Đồ sứ nghệ thuật Seto Celadon (瀬戸青瓷) đã trở nên nổi tiếng thế giới từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, khi người Nhật dành hơn 7% sản phẩm này xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vượt trên cả sứ Sato Ruri (瀬戸瑠璃) hay Sometsuke (染付) với đặc trưng nét vẽ dưới men màu xanh thanh thiên và trắng tinh hoàng gia quý phái, Seto Celadon luôn sống động như một bức tranh hoa lá và chim chóc được vẽ nổi 3D trên nền men phủ xanh màu ngọc bích.
Seto được biết đến là trung tâm gốm duy nhất nung gốm tráng men thời trung cổ và trở nên nổi tiếng của Nhật Bản từ thế kỷ 13. Owari (hay Seto) lần đầu tiên xuất hiện liên quan đến gốm sứ là ở sử thi Nihon Kōki (日本後紀) thế kỷ thứ 9. Thuở ban đầu, nghệ thuật gốm Seto ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tiệc trà từ các thiền sư như Myōan Eisai (明菴榮西,1141-1215) khi du học Trung Quốc, đã mang giống trà về trồng và khơi nguồn phát triển trà đạo (茶道) thuần Nhật.
Trong thời Kamakura (鎌倉,1192-1333), đồ gốm Seto hầu như bắt chước kỹ mỹ thuật đồ gốm men ngọc xanh Celadon (青瓷) và gốm màu nâu sẫm Tenmoku (天目) thịnh thời Nam Tống (南宋,1127-1279). Qua thời Muromachi (室町,1337-1573), men Seto càng được tinh chế, phát triển đa phong cách và làm mẫu tạo tác cho các đồ dùng trong lễ trà đạo. Kể từ khi thợ gốm Hàn Quốc Yi Sam-pyeong (李参平, chết 1655) bị bắt cóc đưa về Kyushu (九州), việc phát hiện đất sét trắng cao-lanh ở tỉnh Hizen giúp ông trở thành tổ nghề sứ Nhật đầu tiên sản xuất sứ vào năm 1616.
Người Nhật bắt đầu sản xuất sứ Sometsuke, bắt chước các thiết kế và phục vụ thị hiếu phương Tây để xuất khẩu từ thế kỷ 17. Mạc Phủ Tokugawa (1603-1867) áp đặt chính sách tỏa quốc (鎖国) từ năm 1633, khiến đồ sứ xuất khẩu có những gián đoạn đến năm 1757 và sau đó chấm dứt. Lịch sử ghi nhận tướng quân thứ 14 Tokugawa Iemochi (徳川家茂,1858-1866) nỗ lực tặng Nữ hoàng Anh Victoria một hộp thức ăn bằng sứ Seto năm 1866 cho đến khi bàn giao quyền bính lại cho Nhật Hoàng Minh Trị năm 1867.
Sứ đến vùng Seto khá muộn khoảng đầu thế kỷ 19, gồm các loại sứ chủ yếu Sometsuke, Ruri và Celadon được gọi là Shinsei-yaki (真成焼, sứ mới và đúc bằng khuôn) nhằm phân biệt với Hongyo-yaki, (本行焼, gốm truyền thống). Ruri chuyên đồ tôn giáo và cung cấp bộ đồ ăn, bát đĩa và bình hoa kiểu phương Tây. Riêng Sometsuke và Celadon được sản xuất như đồ dùng trà ẩm, nai rượu, bình hoa, chậu cảnh Bonsai (盆栽) mang đậm chất phương Đông, quyến rũ thú đam mê săn tìm của các nhà sưu tập khi nó liên tục đạt các giải thưởng lớn tại triển lãm Paris trong thời gian ngắn từ 1900 đến 1901.