Phật giáo hòa quyện đời sống người Nhật Bản như sữa với nước. Người Nhật kính trọng giáo lý giải thoát Đức Phật Thích Ca (Hiền Nhân) tràn ngập hiện sinh nhưng chọn tôn thờ ngẫu tượng, tuyệt đối tin vào thần thông cứu độ của Đức Phật ADiĐà. Chỉ trên một chiếc bình hoa “Pháp hội và tín ngưỡng”, tôn tượng Phật Tổ Như Lai có đức tướng râu “chữ Bát/八” chuẩn bị khế nhập Niết-bàn sau 49 năm quang lâm giảng kinh, hoằng pháp độ sinh; tay ấn quyết quả vị theo cách thế Nhật rồi đây tất cả cũng sẽ tan biến hư không; thực tướng còn lại là thể xác già lão, như công án về thánh hạnh gắn liền đạo pháp tu tập giải thoát ngay trong đời sống. (Hình 1: bình cổ Satsuma Gosu-blue, cao 56cm).
Hình 1: bình cổ Satsuma Gosu-blue, cao 56cm
Tại sao người Nhật không sợ chết? Vì họ tin cầu Đức Phật Vô Lượng Thọ sẽ độ cho người lễ bái cúng dường: tiêu trừ nghiệp chướng, hồi phục oan gia, tăng trưởng phước thọ, vãng sinh được vô lượng khoái lạc. Bằng Giáo lệnh Luân thân hay thân biến hóa của Bồ Tát Văn Thù, biến thần Yamantaka qua hình tượng thần chết đầy phẫn nộ có đến 8 cái đầu, nhiều chân tay nắm dày đặc pháp khí với định lực đủ mạnh sẵn sàng đối diện với cái chết, khiến chính thần chết Yama khi đối diện và soi thấu bản thân mình cũng “sợ chết khiếp”. (Hình 2: Kyo-Satsuma, đường kính 38cm).
Hình 2: Kyo-Satsuma, đường kính 38cm
Nghệ nhân mô tả lại sự uy nghi của buổi thiết triều nơi cung vàng điện ngọc, có Thái tử “Tá quốc nhiếp chính nữ Thiên hoàng Suiko” dưới cánh Phượng hoàng che chở, các bên văn võ thần phục… khiến Tây phương không thể xem thường quá khứ khi đối sánh Trung Hoa về vị Thiên hoàng đầu tiên là nữ không phải huyền thoại (Hình 3: Kyo-Satsuma, đường kính 70cm).
Hình 3: Kyo-Satsuma, đường kính 70cm
Tương tự, nghệ nhân cũng mô tả sự thống nhất tư tưởng ngay cả khi lãnh thổ bị Lãnh chúa Samurai chia cắt, các Tướng quân, Lãnh chúa tôn thờ Tịnh độ, kính trọng Hoàng gia. Trong khuôn khổ Hoàng gia, biểu thị bằng viền hoa cúc nhiều cánh, toàn cảnh chinh phục thiên nhiên, dụng pháp, dựng xây những tự viện còn hỗn mang, thì những con rồng trắng ở mặt sau quy thuận “lưỡng chầu” rất ổn định (Hình 4, 5: Kyo-Satsuma, đường kính 26cm).
Hình 4, 5: Kyo-Satsuma, đường kính 26cm
Phật tử xứ Phù Tang đảnh lễ và thờ phượng nhiều nhất các Bồ Tát: Quán Thế Âm, Phổ Hiền, Địa Tạng, Văn Thù Sư Lợi và Đại Thế Chí, chính là hiện thân ánh sáng trí tuệ trong Phật giáo Đại thừa và là bậc đại sĩ siêu việt trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật ADiĐà. Bồ-Tát trong đồ tượng cũ thường có giới tính nam, như Bồ Tát Quan Âm khoác bạch y, để râu khá phổ biến ở Nhật. Chỉ khi việc truyền đạo mạnh mẽ qua người mẹ, các nước mẫu hệ chịu ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc, tượng thờ Quan Âm chuyển thành hình nữ (Hình 6: bình cổ Satsuma Gosu-blue, cao 46cm).
Hình 6: bình cổ Satsuma Gosu-blue, cao 46cm
Nếu tinh thần Thiền (Zen) thúc đẩy Hoa đạo (Ikebana), Trà đạo (Chado) thăng hoa rực rỡ sau thế kỷ 15, thì nghệ thuật Hương đạo (Kodô) được Thái tử Shôtoku xác tín từ cuối thế kỷ thứ 6, nhân sự kiện một khúc Trầm thơm ngào ngạt trôi dạt từ biển Nam Việt được ngư phủ vớt dâng lên Thiên Hoàng. Trầm từ đó xông chính trong các tế lễ Thần đạo và Phật giáo, góp phần trợ duyên thức ngộ khi đắm chìm trong hương thơm cao quý đó (Jin-kon). Tình yêu cái đẹp với Hương, Hoa và Trà nâng lên thành Đạo, được thiết trí như chiếc đỉnh ba chân gọi là Mỹ đạo, đóng đinh khái niệm “tình yêu vĩnh cửu” biết cảm thụ cái đẹp từ những cánh hoa cúc đại đóa vẽ sống động, chất gốm nung thanh bai, ngay cả hồi văn viền cũng vô cùng tinh tế và dịu mắt, hiền hòa dưới chân chú Lân xanh đặc trưng Gosu-blue (Hình 7: Lư trầm Satsuma Gosu-blue, cao 30cm).
Hình 7: Lư trầm Satsuma Gosu-blue, cao 30cm
Tín ngưỡng Thần đạo tôn thờ cỏ, cây, hoa, lá giúp người dân biết trân trọng thiên nhiên. Tả cảnh mùa xuân, nghệ nhân mượn hình ảnh cánh chim tóm chú sâu béo ngậy trong lùm hoa cúc nở bừng khoe sắc bên giậu vắng, bảo vệ sự sống trường tồn hay tả bầy chim sà xuống lùm mẫu đơn gợi bao la tình mẹ viên dung (Hình 8, 9: Satsuma Gosu blue, cao 46cm).
Hình 8, 9: Satsuma Gosu blue, cao 46cm
Tại sao những tác phẩm gốm kim hoàn Kyo-Satsuma, đặc biệt Imperial Satsuma Gosu-blue lộng lẫy và hào nhoáng, vốn mâu thuẫn với tâm tính ưa tối giản và tiết kiệm của người Nhật, lại chinh phục các viện bảo tàng nghệ thuật Âu Mỹ tuyệt đối? Người Việt có thể học hỏi được gì ở người Nhật nếu mỗi chúng ta không tích lũy cho mình thế giới thẩm mỹ với tình yêu vĩnh cửu qua những mùa Xuân cuộc đời mình?