Kỹ thuật vẽ men trên men Gosu-blue là bí quyết độc quyền của gia tộc lãnh chúa Shimazu (島津): đó là kỹ thuật trang trí hình họa thuần tả thực thiên nhiên được mạ vàng thật rồi hoàn thiện bằng men màu, với sắc xanh cobalt chủ đạo.
Trước khi được thế giới biết đến và ngưỡng mộ, Satsuma Gosu-blue được tạo tác chủ yếu dùng cho Trà đạo (茶道) và Hương đạo (香道); cung cấp đồ ngự dụng cho hoàng tộc và các đại gia tộc Nhật Bản trong suốt 250 năm (1617-1867) - dưới thời Mạc phủ Tokugawa áp đặt Sakoku (鎖国, tỏa quốc) và Kaikin (海禁, hải cấm).
Khi chính trị và gốm sứ song hành
Dù có các cuộc nội chiến do các Tướng quân, cùng thế lực Samurai chiến thắng và lập nên chế độ Mạc phủ nhiếp chính hàng trăm năm, mỹ cảm và tâm tính con dân Thái dương thần nữ vẫn thống nhất vai trò đại diện duy nhất của Thiên hoàng xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Khi Toyotomi Hideyoshi (豐臣秀吉, 1537-1598), xuất thân dân thường và trở thành lãnh chúa quyền lực nhất, cùng Tokugawa Ieyasu(徳川家康, 1543-1616) chiến thắng trận Sekigahara (関ヶ原) và kết liễu Sengoku (戦国, thời kỳ Chiến quốc) khốc liệt hơn 100 năm để thành lập ra chính quyền Mạc phủ Edo-Tokyo (江戸, 1603-1868), hòa bình suốt 265 năm gắn liền với Shōguns phát triển Trà đạo và nâng tầm gốm sứ đã chính thức ghi công vùng đất Satsuma - từ chỉ dẫn địa lý đã thành thương hiệu lừng danh thế giới.
Đến hết đời Tokugawa, năm 1617 - thợ gốm Hàn Quốc mới được tìm thấy đất sét phong hóa núi lửa vùng Kagoshima để làm gốm trắng. Triết lý thai gốm đất nung Shiro-Satsuma trắng vẽ men trên men Gosu-blue dưới bàn tay phù thủy ảo diệu của các thợ gốm lành nghề hàng đầu bị Shimazu bắt cóc về sau cuộc chiến “porcelain war” với Cao Ly (1593-1598) bắt đầu thách thức gốm Trung Hoa.
Tính vương giả nằm ở chỗ là những bức tranh hoa Điểu đơn giản nhưng gắn liền Thần đạo với Vương quyền và Thế quyền, thông qua các biểu tượng ghi dấu thiên nhiên: hoa, chim, bướm. Có thể nói nghệ thuật gốm đất nung Satsuma Gosu-blue hoàn mỹ gắn trọn vẹn kỷ nguyên cai trị Edo (Tokyo).
Biểu trưng của hoàng tộc và gia tộc thời phong kiến
Nguồn gốc của gia huy Kamon bắt nguồn từ khi các gia tộc cổ đại (豪族, Gozoku) sau thời Thái tử Thánh đức Shotoku (聖徳, 574-622) nhiếp chính đã bị mất dần quyền lực chính trị và xuất hiện tầng lớp quý tộc mới là các gia tộc Kuge (公家, công gia). Trong thời Heian (平安, 794-1185), “người phục vụ triều đình” Kuge đã tạo ra các thiết kế huy hiệu khác nhau nhằm trang trí đồ đạc và bát đĩa - không chỉ nhằm ghi dấu đẳng cấp chất lượng nghệ thuật mà còn để phân biệt tài sản sở hữu.
Thời Kamakura (鎌倉, 1185-1333), khi các gia tộc chiến binh (侍, samurai) võ sĩ (武士, bushi) đã thống trị đất nước, Kamon đảm nhận vai trò và ý nghĩa truyền thống hơn của gia huy và được coi là bằng chứng về quyền sở hữu lãnh thổ. Hầu như tất cả các Samurai đều trưng bày Kamon và điều này đã trở thành một phong tục lâu đời.
Vì quan niệm thiên nhiên là chốn ngự của Kami - tức thần
(神) hiện thân qua hình tượng hoa, bướm, chim, cá… nên người Nhật đặc biệt kính ngưỡng thần qua các đại diện bất tử dưới vòm trời. Khi Thiên hoàng trở thành biểu tượng vĩnh cửu của quốc gia và sự đoàn kết dân tộc, hoàng gia chọn hoa Cúc (菊花) cách điệu 16-17 cánh làm huy hiệu vương tộc và đặc cách quốc hoa. Gia tộc được thành lập khi triều đình lớn mạnh; Thiên hoàng quan niệm hậu duệ của các hoàng đế tiền triều sẽ không còn là hoàng tử và cả những hoàng tử không được coi là đủ điều kiện để lên ngôi, để đặt họ vào cấp bậc thường dân. Quyết định áp dụng dưới thời Thiên hoàng Kanmu (桓武, 782-805) với gia tộc Minamoto (源氏) và gia tộc Taira (平 氏, Heishi) chính thức hình thành.
Sánh vai cùng hoàng tộc thời đó là tứ đại Gia tộc “Genhira Fujita-chibana” (源平藤橘). Theo tinh thần Kanmu, mỗi gia tộc chọn huy hiệu mô phỏng tạo vật thiên nhiên làm đại diện như là biểu tượng của sự hội nhập (統合の象徴) đồng nhất trong xã hội phong quyền. Về sau, dù trải qua các giai đoạn nội chiến đẫm máu thì mỹ cảm Nhật Bản vô hình trung vẫn gặp ở điểm chung: dưới lưỡi kiếm sắc máu là ngọn cờ có huy hiệu thuộc về Thần đạo. Minh triết lãng mạn hoa Anh đào (桜, Sakura) với Kiếm đạo (剣道, Kendō) và tinh thần Samurai chính là bằng chứng tiêu biểu nhất!
Giai thoại thú vị về đại gia tộc Minamoto (còn gọi là Genji (源氏)) treo cờ trắng và đại gia tộc Taira treo cờ đỏ trên chiến trường nhưng vẫn không có Mon (紋) nào trên lá cờ để phân biệt bạn với thù, gia tộc Taira khởi xướng chọn hình tượng bướm đuôi nhạn Ageha-chō (揚羽蝶), còn Gia tộc Minamoto chọn Sasa-rindo (笹竜胆), tượng trưng bởi năm lá tre và ba bông hoa Khổ sâm (Gentiana 竜胆 hay Long đởm 龍膽) đặc trưng sản vật từng vùng lãnh thổ.
Hai đại gia tộc còn lại gồm Fujiwara (藤原氏) chọn hoa Tử đằng (藤, Fuji) và riêng Tachibana (橘氏) chọn hoa họ cam quýt (橘) - gợi nhắc nguồn gốc dòng ngoại thích Michiyo (三千代, 655-733) chuyên sinh hoàng nữ làm vợ các Thiên hoàng. Tương tự, gia tộc khác cũng chuộng gia huy hoa Điểu - đặc biệt hậu duệ nhiều nhánh xuất xứ từ “tứ đại gia tộc” càng “fantaisie” những Kamon hào nhoáng trên nền Mon gia tộc mình.
Thông điệp biểu đạt tâm tình Nhật Bản
Thông điệp biểu đạt tâm tình Nhật Bản
1. Sự thống nhất quyền lực và truyền thừa tuyệt đối của Thiên hoàng:
Biểu trưng qua tổ hợp Cúc - Mẫu đơn với hoàng gia là mặt trời, trường thọ và sự tái lập có từ thời Heian. Nó phối hợp với hoa Mẫu đơn - “vua của các loài hoa” nổi tiếng từ thời Đường và đặc biệt từ triều đại Võ Tắc Thiên - nhằm tôn vinh của sự may mắn và danh dự của hoàng hậu (Hình 1 và Hình 2).
2. Sự nhiếp chính và tính kế thừa ổn định:
Nếu gọi kỷ nguyên Edo là thời kỳ Shōguns Tokugawa, thì lịch sử phải được hiểu Tokugawa thành lập Mạc phủ năm 1603 trên cơ sở những thành quả của Toyotomi, một gia thần kế thừa phẩm vị của Oda Nobunaga (織田信長, 1534-1582). Ngọn cờ Oda truy nguyên đại gia tộc như từ biểu tượng 5 cánh hoa đôi Mokko (畚, hoa Mộc qua) ban đầu đã được thay bằng bướm đuôi nhạn Taira Ageha-chō và rồi chuyển thành hoa Paulownia hay Ngô đồng, gồm ba lá và 5-7 hoa (五七, go-shichi). Khi kế thừa Shōgun Oda, tướng Toyotomi sử dụng mon Ngô đồng Tōkamon (桐花紋), vốn đã từng được hoàng tộc dùng rồi đến thời Minh Trị mới chuyển đổi cho văn phòng Thủ tướng đại diện.
Tổ hợp Mon Gia tộc Tokugawa ba lá cây thục quỳ hướng tâm trong một vòng tròn. Hoa Thục quỳ (葵, Ao-i) - tự tính Ao (碧) biểu thị “màu xanh lá cây, màu xanh lam” - thường được tìm thấy nhất trên các sản phẩm Satsuma Gosu-blue như bắt buộc tượng trưng thời đại các kết hợp hội họa vẽ men trên men gosu-blue thời ấy thay cho màu đỏ gosu-akae ảnh hưởng sâu đậm từ Trung Hoa mà Toyotomi và Shimazu đã thất bại khi thực hiện hai cuộc chiến với láng giềng để tiến đánh Trung nguyên (Hình 3).
3. Sự trung thành và chung thủy:
Tinh thần hội xã Nhật đòi hỏi Samurai, Daimyō (大名) trung thành với tướng quân và Kuge nhưng trên hết là chung thủy với Thiên hoàng - thể hiện qua tổ hợp hoa Tử Đằng. Kiệt tác bình hoa cực đại vẽ hoa Tử đằng quấn quít mạnh mẽ không chỉ thể hiện tinh thần con cháu gia tộc Fujiwara trường tồn, hồi văn viền cổ bình là hoa Cúc và hồi văn chân đế đặt hoa Cúc đại đóa 16 cánh trên nền Ngô đồng ba lá đều thuộc về Kamon Hoàng gia dù đang trong thời Mạc phủ (Hình 4).
Một Daimyō tiêu biểu, Kobayakawa (小早川氏) là gia tộc samurai vùng Chūgoku (中国). Là gia tộc gốc Taira hùng mạnh thời Sengoku bị giải tán sau trận Sekigahara, gia tộc được gia tộc Mōri (毛利氏) phục hồi được phong tước vị nam tước trong giới quý tộc mới từ sau 1868. (Hình 5)
Trong một khoảnh khắc ngưng chiến thu dọn chiến trường đẫm máu và xác chết, thẳm sâu trong tâm hồn Nhật Bản, những chiến binh dưới các ngọn cờ quý tộc khác nhau vẫn tái sinh thần kỳ là những loài hoa nở chen chúc nhau giữa đất trời.