Với chính sách 30 năm duy tân thần kỳ của Minh Trị Thiên hoàng (1868-1912), các nghệ nhân từ Chin Jukan (沈壽官) qua Kinkozan (錦光山) đến Yabu Meizan (藪明山) đã góp công lớn đưa gốm Satsuma xứ Phù Tang nổi tiếng ở phương Tây và Mỹ.
Chin Jukan thuộc về 1/19 dòng họ nghệ nhân Triều Tiên đầu tiên phát hiện ra đất sét trắng núi lửa phong hóa ở tỉnh Kagoshima, đảo Kyushu đầu thế kỷ 17. Dòng gốm Satsuma trắng cải tiến tráng men tro gỗ của dòng họ Chin Jukan về sau đưa ông trở thành cha đẻ của ngành công nghiệp Satsuma chuyên sản xuất thai gốm chưa vẽ cấp cho vùng trung tâm gốm Awata-Kyoto nửa cuối thế kỷ 19.
Khi gia đình nghệ nhân Kinkozan ở Kyoto làm gốm từ năm 1645 giới thiệu lối vẽ men màu tới nghệ nhân vùng Satsuma vào cuối thế kỷ 18, xứ Awata gần Kyoto cũng bắt đầu sản xuất đồ Satsuma nghệ thuật từ nguồn đất sét vùng Kyushu.
Nghệ thuật Kyo-satsuma trang trí thổ cẩm Nu-ritsubushi (塗りつぶし) dần thịnh hành với các màu đỏ thẫm, xanh dương bóng, xanh lá nhạt, đen tím và vàng - thường thay bằng kỹ thuật mạ vàng Kin-Nishikide (金錦手) khi kết hợp kỹ thuật Moriage (盛り上げ) điểm và trượt sét mềm trên cốt gốm nung vùng Kyushu đã làm nên tên tuổi gốm kim hoàn Kyo-Satsuma đóng triện vàng Shimazu mang xuất xứ cốt gốm Satsuma.
Cuối thế kỷ 19, trong phong trào tân nghệ thuật Art Nouveau, nghệ nhân Yabu Meizan nâng gốm Satsuma lên tầm cao mới với giá trị mỗi sản phẩm siêu nhỏ bán ra mang tên Yabu Meizan có giá đấu khởi điểm 3.000 lên đến trên 50.000 bảng Anh. Qua suốt 4 thế kỷ không ngừng phát triển, gốm Satsuma thực sự cho thấy có lịch sử bền vững và linh hồn rất riêng:
Bộ sưu tập gốm Satsuma được trưng bày để quý độc giả yêu mến gốm sứ cổ đến thưởng lãm, giao lưu và trao đổi học thuật tại Hội quán Long Chương, địa chỉ 241/42 Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM (tel: 08.8839.8879, fax: 028.3855.1924) |