Phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí," tổ chức ngày 18/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng giao thông đến nay vẫn còn nóng hổi, vẫn cần cả nước chung tay lại mà làm... Yêu cầu khách quan là chúng ta phải làm, phải thực hiện phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, lại lồng ghép với nội dung mà nhân dân đang bức xúc là chống lãng phí, tham nhũng, chủ yếu nằm ở đầu tư công, nên điều này rất có ý nghĩa.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Báo cáo tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 diễn ra vào ngày 31/10/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Phó Trưởng đoàn Đoàn Giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết từ năm 2016 đến 2021 có 1.300 vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí đã được kết luận điều tra, trong đó khoảng 1.100 vụ được đưa ra xét xử.
Tổng giá trị thiệt hại tại các vụ án này là khoảng 31.800 tỷ đồng (tại địa phương 19.500 tỷ đồng, tại Trung ương 12.300 tỷ đồng). Số tiền đã được thu hồi là gần 26.500 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này có 3.085 dự án được xác định là gây thất thoát, lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư công. Các lĩnh vực có vi phạm lãng phí ngân sách nhà nước chủ yếu là giao thông, xây dựng, mua sắm đầu tư các trang, thiết bị y tế, giáo dục, cho vay ngân hàng, lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội...
Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2016-2021 đã triển khai gần 50.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại hơn 73.200 đơn vị. Qua đó, các cơ quan thanh tra phát hiện sự vi phạm về kinh tế ở mức hơn 150.100 tỷ đồng với 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi gần 71.800 tỷ đồng và hơn 31.200 ha đất.
Một số bộ, ngành, địa phương có vi phạm về kinh tế lớn về đất đai là Bắc Giang (406 ha), Hà Giang (1.012 ha), Sơn La (745 ha), Đắk Nông (6.076 ha), Gia Lai (900 ha), Thừa Thiên-Huế (23.575 ha). Vi phạm về tiền ở Bắc Ninh ở mức 580 tỷ đồng, ở Phú Thọ là 695 tỷ đồng, ở Quảng Ninh là 405 tỷ đồng, ở Đắk Nông là 988 tỷ đồng...
Về dự án chậm tiến độ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho biết số dự án chậm tiến độ đang có xu hướng tăng lên qua các năm.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 có 1.609 dự án, năm 2018 có 1.778 dự án, năm 2019 có 1.878 dự án, năm 2020 có 1.867 dự án, năm 2021 có 1.962 dự án.
Tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm (chỉ đạt 46%), nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.
Hầu hết các dự án chậm tiến độ đều là công trình quan trọng quốc gia. Điển hình là dự án tuyến đường sắt thí điểm ở Thủ đô, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; dự án số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành-Suối Tiên; số 2 Bến Thành-Tham Lương ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Phú Cường chỉ ra 6 nguyên nhân chính gây nên tình trạng thất thoát, lãng phí và chậm tiến độ của các dự án, công trình trên.
Thứ nhất, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Thứ hai, nhận thức pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ.
Thứ ba, còn hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Thứ tư, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ năm, một số nơi chưa đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thứ sáu, sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương nhiều trường hợp còn chưa chặt chẽ, không kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Hiệu lực, hiệu quả thực hiện công vụ chưa đáp ứng yêu cầu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc, chỉ ra căn nguyên của sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là “chưa mạnh tay xử lý lãng phí." Cái gốc của sự lãng phí là cơ chế tài chính, quản lý tài sản công cứng nhắc, bất hợp lý, xuân thu nhị kỳ cứ tiêu tiền ngân sách cho bằng hết, “đúng quy trình," không cần biết có hiệu quả hay không. Chưa kể, nếu không tiêu hết năm nay thì ngân sách năm sau sẽ bị cắt nên phải tiêu cố, vì… “tương lai” của cơ quan.
Sự lãng phí còn có nguyên nhân là thái độ vô cảm, tư duy tiêu "chùa" của không ít lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, sự “năng động” kiểu “sống chết mặc ai, tiền thầy tiêu đã” của không ít cán bộ chuyên trách về tài chính, công sản.
Chưa kể, tuy các cơ quan chức năng quan tâm nhiều đến việc truy xét tham ô, tham nhũng, nhưng họ chưa thật mạnh tay xử lý tình trạng lãng phí của công. Với những quy định cũ kỹ và sự thiếu trách nhiệm của một số người thì lãng phí đã thành căn bệnh hiển hiện ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, làm mất mát tài sản, tiền bạc và niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, sự lãng phí chưa được quan tâm xử lý vì hình như “chưa gây mất mát cán bộ” vì những người phải chịu trách nhiệm lại biện minh - “Tôi làm đúng quy trình, không bỏ túi đồng nào."
Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, thất thoát, lãng phí diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Từ xác định chủ trương đầu tư đến bản thân công trình có thật sự cần thiết hay không, hoặc có những dự án cấp bách hơn nhưng lại không tập trung đầu tư mà tập trung vào những nơi không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ chủ trương đầu tư cho đến thất thoát trong quá trình thực hiện, như trích lại phần trăm, lại quả cho các bên đối tác hay thất thoát, lãng phí trong quá trình sử dụng sau đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả sau đầu tư...
Năm giải pháp chống thất thoát, lãng phí
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã đưa ra năm giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần hạn chế sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Thứ nhất, coi trọng công tác lập quy hoạch. Theo đó, cần tập trung lập và hoàn thành các quy hoạch theo hướng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quy hoạch ngành, lãnh thổ và khu vực; tránh tình trạng các quy hoạch không đồng bộ, chồng chéo. Khi có quy hoạch được duyệt thì phải công khai quy hoạch. Việc thực hiện và quản lý quy hoạch phải thống nhất. Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, gắn liền với trách nhiệm trong công tác quy hoạch giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ quản lý ngành, các tỉnh, thành phố.
Thứ hai, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư công. Sự khớp nối giữa các văn bản quy phạm pháp luật phải thống nhất, tránh chồng chéo. Nguồn lực cho đầu tư cần được phân bổ trong một chủ định để tầm nhìn trung hạn và dài hạn, gắn kết chặt chẽ với yếu tố thị trường, với mục tiêu đầu tư, với kết quả đầu ra của dự án đầu tư.
Thứ ba, xác định đúng chủ trương đầu tư. Chủ trương đầu tư cần công khai, dân chủ (trừ các công trình thuộc an ninh, quốc phòng), khi quyết định đầu tư thì phải lấy ý kiến phản biện rộng rãi từ các hội, hiệp hội gồm những nhà quản lý, nhà khoa học; từ mọi tầng lớp người dân, nhất là ở những dự án đụng chạm đến cuộc sống hằng ngày của họ.
Một điều quan trọng nữa là trước khi xác định chủ trương đầu tư thì cần phân tích rủi ro của việc đầu tư đó. Ở Việt Nam chủ đầu tư thường chỉ nặng về tính toán hiệu quả, các thuận lợi của dự án nhưng ít phân tích đầy đủ về rủi ro trong nguồn vốn, nguồn nguyên liệu... dẫn đến một số công trình rơi vào tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội," rất lãng phí.
Thứ tư, siết chặt kỷ cương trong bộ máy nhà nước. Cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng, xây dựng chế độ trách nhiệm và ban hành các chế tài đủ mạnh để điều tiết trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư công.
Nhà nước cần áp dụng cơ chế, giải pháp mạnh trong quản lý hoạt động đầu tư công, phân định rõ quyền và trách nhiệm của cá nhân, của tổ chức tham gia đầu tư công bao gồm: Người quyết định đầu tư; chủ đầu tư; tư vấn; nhà thầu; các cơ quan liên quan đến giám định, thẩm định, cấp phát, giải ngân, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán và quản lý công trình sau đầu tư. Khi có những sai phạm trong đầu tư xây dựng thì các chủ thể tham gia phải bồi thường thiệt hại, bị xử phạt hành chính, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát mà trước hết là các biện pháp giám sát và kiểm soát nội bộ, sau đó là các biện pháp kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài.
Thứ năm, vai trò tư vấn cần được tôn trọng và tạo điều kiện để phát huy tính độc lập của cơ quan tự vấn.
Chất lượng các dự án đầu tư công chỉ được đảm bảo khi tất cả các khâu do tư vấn thực hiện từ lập dự án đầu tư, khảo sát lập thiết kế, giám sát đều được quản lý chặt chẽ. Công trình cũng giảm được phần lớn thất thoát, lãng phí nếu khâu tư vấn được quan tâm. Vì vậy, các tổ chức tư vấn cần được hoàn thiện theo hướng có uy tín cao, có năng lực độc lập và tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, mức giá của công việc tư vấn cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp, không thể để tình trạng giá tư vấn trong nước và nước ngoài chênh lệch nhau đến hàng chục, thậm chí đến hàng trăm lần.
Các hoạt động tư vấn như lập dự án, điều tra khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, lập và thẩm định báo cáo quyết toán... cần được xã hội hóa, tách khỏi các bộ chuyên ngành, tránh tình trạng khép kín trong đầu tư, tăng tính độc lập, khách quan của các tổ chức tư vấn.
Phải coi trọng và nâng cao chất lượng tư vấn trong tất cả các giai đoạn, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn chuẩn bị thực hiện và giai đoạn thực hiện đầu tư để hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, việc đấu tranh quyết liệt chống thất thoát, lãng phí đầu tư công là vấn đề quan trọng, cấp thiết cấp bách, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, chấp pháp nghiêm và chăm lo nâng cao năng lực, đạo đức công vụ cho bộ máy của mình.