Lạm phát và việc làm lạc nhịp
Số liệu lạm phát vừa được công bố cho thấy chỉ số CPI tháng 1-2023 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn dự đoán của nhiều nhà phân tích là 6,2%, và đây được coi là một tín hiệu không mấy tích cực.
Tuy nhiên, khi so với lạm phát của tháng 12-2022 là 6,5% (YoY) thì đây lại là một tín hiệu tốt vì lạm phát đang tiếp tục xu hướng giảm dần, liên tục trong nhiều tháng. Trước đó vào tháng 6-2022, lạm phát ở Mỹ đã ở mức kỷ lục 9,1%.
Lạm phát cao đã khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục với cường độ cao suốt một năm qua, đưa lãi suất từ gần 0% lên đến 4,5-4,75% như hiện nay. Việc tăng lãi suất nhằm mục đích giảm sức nóng của nền kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp với kỳ vọng giá cả sẽ giảm do nhu cầu giảm.
Thế nhưng báo cáo việc làm tháng 1-2023 cho thấy, 517.000 việc làm đã được tăng thêm, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp nhất kể từ năm 1969. Mặc dù không có con số chi tiết của các ngành tuyển dụng, loại hợp đồng làm việc và mức lương trung bình của những việc làm mới này, nhưng dù sao đây cũng là động lực cho thị trường bán lẻ đã tăng trong tháng vừa qua, cùng với đó là giá tiêu dùng tăng 0,5% trong tháng.
Như vậy, hiệu quả của việc tăng lãi suất thời gian qua là có nhưng dường như chưa đạt được như kỳ vọng của những người hoạch định chính sách. Có lẽ vì vậy mà sau khi các số liệu được công bố cập nhật, một số quan chức của Fed đã lên tiếng về việc tiếp tục tăng lãi suất, có thể là 2 lần nữa để lãi suất phải đạt đỉnh trên 5,1%.
Chứng khoán tăng trong sự bất an
Tính từ đầu năm đến nay, hai chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ là S&P 500 và Nasdaq 100 đã tăng trưởng một cách ấn tượng, trong vòng hơn 2 tháng đã tăng lần lượt khoảng 10% và 15%. Có nhiều cổ phiếu tăng mấy chục phần trăm từ đáy vào cuối năm 2022, nhất là những cổ phiếu công nghệ có vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, một số chỉ số về tín dụng, thanh khoản và số lượng doanh nghiệp nộp đơn phá sản cho thấy nhiều khó khăn có thể ập đến trong những tháng tới. Đây là quan ngại của một số nhà phân tích khi thấy điều kiện cấp tín dụng bị thắt chặt hơn ở một số ngân hàng, cũng như chu kỳ tín dụng đi vào giai đoạn suy giảm mạnh.
Không những thế, số lượng doanh nghiệp có các khoản phải trả trên 50 triệu USD nộp đơn phá sản tính đến cuối tháng 1-2023 cao nhất tính từ năm 2010, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ 2 năm trước đó.
Hệ lụy của việc giảm thanh khoản, thắt chặt tín dụng, và phá sản sẽ được khuếch đại vì hiệu ứng domino. Một doanh nghiệp gặp khó khăn hay phá sản thì không chỉ doanh nghiệp đó và người lao động bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng đến các nhà cung cấp, các khách hàng, và các nhà đầu tư. Một trường hợp dễ thấy nhất là khi một doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, các nhà cung cấp nhỏ thông qua các hợp đồng thuê ngoài (outsourcing) sẽ bị liên lụy.
Trong bối cảnh lạm phát giảm chậm không như kỳ vọng, lãi suất chắc chắn tiếp tục tăng thêm, và khó khăn ở các doanh nghiệp có quy mô lớn với việc sa thải lao động thời gian qua thì khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm đều có thể xảy ra với xác suất không chênh lệch nhau nhiều.
Ảnh hưởng nhất định của yếu tố bên ngoài
Mặc dù Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới và có ảnh hưởng lớn, nhưng ở chiều ngược lại, các nền kinh tế như Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản cũng có những tác động không hề nhỏ với nước Mỹ.
Châu Âu nói chung và EU nói riêng cũng đang đương đầu với lạm phát như Mỹ, và cũng đã tiết lộ kế hoạch sẽ tiếp tục tăng lãi suất để dần dần đưa lạm phát về với mục tiêu 2%. Nhưng khác với Mỹ, châu Âu còn có một yếu tố bất ổn lớn là xung đột giữa Nga và Ukraine. Tình hình cuộc chiến tranh tốt hơn hay xấu đi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế EU và từ đó cũng sẽ lan truyền sang Mỹ.
Trường hợp của Trung Quốc thì việc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ có ảnh hưởng đáng kể với kinh tế Mỹ, vì Trung Quốc là một đối tác xuất khẩu lớn, lạm phát ở Mỹ thời gian qua một phần cũng là do nguồn cung bị gián đoạn. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều dầu, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Nếu việc mở cửa và sớm đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc trở lại bình thường như trước đại dịch Covid-19 thì áp lực hạ cánh cứng của Mỹ cũng được giảm đi đáng kể.
Về phía Nhật Bản, ảnh hưởng qua lại với Mỹ sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của tân thống đốc ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Với xuất thân từ giới hàn lâm, công chúng hy vọng rằng Nhật Bản sẽ có sự thay đổi trong chính sách tiền tệ từ một người ưu tiên các quyết định dựa trên căn cứ khoa học. Và theo đó, các chính sách kiên trì nới lỏng tiền tệ của Nhật thời gian qua sẽ bước sang một trang mới.
Như vậy, nền kinh tế Mỹ đang ở một giai đoạn rất khó để xác định được xu hướng trong năm nay vì nhiều chỉ số kinh tế đang lạc nhịp với nhau. Cần có thêm dữ liệu và thông tin để biết được xu hướng nào sẽ vượt trội hơn trong vài tháng tới.
Ngoài ra, những thay đổi trong chính sách và kết quả của các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, EU và Nhật Bản cũng sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng của kinh tế Mỹ theo hướng tốt hơn hay xấu hơn.
Chỉ số về tín dụng, thanh khoản và số lượng doanh nghiệp nộp đơn phá sản, cho thấy nhiều khó khăn có thể ập đến trong những tháng tới, bởi tín dụng bị thắt chặt hơn ở một số ngân hàng. Số lượng doanh nghiệp có các khoản phải trả trên 50 triệu USD nộp đơn phá sản tính đến cuối tháng 1-2023 cao nhất tính từ năm 2010.