Nhiều rủi ro, bất ổn
Trong Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021, với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” công bố cuối tháng 4 vừa qua, GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định: Tăng trưởng cung tiền và tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước, nhưng tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp hơn năm 2020 - thấp nhất trong vòng 2 thập niên gần đây - đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế.
Tín dụng có thể không trực tiếp đi vào sản xuất, mà trực tiếp hoặc gián tiếp được đẩy vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán và vàng), nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu.
Thực tế đã có nhiều rủi ro đáng lo ngại trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán trong năm 2021, và đến nay các bất ổn đã bộc lộ rõ hơn. Dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt đạt mức 200% và 150% - vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.
Đặc biệt, sau thời gian dài có xu hướng giảm, nợ xấu đã tăng trở lại và có nguy cơ gia tăng trong giai đoạn tới, xuất phát từ những khó khăn của khu vực kinh tế thực lây nhiễm sang khu vực tài chính, hệ quả của việc nới lỏng một số quy định an toàn để hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế ứng phó với đại dịch.
Trong một báo cáo gửi đến Quốc hội về tổng kết thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, NHNN cho biết đến 31-12-2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hơn 2 triệu tỷ đồng (trong đó bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tổng nợ xấu 34.700 tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này 1,67%.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, dư nợ tín dụng gần 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng 48.650 tỷ đồng, chiếm 25,8%; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này 2,34%.
Đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông, dư nợ 114.300 tỷ đồng, chiếm 1,09% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tổng nợ xấu 7.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92%; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này 6,48%...
Theo nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn, khiến quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn hơn. Theo số liệu của NHNN, tính đến 31-12-2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,53% so với cuối năm 2020. Nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý 3,79%.
Nợ xấu tiềm ẩn
Nợ xấu tiềm ẩn
Tại “Báo cáo toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” công bố tuần qua, nhóm nghiên cứu của BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu tiềm ẩn, sẽ vẫn đáng lưu tâm trong năm 2022. Dù nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm nhẹ (từ mức 1,7% năm 2020 xuống 1,5% năm 2021), nhưng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) tăng lên 6,3% cuối năm 2021 (từ 5,1% năm 2020).
Dự kiến, nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ tăng lên mức 2% và nợ xấu gộp còn ở mức cao (khoảng 6%), nếu Thông tư 14 của NHNN (về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 và không được gia hạn.
Theo NHNN, dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2%, song những khó khăn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới. Khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi.
Thời gian gần đây, kết quả kinh doanh của hệ thống các TCTD được cải thiện, song chủ yếu do các TCTD nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tăng trưởng từ các mảng hoạt động dịch vụ. Hoạt động tín dụng hiện vẫn mang lại nguồn thu chủ yếu cho các TCTD, nhưng sự xuất hiện của dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi của các TCTD thời gian gần đây.
Dự báo, các TCTD có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 nói riêng, có nghĩa nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.
Theo NHNN, đến nay nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết 42 là 412.670 tỷ đồng. Nếu Nghị quyết 42 không được tiếp tục thực hiện, dự kiến nợ xấu có thể lên 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 443.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
“Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, việc gia hạn Nghị quyết 42 đến hết năm 2023 và khả năng gia hạn Thông tư 14 khá cao, sẽ giúp các tỷ lệ nợ xấu này vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và các TCTD” - nhóm nghiên cứu của BIDV và ADB nhận định.
Trong giai đoạn 2017-2021, hệ thống các TCTD xử lý được 750.100 tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2021 xử lý được 151.900 tỷ đồng). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro (352.300 tỷ đồng, chiếm 47%), khách hàng trả nợ (220.500 tỷ đồng, chiếm 29,4%), bán nợ cho VAMC (114.100 tỷ đồng, chiếm 15,2%) và các hình thức xử lý nợ xấu khác (63.100 tỷ đồng, chiếm 8,4%). Nguồn: NHNN |