Những chính sách không đồng điệu giữa các NHTW

(ĐTTCO) - Với biến thể mới của Covid-19 và nguy cơ lạm phát, một số Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn trên thế giới đã có những phản ứng quan trọng không đồng điệu với nhau.
Fed tạm thời giữ nguyên lãi suất nhưng dự kiến sẽ tăng 3 lần trong năm 2022.
Fed tạm thời giữ nguyên lãi suất nhưng dự kiến sẽ tăng 3 lần trong năm 2022.
Trong khi NHTW Mỹ (Fed) dự tính tăng lãi suất 3 đợt trong năm 2022, NHTW Anh (BoE) tăng lập tức từ 0,1% lên 0,25%, thì NHTW châu Âu (ECB) vẫn kiên định lập trường tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Điều này cho thấy, các nền kinh tế lớn có những nhận định và ưu tiên khác nhau dựa trên trạng thái thực tế của chính mình, không bị chi phối nhiều bởi yếu tố bên ngoài.
Mỗi nơi một chính sách
Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2018-2019, NHTW của nhiều nền kinh tế lớn đã dùng chính sách lãi suất thấp, cùng với các gói hỗ trợ định lượng thông qua chương trình mua tài sản để hỗ trợ nền kinh tế.
Đột nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 khiến kinh tế thế giới chao đảo, các cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ này phải tiếp tục hà hơi tiếp sức cho các chính phủ. Đến khi vaccine được triển khai trên diện rộng, số ca tử vong và nguy kịch do Covid-19 giảm, nhiều nền kinh tế đã chuẩn bị cho kịch bản hồi phục.
Lúc này mối đe dọa lạm phát càng hiện rõ, đặt các NHTW vào tình thế khó xử: ưu tiên việc làm hay lạm phát? Các chính sách mạnh ngay lập tức hay nhẹ nhàng và chậm rãi?
Thông tin từ Fed, BoE và ECB tuần trước cho thấy, cách xử lý của các NHTW này không đồng điệu với nhau. Với BoE, dường như ưu tiên hơn cho vấn đề lạm phát, khi đã điều chỉnh lãi suất từ 0,1% lên 0,25%.
Nếu nhìn con số tuyệt đối không đáng là bao, nhưng xét về tỷ lệ tăng sẽ đáng kể vô cùng. Việc tăng lãi suất của BoE có thể không ảnh hưởng nhiều đến đầu vào là các khoản tiết kiệm, nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đầu ra là các khoản tín dụng, các khoản cho vay.
Thêm vào đó, sự gia tăng đáng kể của lãi suất sẽ tác động rất lớn đến thị trường trái phiếu, đặc biệt những trái phiếu có kỳ hạn dài vì độ nhạy cảm của nó với lãi suất.
Những chính sách không đồng điệu giữa các NHTW ảnh 1
Trong khi đó, Fed có phần “diều hâu” hơn so với một số dự đoán trước cuộc họp ngày 14 và 15-12 vừa qua, khi tạm thời giữ nguyên lãi suất nhưng dự kiến sẽ tăng 3 lần trong năm 2022, với khả năng cao sẽ tăng lần đầu tiên vào tháng 3 năm sau.
Ngoài ra, Fed cũng đã quyết định giảm gấp đôi lượng tài sản mua vào 30 tỷ USD thay vì 15 tỷ USD, và sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến chương trình này vào tháng 3-2022. Phần lớn thị trường đánh giá quyết định của Fed và chừng mực và hợp lý, vì ngay sau họp báo, thị trường đã cho thấy tín hiệu tích cực, nhiều chỉ số chứng khoán tăng điểm. Đối với Fed, vấn đề việc làm ưu tiên hơn và chỉ can thiệp khi lạm phát trở thành mối đe dọa thực sự.
Chỉ riêng ECB vẫn giữ nguyên quan điểm của mình về việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, chưa tính đến việc tăng lãi suất và tiếp tục chương trình mua tài sản. Theo đại diện của ECB bà Lagarde, ECB vẫn cho rằng nền kinh tế chưa sẵn sàng để hồi phục, các hỗ trợ vẫn phải tiếp tục và linh động.
Và điều này có vẻ đúng với EU, khi mới đây và hiện nay biến thể mới Omicron đang đe dọa những hy vọng phục hồi nhanh của lục địa này. Tuy vậy, ngay trong nội bộ của ECB đã có một số quan điểm bất đồng, khi cho rằng lạm phát là vấn đề ECB cần phải chú ý ngay lập tức, và chính sách tiếp tục hỗ trợ qua việc mua trái phiếu cần phải xem xét lại, với các đại diện là Áo, Bỉ, và Đức.

Vũ khí chính vẫn là lãi suất
Mặc dù có trong tay nhiều công cụ để can thiệp và hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này, nhưng chủ lực của các NHTW lớn vẫn là chính sách lãi suất. Trước hết bởi lãi suất tác động ngay đến thị trường tài chính, đặc biệt thị trường trái phiếu.
Mà thị trường trái phiếu bao gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp luôn là nơi các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm dành một tỷ trọng quan trọng trong danh mục đầu tư của mình. Nếu lãi suất tăng, giá của lượng trái phiếu đang nắm giữ sẽ giảm, và còn hơn thế nữa giá trị thực của trái phiếu khi đáo hạn sẽ thấp hơn do ảnh hưởng của lạm phát.
Tăng lãi suất còn khiến giá của nhiều loại cổ phiếu sẽ phải điều chỉnh giảm trở lại, đặc biệt nhóm cổ phiếu tăng trưởng đã có giai đoạn tăng ngoạn mục thời gian qua. Lãi suất tăng cũng sẽ khiến thị trường tín dụng, cho vay bất động sản điều chỉnh để thích ứng, số lượng vay mới sẽ phải cân nhắc trước việc lãi suất tăng.
So với chính sách hỗ trợ thông qua mua trái phiếu chính phủ hay các loại chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp, điều chỉnh lãi suất có không gian để thực hiện rộng hơn. Bởi việc chính phủ phát hành trái phiếu cũng phải có giới hạn trong khuôn khổ thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công của mình.
Điều quan trọng  không kém, là mặt bằng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển đã thấp trong suốt thời gian dài, khi bắt đầu giảm từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Có điều, đà tăng lãi suất trở lại có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những bất ổn của nền kinh tế trong thời gian ngắn hay trung hạn sắp tới.
Ngày nay, với các mô hình dự báo tốt hơn, dữ liệu nhiều hơn và kết hợp với khả năng tính toán mô phỏng của máy tính ngày càng nhanh, các kịch bản kinh tế được cập nhật rất nhanh. Việc điều chỉnh chính sách của các NHTW lớn vì vậy cũng có thể diễn ra thường xuyên hơn để thích ứng với các biến số không chắc chắn.
Với các nền kinh tế lớn, có sự độc lập nhất định, lãi suất vẫn là công cụ hữu hiệu để điều chỉnh thị trường, điều tiết nền kinh tế để đảm bảo thực hiện 3 nhiệm vụ chính của một NHTW: ổn định giá cả, giữ tỷ lệ thất nghiệp tối ưu và nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn. 

 Khi mối đe dọa lạm phát càng hiện rõ, dù có cách xử lý khác nhau, song công cụ hữu hiệu để can thiệp và hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này của các NHTW lớn vẫn là chính sách lãi suất.

Các tin khác