Những gam màu sáng
Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả lĩnh vực, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng cao nhất 10 năm qua, vượt mục tiêu của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát thành công dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Đặc biệt, kinh tế năm 2018 khởi sắc trên cả 3 khu vực sản xuất. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế. Ngành nông nghiệp khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức cao nhất giai đoạn 2012-2018; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt. Điều này cho thấy chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Nền kinh tế sẽ bước vào năm 2019 trong bối cảnh trong nước, quốc tế đều phức tạp, khó lường với thời cơ, thách thức đan xen. Bởi đây là thời điểm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Trong đó, việc cải thiện chất lượng tăng trưởng còn chậm, chưa bền vững, năng suất lao động, cạnh tranh thấp… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Chính thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019 nền kinh tế tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới.
Đó là việc sẽ hoàn thành thêm 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, nhà ở chung cư. Bên cạnh đó, 3 nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chế biến chế tạo cũng bổ sung nhiều năng lực mới như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, luyện cốc gang thép Formosa, sản xuất hóa chất Đạm Cà Mau và rất nhiều năng lực mới sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất năm 2019.
Theo dự báo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, năm 2019 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,6%. Còn theo kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,84% ở kịch bản cơ sở và 7,02% ở kịch bản cao.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban NCIF, cho rằng 2 điểm sáng lớn của nền kinh tế Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm giảm đi những tác động không thuận từ thị trường quốc tế. Đặc biệt, động lực tăng trưởng của nền kinh tế những năm qua đã giảm phụ thuộc rõ rệt vào tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang chế biến, chế tạo đang tạo nên những nền tảng tăng trưởng vững chắc hơn.
Thách thức 2019
Thách thức 2019
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đi được hơn nửa đoạn đường với kết quả khả quan, giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng bình quân 6,7%.
Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt, mọi biến động của thế giới đều có thể tác động tới nền kinh tế trong nước, thậm chí nền kinh tế có thể bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động đó. Trong khi đó, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.
Cụ thể hơn, TS. Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhận định thách thức của Việt Nam nằm trong thách thức của nền kinh tế thế giới, do chúng ta đã hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.
“Chúng ta là nền kinh tế mở và tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, nếu quy mô thương mại toàn cầu giảm, xuất khẩu của đất nước sẽ khó khăn. Thách thức lớn hơn cả là tính linh hoạt và thích ứng của chúng ta ở dưới góc độ các chính sách vĩ mô như thế nào? Đồng thời khơi dậy được tiềm năng của nền kinh tế. Bên cạnh đó là tính linh hoạt trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô để thích ứng với điều kiện toàn cầu hiện nay” - TS. Phước nhấn mạnh.
GS. Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng kinh tế Việt Nam có độ phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã lên tới 208,6% GDP. Thêm vào đó, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm tốc độ phát triển, thu hẹp thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo GS. Thọ, để phát triển, Việt Nam vẫn cần làm ăn với Trung Quốc, một nước láng giềng, giàu mạnh hơn kể cả thu hút đầu tư của họ để 2 bên cùng có lợi. Nhưng mở cửa không chọn lọc để đến mức lệ thuộc không nên.
Về việc đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với việc ưu tiên những dự án nhằm làm sâu quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, lại tỏ ra không lạc quan với khu vực kinh tế FDI, dù khu vực này đang là điểm sáng nhất của nền kinh tế.
Ông khẳng định trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam (bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước.
Và nghịch lý là thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Lợi nhuận của khu vực FDI có thể được chuyển về nước họ. Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP 2019 nếu vẫn dựa chủ yếu vào khu vực FDI sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi.