Số phận 232 chợ truyền thống tại TPHCM?

(ĐTTCO) - Vài năm gần đây, chợ truyền thống đứng trước một thách thức lớn chưa từng có, đó là khách vắng hẳn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Số phận 232 chợ truyền thống tại TPHCM?

Tiểu thương ngồi lướt điện thoại, chơi game cả ngày không bán được món hàng nào, hoặc có bán được cũng không đáng là bao, doanh thu thấp, nhất là những chợ bán các loại hàng gia dụng. Tiểu thương không biết phải làm sao, chính quyền lúng túng. Vậy tái cấu trúc như thế nào cho số phận của 232 chợ truyền thống (CTT)?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, bằng mọi giá phải giữ CTT, vì đó là di sản tổng hợp văn hóa, lịch sử, kiến trúc bản địa còn lại trong đô thị hiện đại. CTT có nhiều ưu điểm hơn siêu thị. Đó là sự tương tác xã hội giữa người mua và người bán. Ở chợ người ta có quyền mặc cả, thêm bớt, thậm chí mua xong còn lẹ tay nhặt thêm quả ớt, hay người bán dúi cho người mua vài cọng hành ngò như là một lời nhắc lần sau nhớ tái ngộ.

Mặc dù giá cả CTT chưa chắc đã rẻ hơn siêu thị, nhưng người mua vẫn thấy vui, vì cho là mình mặc cả thắng lợi một món hàng. Đến chợ có thể hóng được nhiều chuyện người ta và mang cả chuyện mình ra để buôn dưa lê. Thế giới chợ có nhiều cái thú vị mà không nơi nào có được, vì vậy nên cần có các phương án giải cứu CTT.

Quan điểm thứ hai cho rằng, CTT đã chấm dứt vai trò lịch sử, bị thay thế bằng siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi các cửa hàng bán lẻ. Năm 1992, Siêu thị Co.opmart mở ra được coi là hình thức bán hàng mới, tiếp sau đó là hàng trăm siêu thị mở ra như Vinmart, Lottemart, Aeon, BigC, Winmart, Emart, Metro, Bách Hóa Xanh… rồi hàng ngàn các cửa hàng tiện lợi nằm trong các chuỗi rải khắp thành phố như Circle K, FamilyMart, 7-Eleven, Ministop, TH True Mart.

Từ khi các loại hình buôn bán này xuất hiện, các CTT mất vị thế và bị thu hẹp dần địa bàn. Rõ ràng các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tiện lợi có nhiều ưu thế vượt trội như mặt hàng rất phong phú, chất lượng cao, giá cả niêm yết minh bạch khiến người mua không phải lo bị hớ, sạch sẽ, mát mẻ và tiện lợi, cho dù giá cả có phần nhỉnh hơn từ 3-5% so với CTT.

Đã yếu thế thì CTT bị thêm cú đấm bồi sau Covid-19 là sự xuất hiện mua bán trực tuyến. Người mua chỉ việc click là mua được rất nhiều thứ mang đến tận nhà.

Ở Trung Quốc, việc mua bán qua online chiếm đến 19% thị trường bán lẻ. Một trong những xu hướng bán hàng trực tuyến phổ biến mạnh ở Trung Quốc trong thời gian gần đây là truyền phát trực tiếp (livestream). Việc mua bán này không giới hạn trong lãnh thổ Trung Quốc mà xuyên biên giới, người ở TPHCM vẫn mua được hàng và được giao từ Trung Quốc với tốc độ kỷ lục.

Do vậy những người theo quan điểm này hoàn toàn có lý khi đưa ra giải pháp xóa CTT, lấy đất làm các công trình khác, vì tất cả các CTT hiện nay đều có vị trí cực đắc địa và diện tích rộng. Bởi trước đây chợ được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa của một khu vực, nên vào cái thời “lập thị sơ khai” được chính quyền địa phương chọn ở một nơi cao ráo, bằng phẳng, không ngập nước, ngay sát ngã ba ngã tư, sát bến sông và rất rộng, vì người chọn đã tính chuyện nở nồi dân cư.

Ở TPHCM, những CTT có tên tuổi ở trung tâm như Bến Thành, Tân Định, Bình Tây, An Đông, Bà Chiểu thì khỏi nói về mức độ hoành tráng và đẹp, các chợ khác ở 14 quận nội thành cũ đều có vị trí đắc địa như Trần Hữu Trang, Phú Nhuận, Hòa Hưng, Bà Quẹo…

Những nơi này đang được các đại gia, các tập đoàn bất động sản quan tâm đặc biệt, vì nếu bỏ đi thay vào đó là các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, đúng là hái ra tiền, 1m2 phải có giá vài trăm triệu. Thực tế TPHCM cũng đã từng xóa bỏ một số CTT để dành đất xây công trình mới như chợ Cầu Muối, chợ hóa chất Kim Biên.

Nhưng việc bỏ hay giữ CTT cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy nếu vội vàng có thể cái giá phải trả quá đắt. Ở Hà Nội, khi thấy CTT rơi vào cảnh đìu hiu, chính quyền một số quận có sáng kiến chuyển đổi theo mô hình “nửa nạc, nửa mỡ”, như chợ Hàng Da, chợ Mơ chuyển sang kiểu mới là 50% trung tâm thương mại và giữ lại 50 CTT, nhưng rốt cục là “xôi hỏng bỏng không”, các sạp ở trung tâm thương mại không có ai vào, còn CTT lại lộn xộn, vừa tốn mớ tiền vừa mất uy tín.

Ở TPHCM có một số chợ cần được giữ toàn bộ hay một phần, vì nó liên quan đến kiến trúc mang tính lịch sử, nhất là các chợ lồng (mái chợ giống hình cái lồng bàn) được hình thành từ thời Pháp có tuổi đời hơn 100 năm như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu...

Hiện nay rất nhiều người thường đi cả hai loại siêu thị và CTT, sẽ nhận thấy có khá nhiều thứ không mua được ở siêu thị mà chỉ mua được ở CTT. Chẳng hạn như lá xông giải cảm, mẻ nấu giả cầy, các loại rau rừng ăn với thịt heo luộc cuốn bánh tráng (như kiểu bánh tráng Trảng Bàng), các loại mắm có mùi rất nặng như mắm cá linh, cá lóc, các loại cua đồng xay tại chỗ, đậu hũ nóng làm theo đơn đặt hàng tại nơi sản xuất… mà trong siêu thị không bao giờ có được, chỉ tìm thấy ở CTT.

Vậy cần tổ chức lại không gian CTT để làm sao vẫn tồn tại được một cách hiệu quả nhưng văn minh hơn.

Do vậy, khi tái cấu trúc CTT cần dành đất cho phần rất bản địa này. Những CTT nào thực sự không còn sức sống cho giải thể hoàn toàn, những chợ nào tổ chức theo sạp, theo kios nên đánh giá lại từng loại hàng hóa để có giải pháp hợp lý. Thực tế cho thấy các sạp nào bán hàng có trong siêu thị rồi rất khó bán ở CTT như các loại đồ nhựa, vải vóc, quần áo, đồ nhà bếp, đồ khô, đồ ăn nhanh…

Những năm trước đây các chợ đầu mối như vải, bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm, đồ nhựa ở quận 5 lúc nào cũng nhộn nhịp, nhất là vào dịp Tết, nhưng mấy năm gần đây tuyệt nhiên không có khách. Vì thời buổi công nghệ ngồi ở Cà Mau, gọi điện cho người bán ở TPHCM là trong ngày có hàng ship đến tận cửa. Dù có đau xót cũng đành phải chấp nhận việc xóa bỏ những loại hình như thế.

Tái cấu trúc CTT là làm cho có diện mạo mới, chức năng mới nhưng cũng nên giữ lại khu chợ có dấu ấn lịch sử. Chẳng hạn như chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu… nên giữ lại một phần như mặt tiền, phần đất còn lại không nên đưa vào làm siêu thị, trung tâm thương mại hay cao ốc chung cư, mà nên để dành đất làm công viên hoặc công trình thiếu nhất của TPHCM là trường học, nhà trẻ.

Các tin khác