Vì sao là pháp lam hay pháp lang?
Nói đến mỹ thuật pháp lam là nói đến sức ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Còn tên pháp lang (琺瑯, falang) được cấu thành từ hai chữ chữ pháp (琺, khuôn) và lang (瑯, ghép nối kim loại), đều có bộ ngọc (玉) đứng phía trước, thể hiện đồ trân phẩm quý như ngọc. Đó là nghệ thuật áp tráng men thủy tinh lên các phôi vàng, bạc hoặc đồng để ngăn không cho màu men hòa lẫn với nhau, gọi là kháp-ti pháp-lang (掐丝琺瑯), vốn đã có từ thời Ai Cập cổ đại và phát triển khắp vùng Trung Đông trong thời kỳ Byzantine Hy Lạp (330-1453), rồi theo Thập tự chinh vào Tây Âu thời Trung cổ. Từ Byzantium hay thế giới Hồi giáo, ước tính kỹ thuật này đã đến Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 13.
Dựa vào phương pháp chế tạo thai cốt và kỹ thuật thể hiện men màu, họa tiết, pháp lang được chia thành 4 loại gồm: Kháp-ti (掐丝), họa (画), trạm-thai (錾胎) – tức chạm trổ trước trên cốt thai, và thấu minh (透明) - tức phủ men trong suốt bên ngoài.
Thuở ban đầu, nghệ nhân Trung Hoa gọi chung thuật ngữ là phát lam (發藍, Falan) hay Phật lang khảm (佛郎嵌, Folangkan), riêng về sau nhờ kỹ thuật kháp-ti ngăn chia ô hộc trở nên phổ biến nhất và được quốc tế hóa ngôn ngữ “Cloisonné”, khiến người Trung Quốc, Nhật Bản vốn ít chuộng ngoại ngữ, và người Việt sưu tập gọi là pháp lang từ đó đều hiểu phát lang ở tên gọi chung này.
Do người Trung Hoa đặt tên cho kháp-ti là Cảnh Thái Lam (景泰藍, Jingtailan), vì vậy người Việt khi tạo tác đồ tự khí cho hoàng triều Gia Long chịu ảnh hưởng kỹ thuật mà gọi thành “pháp lam”, với sắc màu ngọc lam chàm (琺藍) đặc trưng. Màu xanh lam ngọc là bài toán đố kỹ thuật men, những tưởng đã thất truyền ở Việt Nam lại được người Nhật cải tiến đạt đến mức thượng thừa về mỹ thuật lẫn kỹ thuật thấu minh (touming), tiếng Nhật gọi là Shippo.
Pháp lang Nhật Bản nổi tiếng thế giới hơn cả Trung Hoa kể từ giữa cuối thế kỷ 19, thể hiện qua siêu phẩm tranh “thấu minh, không viền” cỡ lớn “núi Phú Sỹ” đầy cuốn hút của nghệ sĩ Namikawa Sōsuke (濤川惣助, 1847-1910) tại Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893 ở Mỹ.
Pháp lang: Cloisonné và Shippo Nhật Bản
Huyền thoại cho rằng mỹ thuật “Cloisonné” có từ thời Nara (奈良, 710-794), khi Trung Quốc truyền bá văn hóa và Phật giáo qua ngõ Triều Tiên tam quốc (三國時代)vào Oa quốc(倭国,Wakoku). Trên thực tế, đồ cảnh Thái Lam và thấu minh chỉ mới chính thức du nhập vào đầu thời Edo (1603-1867).
Nếu pháp lang Trung Hoa mạnh về kháp-ti, dùng các sợi chỉ đồng dán lên thai cốt để ngăn không cho màu men hòa lẫn với nhau và trạm-thai chạm trổ công phu trên cốt vàng, bạc hay đồng, thì người Nhật yêu chuộng họa pháp lang vẽ trên nền men như hội họa hơn, và đặc biệt chú trọng cải tiến kỹ thuật thấu minh phủ lớp men trong bên ngoài để biến nó thành Shipō-yaki (七宝店) hàm nghĩa “đồ Thất Bảo” hay “bảy viên ngọc” trân quý cõi Phật - người Việt phiên ngữ “thất bửu thiêu” - gồm vàng, bạc, pha lê, ngọc lưu ly (lapis lazuli), xà cừ (ngao lớn), mã não và xích châu (hổ phách) qua lửa mà viên thành.
Năm 1830, Nhật Bản đánh dấu khởi đầu phục hưng sản xuất “Cloisonné Japonaise”. Một thế hệ nghệ nhân mới hình thành đã linh hoạt hơn trong thiết kế, chọn lựa phát triển kỹ thuật tạo tác ba chiều; mở rộng các loại hình thức trang trí bề mặt phức tạp, sử dụng màu sắc tinh vi sẽ giúp người mê chơi nhận biết ngay nét đặc thù riêng nghệ thuật “pháp lam Nhật”. Tuy vậy, chính kỹ thuật Shipō mới gây tiếng vang trên thế giới khi xuất hiện ấn tượng tại Triển lãm quốc tế Paris năm 1867.
Năm 1873, Công ty Nagoya Cloisonné giành giải nhất Triển lãm quốc tế Vienna mở ra 35 năm hoàng kim cloisonné giai đoạn 1875-1910 - nhất là từ khi nó chính thức được Thiên hoàng Minh Trị bảo hộ, ủy thác làm quà tặng cho các chức sắc và hoàng gia nước ngoài; cho phép sản phẩm được đính thêm biểu tượng Cúc văn Hoàng gia (菊紋, Kikumon) và bổ nhiệm các nghệ nhân xuất chúng vào hàng ngũ Teishitsu Gigeiin (帝室技芸員) hay Imperial Household Artists, có nghĩa là nghệ sĩ, thợ thủ công cho hoàng gia.
Trên tất cả, Andō Nagoya Cloisonné là một trong số rất ít đơn vị thành công nhất khi gánh vác trọng trách “uy tín quốc gia”, buộc phải “vật lộn” chọn lựa giữa truyền thống và tân tiến, giữa Nhật Bản với phương Tây. Nhờ uy tín qua sản phẩm xuất khẩu được bảo tàng phương Tây ngưỡng mộ, nhà sáng lập Andō Juzaemon
(安藤重左衛門) không chỉ quy tụ được hơn năm mươi nghệ nhân thủ công mỹ nghệ bậc thầy, mà tất cả họ đều được bổ nhiệm vào hàng ngũ Teishitsu Gigeiin. Năm 1893, Juzaemon tham dự triển lãm thế giới Columbian ở Chicago; tích cực hoạt động xiển dương Shippo trong khoảng thời gian diễn ra Triển lãm Hoàn cầu Paris năm 1900 đến Triển lãm Lịch sử Quốc gia, Nghệ thuật và Công nghiệp Scotland - Glasgow năm 1911 đã giúp Andō Shipōyaki (安藤 七宝 店) phát triển bền vững tới sau những năm 1950, bất chấp tình trạng đất nước phải tái cấu trúc sau thế chiến.
Kỹ thuật Shippō và những tác phẩm sưu tập phổ biến tìm thấy ở Việt Nam
Andō xứng đáng là thương hiệu đại diện Shipō-yaki, vì tựu trung đủ các kỹ thuật shippo-cloisonné nhất. Như Musen (無線) là cloisonné không dây: tráng men lên thân, lên dây khi sơn, sau đó tháo dây ra trước khi nung; Yūsen (有線) có dây làm bằng bạc (Hình 1); Moriage (盛上) nâng men lên cao phía trên dây; Tōtai (透胎) chia cắt từng phần của vật thể, sau đó tráng men bán-trong hoặc men mờ tựa thủy tinh màu; Shōtai
(省胎) sử dụng lớp men mờ phủ qua Yūsen, kim loại này sau đó hòa tan trong axit nitric; Saiyū/Tsuiki (彩釉/ 鎚起) là mài bớt lớp sơn màu bôi lên những đường viền nhô cao; Dōtai (銅 胎) men trên đồng; Gintai (銀 胎) tráng men bạc sterling; Tōmeiyū (透明釉) tráng men trong suốt (Hình 3); Han-tōmeiyū (半透明釉) tráng men mờ hoặc bán-trong suốt; Fu-tōmeiyū (不透明釉) tráng men mờ (Hình 4) và Émail shippō (エマイル), thuật ngữ tiếng Pháp kết hợp, tráng cơ bản thành một lớp men kép chống ăn mòn.
(省胎) sử dụng lớp men mờ phủ qua Yūsen, kim loại này sau đó hòa tan trong axit nitric; Saiyū/Tsuiki (彩釉/ 鎚起) là mài bớt lớp sơn màu bôi lên những đường viền nhô cao; Dōtai (銅 胎) men trên đồng; Gintai (銀 胎) tráng men bạc sterling; Tōmeiyū (透明釉) tráng men trong suốt (Hình 3); Han-tōmeiyū (半透明釉) tráng men mờ hoặc bán-trong suốt; Fu-tōmeiyū (不透明釉) tráng men mờ (Hình 4) và Émail shippō (エマイル), thuật ngữ tiếng Pháp kết hợp, tráng cơ bản thành một lớp men kép chống ăn mòn.
Coi màu sắc men là tuổi thọ và linh hồn của nghệ thuật cloisonné, Kaji Tsunekichi (梶常吉,1803-1883) nghiên cứu men suốt 14 năm và thành công ở tuổi 31 khi phát hiện ra Yusen-shippo năm 1833: dùng những sợi dây mảnh bằng đồng, vàng hoặc bạc dán cơ bản lên thân kim loại, đã trở thành một phần thiết kế không thể thiếu nhằm ngăn không cho men chảy trong khi nung.
Nửa sau thế kỷ 19 không chỉ chứng kiến sự phát minh ra các kỹ thuật cloisonné mới của chỉ riêng Kaji tạo nên phong trào sản xuất Owari-shippo. Khi nhà hóa học người Đức Gottfried Wagner (1831-1892) được chính phủ Nhật Bản mời giúp các nghệ nhân, kỹ thuật men mờ của ông thúc đẩy thành lập các ngành công nghiệp cloisonné quan trọng ở Tokyo, Kyoto và Nagoya. Kawade Shibatarō (川出柴太郎, 1856-1921) độc quyền sản xuất đồ gia dụng cho cung điện Hoàng gia Tokyo bằng kỹ thuật Moriage.
Năm 1868, Keisuke Tsukamoto (塚本圭亮,1828-1887) đã nung kỹ thuật Jitai-shippo (事態), được trang trí bằng viền dây đai và bắn men lên gốm (Hình 4). Năm 1879, Namikawa Sōsuke tạo ra Musen-shippo, một sản phẩm men không có dây cho phép nghệ sĩ sáng tác các thiết kế cảnh quan với những đường nét mượt mà hơn...
Nhìn chung, giá thể cloisonné thường được làm từ đồng tando (丹藤), là một hợp kim 90% đồng và 10% kẽm, bạc hoặc vàng. Hệ số giãn nở của đồng khiến nó dễ chế biến nhất, và tương thích nhiệt chuẩn với các men, cho dù với cả hàng trăm màu men khác nhau được trộn như sơn dầu nhưng phải được sử dụng riêng rẽ. Song điều làm Shipō-yaki khác biệt nhất chính ở phần đế được phủ bởi men và nung chảy.
Mặc dù kỹ thuật shippo không ngừng cải thiện hóa tính của men để chúng bám chắc hơn vào các đế kim loại và cho phép nghệ nhân đưa các mảng vùng màu lớn vào thiết kế, nhưng các dây kim loại ngăn cách giữa các sắc màu khác nhau vẫn phải được áp một cách tỉ mỉ và loại bỏ theo mỗi công đoạn sản xuất.
Đặc tính bề mặt đồ Shipō-yaki luôn bóng mượt và lộng lẫy là do được tráng lót một lớp oxide chì hoặc oxide thủy ngân lên cốt để chống rỉ sét trước, nghệ nhân sau đó dùng màu tạo họa tiết thật chuẩn mới đem nung. Nhờ những điều này và đột phá kỹ thuật khác, người làm men thời Minh Trị thường có thể mô phỏng các hiệu ứng của vẽ cọ trên giấy hoặc lụa để làm nên siêu phẩm Shippo thanh bai như ngọc..
Nghệ thuật men cloisonné Nhật Bản đang ngày càng trở nên có giá trị trong giới sưu tầm, gia đình thượng lưu và các nhà nghiên cứu mỹ thuật. Pháp lam Nhật Bản được người Việt chuộng sưu tập không chỉ bởi giá trị nghệ thuật tinh tế mà Shipō-yaki có được. Thí dụ mô tả hai tác phẩm tiêu biểu dưới đây sẽ thấy kỹ thuật vẽ men đỉnh cao đùn nổi trên bề mặt đồng hoặc phối hợp ẩn cùng dây dưới men nền phủ bóng tuyệt hảo:
Hai con cá thần tiên vẽ trên bề mặt xanh ngọc hoặc xanh biển của chiếc bình. Một bình với con cá có màu sáng và gần, con còn lại nằm ẩn sâu trong thân bình, chỉ có một dạng màu rong bóng mờ bên dưới mặt nước. Sự tương phản giữa hai phương pháp này thật hoàn mỹ với hai kỹ thuật khác nhau. Cá gần hơn được hình thành với các ô men riêng lẻ được bao bọc trong khung dây, trong đó cá ở xa hơn không có viền dây khung, các chất men hòa quyện khi nung chúng tạo ra một đường viền mềm mại. Hiếm khi thấy cả hai kỹ thuật được sử dụng theo cách như vậy với các nhân vật đối lập trên cùng loại kim khí (Hình 5).
Dùng men vẽ bông hoa đào trắng hay lá đỏ, với nhị hoa điểm men vàng moriage được gắn vào thân cây là từng lớp men màu xanh nhạt tinh tế đắp dày hài hòa quanh bình đồng. Các dây uốn thân cành được làm nổi bật trên nhánh chủ lớn cổ thụ phía trước. Màu bóng mềm mại của men xanh đến xám nhạt là đặc trưng cho phong cách màu sắc men Andō. Bài thơ Haiku và các chữ ký rời được viết bằng men tuy mỏng manh nhưng độ bám rất chắc, có từ năm 1923 (Hình 6).