Cần nhà đầu tư, doanh nghiệp nào
Một nền kinh tế phát triển và năng động phải luôn có các nhà đầu tư (NĐT), các doanh nghiệp (DN), có thể là trực tiếp hay gián tiếp từ nguồn vốn trong nước hay nước ngoài.
Vì khi có vốn, có DN, tạo ra việc làm sẽ thu hút lao động và từ đó là dân cư. Một điểm chung ở các siêu thành phố là dân số ngày càng đông, bởi ở đây có việc làm, mặc dù có nhiều vấn đề khác họ không hài lòng như ô nhiễm, chi phí sinh hoạt cao...
Chính quyền các thành phố lớn, các chính phủ đều biết tầm quan trọng của các NĐT, các DN khi toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, do vậy việc “giành giật” các NĐT, các DN là một cuộc đua marathon không có điểm kết thúc.
Nhớ lại khi vấn đề Brexit được đặt ra trước đây, các nước bên cạnh Anh như Pháp, Đức, Hà Lan đã ráo riết chạy đua và chuẩn bị để thu hút các DN, dòng vốn rời khỏi Anh.
Trong một khu vực, các quốc gia luôn cố gắng biến mình thành trung tâm để thu hút dòng vốn, từ châu Âu, châu Á, đến cả châu Phi.
Ai cũng biết ưu tiên hàng đầu của họ là lợi nhuận. Vậy nên nhiều chính phủ cố gắng thu hút bằng cách cắt giảm chi phí cho họ, hoặc tạo điều kiện để họ tăng doanh thu, hoặc cả hai. Nhưng có một yếu tố khác trong đầu tư cũng không kém phần quan trọng mà nhiều chính phủ không để ý, đó là mức độ rủi ro trong đầu tư.
Nghĩa là cũng một mức lợi nhuận như vậy, nhưng nếu rủi ro chỗ nào thấp hơn họ sẽ đầu tư ở chỗ đó. Nhiều nơi đơn thuần thu hút đầu tư, thu hút DN bằng cách giảm chi phí như giảm thuế, giảm tiền thuê hay sử dụng hạ tầng, nhưng vẫn không cạnh tranh được với những nơi khác vì rủi ro vẫn cao.
Mà cụ thể là không có sự chia sẻ rủi ro của chính quyền địa phương, hay chính phủ với NĐT. Trong hợp tác đầu tư, yếu tố cùng gánh chịu rủi ro rất quan trọng.
Chính vì vậy mà cách làm của một số thành phố lớn ở châu Âu, đặc biệt là Đức rất cần được tham khảo cho Việt Nam. Đó là chính quyền một số thành phố của Đức, và ngân sách chính phủ liên bang, cùng đầu tư với DN. Theo đó, các chương trình tài trợ, khuyến khích DN trong lĩnh vực nghiên cứu & phát triển (R&D), thành lập DN mới, có sự đồng tham gia của ngân sách.
Lấy thí dụ như nếu DN bỏ ra 10 đồng làm R&D, thì ngân sách sẽ bổ sung thêm 3 đồng, tạo thành nguồn vốn đầu tư là 13 đồng chứ không khấu trừ vào chi phí, giảm thuế như nhiều nơi vẫn hay làm.
Trong việc thành lập mới, các công cụ tài chính đa dạng có thể giúp nâng tổng tài sản của DN qua các công cụ nợ hay vốn cổ phần. Chẳng hạn vốn ban đầu của DN là 10 đồng, các khoản hỗ trợ của chính quyền địa phương, chính phủ bỏ vào gấp 3 lần, và DN có tổng tài sản lúc này là 40 đồng để đi vào sản xuất kinh doanh.
Nhiều nơi còn có chương trình tài trợ không hoàn lại (grant) với DN, nếu DN đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Sức hút bền vững
Sức hút bền vững
Ngày nay các hiệp định thương mại song phương và đa phương càng khiến cho việc dịch chuyển lao động, vốn dễ dàng giữa các nước, nên sức hút của các thành phố này cần có sự bền vững.
Dễ thấy nhất là sự dịch chuyển giữa các vùng trong một nước. Chỉ cần địa phương nào đó có chiến lược bài bản, dài hạn thì kết quả sẽ thấy rõ sau 5, 10 năm. Đó là DN dần kéo đến, lao động tập trung về.
Muốn vậy cần chứng minh cho NĐT và DN thấy được rủi ro của họ thấp trong dài hạn. Họ cần có nguồn lao động có chất lượng, ổn định, và đây là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.
Họ cần hệ sinh thái các DN có liên quan, và đây là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách trong việc thu hút đa dạng các lĩnh vực. Và nhiều khi họ cần thị trường, tức khả năng chi tiêu của người dân phải được tăng dần.
Dĩ nhiên việc làm là yếu tố quan trọng nhất thu hút người lao động, và theo sau đó là các nhóm dân cư. Nhưng để có sự gắn bó lâu dài thì đối với một bộ phận lao động, hạ tầng, môi trường sống (không gian xanh), và chi phí sinh hoạt sẽ luôn là những cân nhắc đáng kể.
Đến một lúc nào đó, công việc tương tự với mức thu nhập bằng hay thấp hơn một chút, nhưng các tiêu chí vừa đề cập trội hơn thì người ta sẵn lòng có sự thay đổi nơi sống, nơi làm việc.
Chính vì vậy chính quyền của các siêu thành phố rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch, hạ tầng. Việc phát triển các thành phố nhỏ vệ tinh bên cạnh siêu thành phố, tối ưu hệ thống giao thông công cộng và phát triển các không gian xanh, thiên nhiên là cách mà nhiều siêu thành phố trên thế giới đang làm để thu hút NĐT, DN, người dân đến với mình.
Một siêu thành phố được xem là phát triển bền vững thì chính quyền phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch, hạ tầng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cùng chung tay
Các siêu thành phố thường có sức ảnh hưởng lớn về cả kinh tế và chính trị, nên các chính sách thường có cơ chế đặc thù, thậm chí luật lệ riêng. Đối với TPHCM, vấn đề hiện nay không chỉ là nguồn lực hạn chế do ngân sách bị điều tiết nhiều, mà còn ở khả năng tự chủ trong một số lĩnh vực.
Một chính quyền địa phương lớn, mạnh cần có sự linh động nhất định về nhân sự, tài khóa và chính trị.
Nhưng một nút thắt trong thể chế hiện nay của Việt Nam là cán bộ hay người thiết kế, thực hiện chính sách không được phép để xảy ra sai phạm, dẫn đến ý thức tuân thủ chính sách để an toàn hơn là có những đột phá, thử nghiệm mới vì sự phát triển của thành phố, của đất nước.
Chính phủ nhiệm kỳ trước đã để lại một dấu ấn tốt với tinh thần kiến tạo, và chính phủ mới tiếp nối trên cơ sở đó nhưng bổ sung thêm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Do đó, cần có những cơ chế cho phép sự thử nghiệm mới, đột phá, không như những lần thành phố phải “xé rào” để thành công trước đây. Và điều này là ở quyết tâm chính trị, cũng như sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo cao nhất.
Còn một điều nhỏ hơn nhưng cũng có những đóng góp quan trọng không kém, đó là hình ảnh và uy tín của người dân và DN của thành phố. Chỉ vì sự dễ thương, chân thành, tín nghĩa mà nhiều NĐT lớn, nhiều DN đã thiết lập mối quan hệ lâu dài với thành phố, với Việt Nam. Một mối quan hệ đối tác thành bạn bè, hay bạn bè thành đối tác, đều có ích cho sự phát triển của thành phố.
Vì sự phát triển thịnh vượng của thành phố mang tên Bác rất cần mỗi người dân, mỗi DN, mỗi cán bộ, mỗi lãnh đạo đều có sự đóng góp cũng như trách nhiệm của mình.