Thị trường tạo ra động lực to lớn để tăng trưởng kinh tế, nhưng thị trường cần phải được thúc đẩy bằng “hai chân”: DN nước ngoài (FDI) và các DN trong nước (cả DN Nhà nước và DN tư nhân).
Song, trước những biến động phức tạp của tình hình địa chính trị - kinh tế của thế giới hiện nay, sàng lọc và nâng cao sức đề kháng nội tại cho nền kinh tế trong nước sao cho đủ sức chống chọi và thích ứng với các tác động từ bên ngoài là nhiệm vụ cấp thiết.
Thách thức “cộng hưởng”
Tháng 4 vừa qua đã ghi nhận những sự kiện “đình đám” về thời sự kinh tế, khi trong vòng chưa đầy một tháng một loạt các đại gia lần lượt “bị tạm giam”, mà theo cơ quan chức năng là có liên quan đến các sai phạm về kinh tế. Đáng chú ý lần này không chỉ là khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) còn có cả khu vực kinh tế tư nhân (KTTN).
Thực ra những nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường muộn như trường hợp Nga hay Trung Quốc và hiện nay có cả Việt Nam, đều cho thấy có cùng chung một vấn nạn, đó là khu vực KTTN muốn phát triển phải dựa vào chính quyền, chỉ có điều mức độ ảnh hưởng và phụ thuộc đến đâu.
Song nếu những DNTN vẫn dựa vào chính quyền nhưng họ vẫn phát triển làm lợi cho họ và cả cho cộng đồng nói chung được xem là những DN tốt, ít bị lên án; còn những DN nào “dựa hơi” chính quyền để “tư túi” thì cả người dân và chính quyền đều không chấp nhận.
Còn đối với khu vực KTNN nếu vẫn tồn tại “cơ chế xin - cho” (là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực), thì mối “quan hệ thân hữu” giữa giới đại gia của thành phần KTTN với một số quan chức tha hóa cũng là nguồn cơn dẫn đến tham nhũng, tác động khó lường đối với chính sách cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.
Khách quan mà nói, nền kinh tế Việt Nam hiện nay chưa phải lúc các DNTN lớn đến mức có đủ quyền lực để có thể thao túng chính trị phải chịu trừng phạt (như trường hợp Trung Quốc trừng phạt các tập đoàn tư nhân lớn về công nghệ, giáo dục ở nước này). Nhưng động thái vừa qua của cơ quan chức năng cho thấy bất kỳ sự thách đố nào đối với chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước thì đều bị xử lý nghiêm khắc.
Ở bình diện quốc tế, tình hình thế giới hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức không thuận cho Việt Nam. Thứ nhất, đó là sự hình thành sự đối cực Mỹ - Trung ngày càng rõ ràng sau chiến tranh lạnh. Còn cuộc chiến Nga - Ukraine hiện nay khơi mào cho một sự đối đầu mới với quy mô rộng hơn và đe dọa đến trật tự thế giới từng được thiết lập sau Thế chiến II.
Nói chung, đây là sự xung đột giữa hai tuyến Nga -Trung với Mỹ và phương Tây. Thực ra từ lâu những tuyến này vẫn trong trạng thái vừa hợp tác vừa đối đầu, song những năm gần đây thì tính đối đầu ngày càng gay gắt.
Thứ hai, quản trị quốc gia và toàn cầu đã bộc lộ nhiều bất cập. Mỹ lâu nay được xem có mô hình quản trị quốc gia tốt, nhưng thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong khi đó, quản trị toàn cầu cũng lộ rõ nhiều yếu đểm, thấy rõ nhất là mâu thuẫn giữa 5 nước thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, và như vậy thì sẽ tác động trực tiếp đến vấn đề kinh tế và thương mại toàn cầu, cụ thể là Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).
Thứ ba, đó là vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiệt hại do biến đổi khí hậu lên đến hàng ngàn tỷ USD. Các quốc gia buộc phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Như vậy, những bất ổn nêu trên cùng với những hạn chế từ nội tại kinh tế trong nước đang diễn biến theo chiều hướng “cộng hưởng”, có thể tạo ra chu kỳ bất ổn mới khi nền kinh tế Việt Nam vốn đã có nhiều thách thức, khi vừa chống dịch Covid-19 vừa phải phục hồi kinh tế.
Đất đai và KTTN
Để phục hồi kinh tế, Chính phủ dự kiến gói cứu trợ lên đến 350.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 15 tỷ USD), nhưng câu hỏi đặt ra là liệu dòng tiền có chảy đúng địa chỉ mong muốn hay không trong điều kiện thể chế vẫn bất ổn, tham nhũng vẫn nặng nề, thị trường méo mó? Đây vẫn đang là bài khó.
Còn nhớ trong chu kỳ bất ổn kinh tế thế giới từ 10 năm trước (2009-2011), việc Chính phủ khi đó bơm 141.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính, đã đưa lại những “hiệu ứng ngược” khi dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng đến 20% vào năm 2012. Một trong những “rào cản” đó là nạn tham nhũng.
Vấn đề tham nhũng xảy ra ở nước ta một phần là do cơ chế. Vậy khu vực KTNN lẫn KTTN hiện nay có thể tham nhũng được ở những lĩnh vực nào? Câu trả lời rất rõ ràng đó là đất đai.
Dư luận thường nói: “Các đại gia giàu lên từ đất và các quan chức giàu lên nhờ đại gia”. Điều này không hẳn là không đúng. Đây chính là “vòng xoáy” vệ tinh của quỹ đạo chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, mà đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục được những hạn chế này.
Công bằng mà nói, một nền kinh tế thị trường mà khu vực KTTN nhỏ bé, lép vế, không phát triển được cùng với DNNN hay DN FDI là một điều không bình thường với thị trường. Nhưng để khu vực KTTN phát triển lành mạnh, đóng góp cho cộng đồng như thế nào đang là vấn đề được đặt ra hiện nay.
Khu vực FDI hiện nay ở Việt Nam đang chiếm đến 30% GDP và gần 70% xuất khẩu (trong khi vẫn tiếp tục được chào mời), trong khi chính sách đối với các DNTN vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Về quan niệm coi KTTN là một trong những động lực cho phát triển kinh tế đã được chính thức đưa vào Nghị quyết Đảng tại Đại hội lần thứ 12 năm 2016, đây là sự thay đổi lớn về tư duy của Đảng. Nhưng câu hỏi hiện nay là chủ trương đó, nhận thức đó sẽ được cụ thể hóa như thế nào?
Nhìn lại quá khứ, kể từ khi Việt Nam nỗ lực mở cửa hội nhập kinh tế, cải cách về thể chế chính sách đã không theo kịp sự thay đổi của thị trường. Thêm vào đó, chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn nhà nước do nhận thức chưa đầy đủ về thị trường, đã để lại hậu quả nặng nề kéo dài đối với nền kinh tế và xã hội (sự khủng hoảng, phá sản của một số tập đoàn nhà nước mà dư âm hệ lụy còn kéo dài đến hôm nay).
Có người từng ví đây là một “thập kỷ mất mát” đối với kinh tế Việt Nam. Từ thực tế trên, câu hỏi đặt ra lúc này là tránh sự lặp lại những mất mát đó với kinh tế tư nhân Việt Nam như thế nào?