Thị trường intenet hay nói cách khác là nền kinh tế số Việt Nam cần những gì để tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, theo kịp xu thế công nghệ của thế giới?
Tác động 40-50% GDP
Ngày 19-11-1997, với việc kết nối mạng internet toàn cầu, Việt Nam chính thức kết nối với “xa lộ thông tin” - kho kiến thức khổng lồ của nhân loại. Trong 20 năm phát triển, có thể dễ dàng nhận thấy internet đã len lỏi khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Từ người nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên internet.
Chính internet đã dần làm thay đổi thói quen cuộc sống, cũng như cách vận hành xã hội, mô hình kinh doanh của chúng ta hiện nay.
Để có được sự phát triển mạnh mẽ của internet như hiện nay, cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc của hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT). Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G, với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Cả nước hiện có trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong top quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Và nếu cuộc chơi giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại ở lĩnh vực này tiếp tục thiếu bình đẳng, nền kinh tế Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp nội dung số sẽ chịu nhiều thua thiệt. Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT |
Những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại và thanh toán điện tử. Bên cạnh thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VC Corp… đã có chỗ đứng vững vàng trong nước và vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), hạ tầng internet - viễn thông là xương sống của sự phát triển internet trong 20 năm qua. Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển, hiện đại hóa hạ tầng, phổ cập internet di động tới tất cả người dân tiếp tục là ưu tiên quan trọng. Trong tương lai, internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2-3% GDP.
Đặc biệt nó không thể tách rời các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40-50% GDP. Vì vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn những ngành dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng, như thanh toán, Smart City, Smart Solutions, IoT... để đầu tư, đón đầu xu hướng thế giới.
Cần khung pháp lý
Cần khung pháp lý
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, nội dung số đang là lãnh địa quan trọng cuối cùng Việt Nam giữ được trên internet. Bởi lẽ, các lãnh địa khác như tìm kiếm, e-mail, mạng xã hội... còn rất ít thị phần, hầu hết do nước ngoài nắm giữ. Duy nhất chỉ có Zalo của VNG với lượng người dùng lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam vẫn đang chiếm 40-50% thị phần trong nước, với doanh thu đến nay đạt khoảng 1 tỷ USD, tương đương 5-8 tỷ USD xuất khẩu dệt may vì giá trị thặng dư thu được từ nội dung số lớn hơn nhiều. Nếu nội dung số tiếp tục phát triển, doanh thu có thể tăng lên tới 5-10 tỷ USD, tương đương những ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Hiện ngành nội dung số có khoảng 10.000 nhân viên làm việc chính thức và 10.000 cộng tác viên, nhưng xu hướng sẽ tăng mạnh lên 500.000 đến 1 triệu nhân sự. “Đây là mảng kinh doanh cực kỳ quan trọng, chúng ta có chủ quyền, có lợi thế địa phương, các doanh nghiệp xuyên biên giới không thể lấn át được” - ông Tân nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Tân, doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang bị cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng trước các doanh nghiệp xuyên biên giới, vì họ đang không bị ràng buộc những chế tài ngăn chặn nội dung độc hại tại Việt Nam. “Doanh nghiệp ngoại được thoáng tay còn mình bị trói tay. Đây là thiệt thòi và khó khăn của doanh nghiệp trong nước” - ông Tân cho biết.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, cho rằng các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số Việt Nam phải chấp nhận một thực tế, là trên môi trường internet sẽ không có ranh giới và trong tương lai cũng vậy. Sẽ chỉ còn khái niệm sân chơi internet chung, nên doanh nghiệp phải hành xử khôn khéo trong thị trường đó để tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở thời điểm hiện tại, là phải tìm giải pháp để các doanh nghiệp hiểu rằng nếu không có sự đối thoại, làm việc, hợp tác giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, doanh nghiệp nội sẽ thua trên sân nhà trước các ông lớn từ bên ngoài.
Trong khi đó, đại diện VIA kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành, triển khai các quy định hỗ trợ, giảm bớt sự chồng chéo, tháo gỡ các ràng buộc cho doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái internet trong nước phát triển (về thuế, điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép hiện hành…), tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội cạnh tranh bình đẳng, công bằng hơn với doanh nghiệp nước ngoài, hạn chế tình trạng bảo hộ ngược, miễn là các giải pháp đó phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế.
Thực tế hiện nay đang có tình trạng bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực nội dung số và kinh tế internet. Thí dụ, các nhà mạng Việt Nam có những gói cước rất rẻ tạo điều kiện cho Facebook, Youtube, hay doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ miễn phí.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước phải thuê mất tiền, chịu quản lý chặt chẽ hơn. Chính vì vậy, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đang tìm cách để có những chính sách phù hợp, cởi mở hơn. Theo đó, chúng ta không cấm doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng phải đưa ra các chính sách để tạo bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.