Tuy nhiên, khi đặt đề án trên vào “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” mới thấy việc phát triển công nghiệp vi mạch thời gian qua dường như đang bị lơ là…
Ươm tạo cứ ươm tạo
Ngày 10-7-2018, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020 và giao cho SHTP-IC là đơn vị thực hiện với sự quản lý của Ban quản lý SHTP và Sở KH-CN TPHCM. Qua quá trình hoạt động, việc thương mại hóa sản phẩm của các dự án ươm tạo đã có những bước phát triển vượt bậc, tổng doanh thu của các dự án năm 2019 đạt 19,6 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc SHTP-IC cho biết, chương trình với mục tiêu xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đưa sản phẩm vi mạch do các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất vào ứng dụng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin của doanh nghiệp Việt Nam, qua đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch.
Đề án ươm tạo thu hút 19 dự án trong lĩnh vực vi mạch tham gia; 100% dự án đều được hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ; 10 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Nhiều dự án đã nhận được các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia chương trình đạt gần 20 tỷ đồng.
Để hỗ trợ tốt nhất cho các dự án, SHTP-IC đã xây dựng mạng lưới các chuyên gia/cố vấn, các đối tác đến từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các trường đại học. Trong quá trình triển khai chương trình, SHTP-IC tổ chức các sự kiện, cuộc thi ứng dụng những xu hướng công nghệ hiện nay như IoT, AI vào giải pháp vi mạch của các dự án ươm tạo, qua đó giúp nâng cao giá trị, tính bền vững, khả năng phát triển của doanh nghiệp.
Khó khăn
Tại hội thảo, nhiều ý kiến liên quan đến Chương trình vi mạch của TPHCM cũng đã được đưa ra, như các dự án ươm tạo tham gia chương trình còn hạn chế trong việc sử dụng vi mạch Việt, cũng như số lượng các doanh nghiệp công nghệ vi mạch chưa nhiều, phần lớn là các dự án ứng dụng vi mạch vào các giải pháp, sản phẩm. Lý do chính là chất lượng các dự án ươm tạo còn chưa cao, các dự án, đề án triển khai chưa đồng bộ theo quyết định số 4022 của UBND TPHCM về “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”.
Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ewater Engineering, một doanh nghiệp KH-CN tham gia tích cực vào Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020, cho biết, năm 2017, công ty sản xuất thiết bị xử lý cáu cặn Ewater, đã ứng dụng chip Việt SG8V1 của Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch ICDREC. Sau đó, thiết bị Ewater được xuất sang Malaysia, công ty tiếp tục dùng chip SG8V1 để sản xuất thiết bị ion hóa nước.
Nhưng đến nay, không còn chip SG8V1 của ICDREC để ứng dụng sản xuất thiết bị, phải dùng chip ngoại nhập. “Khi chúng tôi lắp đặt hệ thống xử lý cáu cặn Ewater cho một đơn vị quân đội, đơn vị này liền kiểm tra, thấy chip Việt Nam sản xuất, nguồn gốc rõ ràng, họ mới cho lắp thiết bị. Rõ ràng những đơn vị đặc thù luôn cần sự an toàn trong bảo mật thiết bị điện tử, vậy nhưng chip Việt không còn nên không thể đáp ứng nhu cầu của các đơn vị khác, tôi lấy làm tiếc!”, ông Lê Trung Hiếu nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM thừa nhận trong thời gian qua, việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do người điều hành, chỉ đạo chương trình nhiều lần thay đổi.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM bày tỏ: “Sở với vai trò hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu dù đạt một số kết quả nhưng nhìn tổng thể Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM thì lâu nay không ai nhắc đến, trong khi đây là ngành cần thúc đẩy, quan tâm nhiều hơn. Các tập đoàn hàng đầu về chip đã thống lĩnh thị trường nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nghiên cứu, sản xuất chip Việt để phục vụ nhu cầu an ninh. Đã đến lúc việc thiết kế sản xuất chip Việt phải đi vào phục vụ nhu cầu này. Nếu ta tiếp tục nghiên cứu, sản xuất chip Việt thì mới có được năng lực nghiên cứu, sản xuất để phục vụ những nhu cầu khai thác, sử dụng cho một số lĩnh vực riêng của chúng ta”.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP cho rằng, Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017-2020 đã tạo được những kết quả khả quan nhưng đặt trong Chương trình phát triển vi mạch của thành phố thì cần những bước đi dài hạn. Để cạnh tranh với các tập đoàn danh tiếng thế giới rất khó, nên vi mạch Việt cần đi vào các hướng giá trị gia tăng cao, đặc thù và cần sự gắn kết hơn nữa của các doanh nghiệp, đơn vị để thúc đẩy chương trình phát triển.