Thương mại đa kênh chuyển biến tích cực
Vài năm trở lại đây, NTD Việt Nam đã coi việc shopping online trở thành thói quen mua sắm hợp thời. Theo “Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019”, từ năm 2015 đến 2019, số người dùng internet tại Việt Nam đã tăng từ 44 triệu người lên 61 triệu người.
Trong đó, 70% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần/năm, 61% người dùng internet tìm kiếm thông tin mua hàng trên nền tảng trực tuyến. Những con số này cho thấy xu hướng tiêu dùng trên nền tảng TMĐT đang có những thay đổi tích cực.
Từ việc chỉ quen với giao dịch kinh doanh truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, nay họ đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến. NTD sẵn sàng chi trả 1-3 triệu đồng/giao dịch cho việc mua sắm trên TMĐT.
Khi Covid-19 xuất hiện, hành vi NTD đối với việc mua sắm trực tuyến bắt đầu có những thay đổi, họ tập trung vào các sản phẩm có giá trị nhỏ, hoặc sản phẩm đã từng dùng trước đó.
Và sự tác động của Covid đã khiến sức khỏe cộng đồng trở thành mối quan tâm lớn nhất của người dân, từ đó làm thay đổi thói quen mua sắm. Họ chuyển sang mua sắm hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến chỉ các chuỗi bán lẻ mới cung ứng được.
Trong thời gian dịch lan rộng (tháng 3 và 5-2020), doanh số bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô của các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn như Saigon Co.op đều đạt đỉnh. Doanh thu từ khẩu trang, nước rửa tay, nước sát trùng tăng mạnh.
Thu nhập hàng ngày của các cửa hàng tiện lợi trong giai đoạn này cũng tăng mạnh, đạt mức cao nhất tăng 40%.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Covid đã thúc đẩy hoạt động TMĐT, bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Các DN nhanh chóng chuyển dịch qua kinh doanh trên nền tảng TMĐT, logistics phát triển nhanh và mạnh hơn, DN linh hoạt áp dụng hình thức thanh toán đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, niềm tin của khách hàng với các nền tảng TMĐT tăng cao…
Theo thống kê, doanh thu từ hoạt động bán lẻ trực tuyến tăng vọt khi có 80% khách hàng chuyển đổi qua mua sắm TMĐT.
Phát triển KDTM trên nền tảng số
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã mang đến rất nhiều biến động cũng như cơ hội phát triển cho các DN bán lẻ kinh doanh thương mại (KDTM) trên nền tảng số. Trong đó, yếu tố tác động lớn nhất chính là nguồn nhân lực.
Đối với tất cả tổ chức kinh tế, yếu tố con người luôn là quan trọng hàng đầu, là nguồn lực đóng vai trò quyết định đến kết quả kinh doanh của DN. KDTM trên nền tảng số là lĩnh vực mới, dựa trên sự giao thoa và tương tác của nhiều ngành khác nhau, như kinh tế, kinh doanh, quản trị, marketing, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, luật...
Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao, có nền tảng kiến thức đa ngành kể trên sẽ có khả năng đưa ra quyết sách, vận hành KDTM trên nền tảng số hiệu quả.
Ngoài ra, DN KDTM trên nền tảng số cần có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Đảm bảo logistics trong điều kiện gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng của DN tăng cao.
Xây dựng hệ sinh thái số với các phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến hiện nay, bao gồm thẻ thanh toán quốc tế (Visa/Master); thẻ thông minh; ví điện tử; tiền điện tử; thanh toán qua điện thoại di động; séc điện tử; thẻ mua hàng; chuyển tiền điện tử… nhằm đáp ứng linh hoạt trải nghiệm cho khách hàng.
Đồng thời, DN cần chú trọng các xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua 2 nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả.
DN cần nhanh nhạy nắm bắt văn hóa tiêu dùng, bởi cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp thu nhập trung bình tăng cao, thói quen mua sắm của người Việt cũng thay đổi đáng kể.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý và xu hướng thương mại hóa quốc tế cũng góp phần tác động đến sự phát triển của DN bán lẻ KDTM trên nền tảng số. Vì thế, tận dụng thời kỳ Covid để phát triển, DN lĩnh vực TMĐT cần thực hiện ngay những giải pháp sau:
Thứ nhất, chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách hoạch định chiến lược tuyển dụng, kết nối giữa DN và nhà trường để có phương án đào tạo, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn, xem đây là nguồn lực tiên quyết giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của DN. Thực tế, DN bán lẻ Việt Nam đang cần nguồn lao động có trình độ về công nghệ thông tin.
Thứ hai, phối hợp với Nhà nước trong công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp NTD hiểu được sự tiện dụng của mua hàng trực tuyến, cách giao dịch TMĐT an toàn, phương thức thanh toán trực tuyến (như cách Momo thực hiện)... Đặc biệt, các DN TMĐT lớn nên kết hợp cùng các nhà mạng thông qua các sự kiện mua sắm, khuyến mại tập trung, góp phần thay đổi tư duy NTD.
Thứ ba, nỗ lực mang đến trải nghiệm tốt nhất cho NTD. DN cần xây dựng và duy trì các chính sách bán hàng/đổi trả hàng minh bạch, thuận tiện cho NTD. Nâng cao chất lượng dịch vụ trực tuyến như tư vấn, cung cấp hình ảnh trung thực, ứng dụng tiện ích 4.0 trong tăng cường hiệu quả kinh doanh, như quảng cáo thông tin phù hợp với từng cá nhân thông qua dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trên trang website hay mạng xã hội.
Thứ tư, chú trọng xây dựng và duy trì chính sách quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa. Bởi bất kỳ lỗi của đối tượng nào (nền tảng trung gian hay chủ thể DN) đều phải đánh đổi bằng chính lòng tin và sự ủng hộ của NTD.
Với sự chuyển mình nhanh chóng của KDTM trên nền tảng số, để có thể giúp các DN KDTM bán lẻ xây dựng và triển khai thành công các kênh mua bán trực tuyến, không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố, giải pháp kể trên, còn cần sự hợp nhất của Nhà nước và NTD.