Văn hóa trà chiều phương Tây và nhu cầu trà cụ mới
Từ một hôn nhân chính trị xa xỉ và nổi tiếng nhất châu Âu giữa hai cường quốc biển Bồ Đào Nha và Anh năm 1662, thói quen uống trà của Công chúa Catherine diễm kiều, vốn được xem là hình mẫu của mọi phụ nữ quý tộc, đã trở thành xu hướng thưởng thức của giới quý tộc. Trào lưu này lan tỏa nhanh chóng đến những tầng lớp khác khắp châu Âu xuyên suốt trong thế kỷ 18 và 19.
Theo đó, trà xanh và trà cụ gốm sứ là những mặt hàng xa xỉ được Công ty Đông Ấn Hà Lan (DEIC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản vào châu Âu chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Tuy nhiên, khi dòng trà phái sinh “lên men cao giảm vị chát”, gọi là trà đen (black tea) được người Anh tín nhiệm và lan tỏa tiêu thụ, đã làm thay đổi tập quán uống trà của lục địa già này. Đồ trà sứ đặt riêng theo “gu Tây” trở thành biểu tượng sang trọng và quý tộc; đóng dấu “royal art” vào những buổi tiệc trà ở châu Âu.
Nhu cầu trà cụ chuẩn hình thành theo hình mẫu trà ẩm phương Tây đầy đủ nhất, phải gồm tách trà có quai và đĩa lót chống nóng đượm muôn phần nữ tính; ấm được tăng dung tích và chiều cao để giữ nóng lâu, pha trà cho nhiều người trong buổi hội ngộ gia đình hay hội họp kinh doanh và chính trị. Khi đế chế Trung Hoa suy tàn, Nhật Bản nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở thành quốc gia cung cấp trà cụ đẹp cho thế giới nhờ sức ảnh hưởng nghệ thuật toàn diện của Trà đạo.
Mong manh tách trà Satsuma Gosu-blue
Nhà Thanh thời Khang Hy (1654-1722) đã hội nhập toàn diện văn hóa Trung Quốc và tăng cường buôn bán với phương Tây thông qua các công ty Đông Ấn, khiến đồ gốm sứ và trà Trung Quốc phát triển ngày càng rực rỡ. Trong khi chế độ Mạc phủ Nhật Bản áp dụng chính sách “tỏa quốc” kéo dài hơn 200 năm (1633-1853), DEIC là đơn vị duy nhất được phép mang đồ sứ và trà Nhật Bản đến Âu-Mỹ.
Nhờ chính sách duy tân sắc nét của Thiên hoàng Minh Trị (1868-1912), đã làm bùng nổ phong trào sưu tập bộ trà nghệ thuật chất liệu gốm Satsuma, Sumida, Suigetsu... khắp thế giới, đặc biệt ưa chuộng dòng gốm Satsuma men xanh Gosu-blue do sản xuất rất ít cho xuất khẩu và hầu như chấm dứt trước năm 1872.
Trải qua dâu bể chiến tranh, những set trà giới thiệu văn hóa lịch sử quốc gia đánh dấu thời mở cửa đầy tự hào của Nhật Bản đã và đang được các nhà sưu tập dày công tìm kiếm. Nó không chỉ là cổ vật gốm Satsuma Gosu-blue ngày càng hiếm mà ý nghĩa to lớn đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng Nhật Bản mở cửa giao thương thành công nhất:
Set trà độc ẩm giới thiệu quý tộc Nhật: biểu tượng qua các gia huy (紋章, monshō) đơn sắc, trong đó văn sở (紋所, mondokoro) hay gia văn (家紋, kamon) là biểu tượng xác định một gia tộc như trong truyền thống phù hiệu và huy chương của châu Âu. Ở đây cây Huyền sâm Ngũ tam đồng
(五三桐) là biểu tượng Hoàn ngũ tam đồng (丸に五三桐, 3-5-3) của Bộ tư pháp và Cận vệ hoàng gia Nhật; phù hiệu dát vàng lá ba lá cây thục quỳ (Tam Diệp Quỳ) của gia tộc Matsudaira, tức Mạc phủ Tokugawa (徳川氏) và các biểu tượng lãnh chúa khác (親藩, shinpan daimyō) như Sasarindō, huy hiệu lá tre và hoa của cây khổ sâm của gia tộc Minamoto (源氏).
Độc ẩm trà hàm nghĩa trường thọ và chung thủy trong ấm trụ đơn và sét trà vẽ hạc bay: linh điểu hạc chính là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý và trường thọ. Hạc thần huyền thoại có tuổi thọ ngàn năm, cũng là đại diện cho lòng trung thành, người bạn đời chung thủy. Niềm tin vào 1.000 con hạc xếp giấy origami mong ước an lành, hạnh phúc và thuận lợi. Loài hạc và xứ Phù Tang có sự gắn kết đặc biệt, trở thành biểu tượng hàng không.
Hai set trà song ẩm vẽ tinh xảo hình ảnh gốm hoa trong đời sống quý tộc với men xanh đỏ ấn tượng trong những viền nhũ vàng nổi bật. Riêng với lối uống trà Tây, việc người chủ tiệc trà thể hiện chiếc thìa gác trên đĩa cán phải ló ra 2cm và song thuận chiều quai tách hay ngược hướng là thể hiện cuộc trà Anh hay Pháp để khách thưởng trà sẽ biết lối ứng xử văn hóa phù hợp trong suốt buổi tiệc trà.