PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm rất thấp, tiến độ những công trình hạ tầng đang thi công rất chậm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra có liên quan đến các nhà thầu xây dựng. Ông nhận xét thế nào về thực trạng này?
Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP: - Trước hết, cần khẳng định việc chậm trễ này không phải lỗi chủ quan của các doanh nghiệp (DN) đang thi công, mà nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Có 2 vướng mắc chính.
Thứ nhất, các công trình có vốn đầu tư công như các dự án đường cao tốc, hệ thống đơn giá đang vận hành đã quá lạc hậu và bộc lộ nhiều bất cập. Những quy định cần có lại không có, trong khi những quy định đã cũ không theo kịp tình hình của thị trường vẫn tồn tại.
Các dự án đầu tư công hiện đều phải áp dụng các đơn giá định mức (về chi phí, công việc…), nhưng đơn giá vật liệu đầu vào do các tỉnh, thành cập nhật và áp dụng. Dự án đầu tư công liên quan đến vốn ngân sách, nhưng các địa phương lại hạn chế, thậm chí giữ lại một phần ngân sách cho địa phương mình. Vì thế, họ không cập nhật giá sát mà thường thấp hơn giá thực của thị trường, gây khó cho nhà thầu.
Thứ hai, lạm phát đã khiến chi phí đầu vào nguyên, nhiên, vật liệu tăng lên quá cao, kéo theo chi phí vận chuyển, logistics bị đội giá lên nhiều lần, nên DN dù đã trúng thầu nhưng không thể kham nổi.
Mới đây, tôi tham dự cuộc họp với khoảng 20 nhà thầu xây dựng chuyên làm về cao tốc, họ đều kêu tình hình tài chính đang “dở sống, dở chết”. Những đơn vị đã “trót” thi công càng làm càng lỗ. Như trường hợp của Vinaconex thi công dự án đoạn cao tốc Quốc lộ 45 qua Mai Sơn, Hòa Bình, tính từ mức giá khi giao thầu đến nay họ lỗ đến 46%.
Cũng nói thêm, trong hơn 2 năm trở lại đây, giá nguyên liệu đầu vào như đất, đá, xi măng, nhựa đường… đều tăng cao DN phải chịu hết. Song do cơ chế bù giá chưa có, khiến nhà thầu xây dựng tham gia các dự án đầu tư công đều rất sợ. Đối với các dự án loại hình khác, chủ đầu tư khi thấy chi phí đầu vào tăng, họ sẽ bán sản phẩm đầu ra cao hơn để bù đắp lại, còn với các nhà thầu xây dựng - vốn chỉ thuần túy thi công, các dự án đầu tư công không thể làm thế được.
Theo số liệu báo cáo của các nhà thầu, ban quản lý dự án và thống kê thực tế trên giá thị trường so với giá trúng thầu các gói thầu thi công cao tốc Bắc - Nam có nhiều biến động. Thí dụ, dầu diesel tại thời điểm trúng thầu quý IV-2020 có giá khoảng 12.000-12.600 đồng/lít, nhưng đến thời điểm giá diesel 30.000 đồng/lít, tăng 240%; giá thép cũng tăng 20-60% từ đầu năm 2021 đến nay… Tính chung từ đầu năm 2021 đến nay, giá thành gói thầu tăng khoảng 18-30%.
- Nhiều DN thi công các dự án đầu tư công cho biết họ còn sợ nợ đọng vốn kéo dài. Việc này đã được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Đây là thực trạng đã kéo dài từ nhiều năm qua khiến nhiều nhà thầu xây dựng đau đầu. Phải nói thẳng trong cơ chế về thanh toán hiện nay còn rất nhiều vướng mắc. Thủ tục giao nhận thầu với cơ chế thanh toán phần tạm ứng còn dễ, nhưng khi thanh toán về khối lượng rất rắc rối.
Thanh toán cuối cùng khoảng 20-25% thường bị nợ đọng lại. Theo đó, nhà thầu thường vay ngân hàng với lãi suất 9-10%/năm. Trong khi làm ra không được lấy tiền sớm, còn phải chịu lãi vay ngân hàng, nghĩa là nợ chồng nợ. Điều này dẫn đến tình hình tài chính các nhà thầu, chủ đầu tư rất khó khăn.
Khó khăn nữa là các nhà thầu còn bị siết room tín dụng. Nhiều ngân hàng không có room tín dụng, càng khiến tình hình tài chính của các nhà thầu xây dựng thêm bết bát. Nếu theo đơn giá bình thường, làm hết sức chặt chẽ, quản lý tốt, DN có biên lợi nhuận khoảng 4%.
Nhưng hiện nay do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, DN càng làm càng lỗ. Phần lớn nhà thầu xây dựng ở Việt Nam hiện nay năng lực tài chính còn yếu, đăng ký vốn thực chỉ 50-100 tỷ đồng, những DN lớn có vốn 200-300 tỷ đồng trở lên không nhiều. Với năng lực tài chính hạn chế như thế, lại phải chống chọi với cơn bão giá, nếu kéo dài nguy cơ DN phá sản khó tránh khỏi.
- Vậy ông có kiến nghị giải pháp gì để tháo gỡ?
Đơn giá các công trình có vốn đầu tư công đã quá lạc hậu, trong khi chi phí đầu vào nguyên, nhiên, vật liệu tăng quá cao, khiến DN tham gia dự án càng làm càng lỗ. |
Thứ nhất, chúng tôi hy vọng Luật Đấu thầu sớm được đưa ra Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện nay thủ tục về giao nhận thầu đang rất rối, khiến DN xây dựng không biết xoay xở thế nào khi cùng lúc phải phục vụ tất cả các đối tượng.
Thứ hai, giải quyết khó khăn về tài chính cho các nhà thầu xây dựng, đó là cần có room tín dụng cho các DN có vốn để đầu tư thi công khi các dự án vẫn chưa được nghiệm thu, quyết toán.
Thứ ba, nên hạn chế hoặc điều chỉnh các quy định cho sát với thực tế Việt Nam để giảm bớt gánh nặng chi phí cho các nhà thầu. Đơn cử hiện nay DN xây dựng đang vấp phải quy định “tréo ngoe” về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hiện tiêu chuẩn PCCC của Việt Nam lấy theo tiêu chuẩn của Mỹ và có thêm thắt nên gần như cao nhất thế giới.
Có những yêu cầu rất đặc biệt về vật liệu PCCC chỉ vài DN chuyên ngành cung cấp, còn lại phải nhập khẩu (độc quyền) nên giá rất cao. Như sơn chống cháy, khi chưa có Luật PCCC giá chỉ 100.000 đồng, nay 700.000 đồng; kính chống cháy trước kia 1 triệu đồng, nay 20 triệu đồng… Tất cả chi phí đều đổ dồn lên nhà thầu.
Cuối cùng, tình trạng hồi tố trong kiểm toán, thanh kiểm tra. Có những dự án đã quyết toán khoảng 10 năm, nay kiểm toán lại yêu cầu phải nộp lại tiền đất? Ở đây, DN không làm sai mà do cơ quan định giá các địa phương quyết định. Trách nhiệm đó thuộc về các địa phương (nếu có lỗi sai).
Còn về phía nhà thầu thi công, sau cả chục năm dự án xong, hồ sơ quyết toán rồi, người ta chia lãi hết rồi, giờ bảo phải truy thu cái này, cái kia DN lấy ở đâu ra để nộp. Do đó, nên quy định rút ngắn thời gian hồi tố, kiểm toán, thanh kiểm tra xuống 5 năm chẳng hạn, để DN còn yên tâm làm ăn.
- Xin cảm ơn ông.