Sam Ngọc
Sam Núi
Trắc Dây
Tùng Bút
Đỗ Quyên
Duyên Tùng
Hải Châu
Linh Sam
Ở Việt Nam, từ thời xa xưa, thú chơi cây cảnh nói chung và cây cảnh bonsai nói riêng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, nhằm để tâm hồn được tĩnh tại và thư thái. Các bậc cao niên xưa đã có câu nói về thú chơi “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng” (thư pháp, tranh, gốm sứ và cây cảnh).
Điều tinh túy của cây cảnh ngày nay được nâng lên tầm nghệ thuật bonsai, tức có thể dùng những kỹ thuật đặc sắc để tạo ra một cây cảnh mang dáng dấp cổ thụ. Vì thế, ngoài vấn đề am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tạo hình cho cây, người nghệ nhân phải là người thổi hồn vào cây để người xem quên đi đây là một cây cảnh, chỉ thấy hiện lên một thiên nhiên kỳ vĩ, hài hòa. Để tạo dáng một cây bonsai, người chơi mất khoảng thời gian từ 5 năm trở lên. Trong đó đòi hỏi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay trong khâu tạo dáng, uốn cành cho cây, đặc biệt là bộ gốc và rễ cây để tạo ra các thế cây.
Sự thưởng thức một cây cảnh thường và thưởng ngoạn bonsai khác nhau, cây cảnh thường người ta tập trung nhiều hơn vào việc ngắm hoa và lá, còn với bonsai nghệ nhân phải gắn sự thưởng ngoạn nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cành. Vì vậy trong nghệ thuật bonsai, lá cây được tìm cách thu nhỏ, còn hoa chỉ là yếu tố phụ. Một cây cảnh bonsai “độc” phải bảo đảm các yếu tố “Cổ - Kỳ - Mỹ”. Cổ được hiểu là lâu năm (có thể là nhân tạo hay tự nhiên). Kỳ là kỳ lạ nhưng phải độc đáo, hay còn được hiểu là sự kỳ công của nghệ nhân tạo nên dáng thế kỳ thú cho người thưởng ngoạn. Mỹ là vẻ đẹp, sự hoàn hảo.
Các chủng loại cây bonsai có rất nhiều, từ các loại cây quý như cây tùng, bách, la hán tùng, linh sam, lộc vừng, mai chiếu thủy, sam hương, sam núi, sam ngọc… đến các loại cây dân gian dễ trồng như cây đa, cây si, bồ đề, bông giấy, cóc, dâu, khế, me... Nói chung là bất kỳ một loài cây thân gỗ nào, dù sống ngoài tự nhiên có kích cỡ lớn đến bao nhiêu, khi đã lọt tầm ngắm của nghệ nhân dưới bàn tay của họ nó cũng sẽ khoác lên mình một dáng bonsai. Chính vì vậy, để có được những chậu bonsai mang đậm tính nghệ thuật, nghệ nhân phải dành cả tâm huyết, công sức, niềm đam mê và con mắt thẩm mỹ nghệ thuật, trí tưởng tượng phong phú.
Cây cảnh bonsai cổ điển cũng có 4 thế cơ bản là trực (thẳng đứng), hoành (ngang), khuynh (xiêu) và huyền (chúc xuống). Tuy nhiên tùy vào bộ đế, bộ rễ của cây mà mỗi nghệ nhân thổi hồn và sáng tạo ra các cây cảnh bonsai có dáng vẻ biến thiên, không có điểm kết. Chẳng hạn với người lớn tuổi ảnh hưởng của nho giáo sẽ biến hóa cây cảnh theo nhiều chủ đề khác nhau với những thế cây: Tam đa, tứ quý, ngũ phúc, phụ tử, mẫu tử, phu thê, huynh đệ, long giáng, phụng vũ, long phụng trình tường, nguyệt ảnh, nghinh phong… Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn tạo thế cây hoành (nằm ngang), thế huyền (đổ xuống như thác đổ), thế bạt phong (gió thổi bạt về một phía nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững)...
Độc đáo của nghệ thuật cây cảnh bonsai ngoài kỹ thuật tạo hình, thu gọn dáng cây, nghệ nhân tạo được sự hòa quyện âm - dương. Đó là lũa của phần thân cây đã chết khô hóa gỗ, tượng trưng cho phần âm, những chồi non, lá tượng trưng cho phần dương. Đây là phần khó nhất, vì để biến phần lũa tưởng chừng khô cằn ấy sẽ nảy ra một nhánh cây xanh mướt, hay những cánh hoa mềm mại không hề dễ. Và như thế mới mang thông điệp sức sống vươn lên mãnh liệt của thiên nhiên, tạo hóa của bonsai.
Nghề chơi cũng lắm công phu, trong thú chơi cây bonsai không chỉ đam mê, bởi nó còn đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức… Để tạo được những chậu bonsai đẹp rất kỳ công, thời gian 5-7 năm trở lên, có giá thành rất cao lên đến cả tỷ đồng. Bonsai không chỉ để trang trí không gian, mà sâu xa hơn nó còn là nghệ thuật sống, nghệ thuật thu nhỏ sự bao la vĩ đại, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên vào trong một cái chậu. Do vậy những nghệ nhân tìm đến cây không đơn thuần vì muốn ngắm nhìn, mà còn như muốn tìm đến sự giao thoa giữa lòng người và thiên nhiên.