Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Sau hơn ba năm thi hành, Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về đại biểu Quốc hội, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có quy định về Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; bộ máy giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trong phiên họp tổ thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung: Sự cần thiết ban hành Luật; tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; bộ máy giúp việc, địa vị pháp lý, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; vai trò, vị trí của đại biểu Quốc hội; rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp Quốc hội…
Theo dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.