1,3 triệu người "tháo chạy" về quê
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ việc xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm.
Theo thống kê mới đây của Bộ LĐ-TB-XH, do tác động của dịch Covid-19 đến nay đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương. Một số tỉnh có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắk, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hậu Giang…
Khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm cũng cho thấy sự thiếu hụt lao động cục bộ ngay cả khi các doanh nghiệp chưa hoạt động 100% công suất. Dự báo, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất.
Từ thực tế của thị trường lao động và những con số biết nói về số lượng lao động “chạy dịch” thời gian qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn này, thay vì để thị trường lao động phục hồi một cách tự phát, các doanh nghiệp tự cạnh tranh tuyển dụng thông qua việc trả thêm tiền lương hoặc hỗ trợ thêm chi phí quay lại, thì cần “bàn tay” quản lý của nhà nước và quản lý lao động tại các địa phương nhằm tái bố trí lao động ngay tại chính địa phương theo hướng “ly nông bất ly hương”.
“Thời điểm này ngành lao động ở các địa phương cần thống kê một cách chính xác số lượng lao động tại địa phương đã trở về từ các khu công nghiệp và tổ chức hoạt động giới thiệu tuyển dụng trên địa bàn để người lao động không phải thực hiện di cư một lần nữa.
Đây sẽ là yếu tố bền vững lâu dài bởi sau 6 tháng tới người lao động đã về quê không kiếm được việc làm, không có thu nhập khác để thay đổi thì con đường duy nhất của họ là phải trở lại các khu công nghiệp để thực hiện tuyển dụng lao động. Trong khi những chính sách liên quan đến nhà ở, ký túc xá là những hệ chính sách lâu dài mới có được thì chắc chắn khi di cư trở lại, người lao động vẫn phải ở các xóm trọ, ở tự do, vẫn phải tiếp tục trong một vòng xoáy thuộc nhóm lao động hết sức nhạy cảm nếu có những diễn biến về thiên tai, dịch bệnh như Covid-19”, ông Trường nêu quan điểm.
Còn theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, tại kỳ họp Quốc hội mới đây cũng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề không nên tập trung vào các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp, sử dụng lực lượng lớn lao động tại các đô thị lớn. Theo ông Nguyễn Tú Anh, đây là quan điểm đúng về mặt dài hạn, nhưng trước mắt cần phải nhìn vào thực tế, chúng ta hiện phải đối mặt với 2 xung lực, 1 là lực đẩy, 2 là lực kéo đối với vấn đề này.
“Thứ nhất, trong lực đẩy, chúng ta có nguồn lao động thiếu kỹ năng rất lớn. Đến năm 2021, chỉ có khoảng 26,1% lực lượng lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ. Như vậy, phần lớn lực lượng lao động được xem là không có kỹ năng. Lực đẩy ở đây có nghĩa là cần phải tạo ra việc làm cho những người lao động không có kỹ năng này, dẫn đến cần phải phát triển các ngành thâm dụng lao động để tạo việc làm cho người lao động là yêu cầu cấp bách trước mắt không thể tránh khỏi.
Về mặt lực kéo, các đô thị lớn có lợi thế vượt trội so với các khu vực khác. Thứ nhất, họ có lợi thế nhờ quy tụ, tức đô thị lớn quy tụ rất nhiều lợi thế thuận lợi về giao thông, tập trung nguồn nhân lực có kỹ năng", ông Tú Anh nói.
Minh chứng cụ thể, ông Nguyễn Tú Anh đơn cử như Hà Nội có đầy đủ các giáo sư, tiến sĩ, có các viện nghiên cứu, nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đều quy tụ ở đây, giao thông vận tải thuận lợi. Hay câu hỏi đặt ra là tại sao lại tập trung ở TP.HCM mà không chuyển về Sóc Trăng? Chi phí vận chuyển 1 container từ Sóc Trăng lên cảng ở TP.HCM để đi ra nước ngoài cao gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển ra nước ngoài. Như vậy, sẽ khó để đưa các ngành công nghiệp ra khỏi các khu đô thị lớn.
Từ kinh nghiệm của Seoul (Hàn Quốc) khi mất gần 30 năm để chuyển các khu công nghiệp ra khỏi thành phố và đều thất bại, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng tất cả đều có lý do từ sức hút của các đô thị lớn.
Song nhìn nhận về quan điểm không nên quy tụ quá nhiều khu công nghiệp, người lao động tại các thành phố lớn, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, đây là xu hướng đúng đắn về lâu dài cần thúc đẩy. Bởi khi tích tụ quá lớn ở các khu đô thị sẽ dẫn đến hàng loạt các hệ lụy, như chi phí hạ tầng đắt đỏ, chi phí cuộc sống rất lớn, nhà cửa, đất đai sẽ tăng giá, làm cho chi phí đời sống tăng cao, bên cạnh chi phí về môi trường. Tất cả những vấn đề này nếu cuốn theo vòng xoáy buộc càng phải đầu tư nhiều cho đô thị lớn, dẫn đến không có nguồn lực đầu tư cho các vùng khác, dẫn đến sự chênh lệch giữa các đô thị lớn với các vùng khác.
Cần tăng kết nối nội vùng, liên vùng, hỗ trợ lao động nhập cư
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, trước mắt phải chấp nhận thực tế này nhưng cần có các chính sách để giải quyết. Trước hết cần đẩy nhanh đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, tăng kết nối giữa nội vùng và liên vùng để các đô thị kết nối chặt chẽ được dễ dàng hơn, giảm chi phí logistics đối với các tỉnh, thành phố phụ cận.
Hiện nay có thể nhìn thấy xu hướng thoát trung tâm đang diễn ra như TP.HCM khi bắt đầu mở cửa tập trung chủ yếu ngành dệt may ở các khu như Linh Trung, Tân Thuận. Nhưng dệt may hiện đang dạt ra khỏi thành phố và đi về các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… và từ các tỉnh này lại dạt về các địa phương xa hơn. Ở phía bắc, dệt may tập trung ở Hải Dương, Hưng Yên và đang dạt về các tỉnh xa hơn như Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Như vậy, để xúc tiến xu hướng đó, việc kết nối là rất quan trọng.
Còn theo TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế quốc dân, khi đại dịch xảy ra, có thể thấy được vai trò quan trọng của sự “bình đẳng Covid” hay “bình đẳng hoàn hảo”.
Thực tế cho thấy trong cộng đồng chỉ cần 1 người ở bất kỳ vị trí nào, ở trình độ nào có rủi ro, chưa được bảo đảm an toàn thì dẫn đến cả cộng đồng rủi ro. Như vậy thì nhiệm vụ đặt ra là cần hỗ trợ người lao động nhập cư, là nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương vì có thu nhập thấp, thu nhập bấp bênh, không có bảo hiểm xã hội nhất là lao động trong khu vực phi chính thức… có tỷ lệ rủi ro sức khỏe rất cao. Bởi khi không bảo vệ và hỗ trợ được nhóm này trước rủi ro thì có nghĩa cả cộng đồng đó, cả địa phương đó có rủi ro.
“Như vậy nhiệm vụ “hòa nhập” và hỗ trợ để nhóm đối tượng này an toàn trong đại dịch là nhiệm vụ của cộng đồng đó, của địa phương đó nhằm mang lại an toàn cho chính cộng đồng, địa phương đó, chứ không phải là từ thiện hay giúp đỡ nữa. Tôi cho rằng cần thay đổi phương thức tổ chức lao động, cung ứng các dịch vụ an sinh xã hội và nhận thức rõ ràng về vai trò của bình đẳng để giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội”, bà Ngô Quỳnh Anh nói.