Tăng nguồn lực tài chính phát triển kinh tế xã hội

(ĐTTCO) - Chiến lược tài chính đến năm 2030 xác định mục tiêu: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại; xây dựng các chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính hướng tới thực hiện nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính (TTTC) và dịch vụ tài chính. 
TTTC chưa phát triển tương xứng tiềm năng
Hiện nay, TTTC Việt Nam đã được hình thành cơ bản, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc huy động tiết kiệm và phân bổ các nguồn vốn; bảo đảm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng khu vực doanh nghiệp (DN), phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế.
Cả 3 thị trường ngân hàng (NH), chứng khoán và bảo hiểm, cùng các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các khách hàng khác nhau. 
Giai đoạn 2016-2022, quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Tính đến cuối quý I-2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,57% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần năm 2015. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu (CP) 93,8% GDP, thị trường trái phiếu (TP) 40,7% GDP (gồm TPCP 22,7% GDP, TPDN 16,4% GDP). 
Tuy nhiên, TTTC Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng, chưa hội nhập sâu rộng thị trường quốc tế với nhiều ứng dụng công nghệ mới. TTTC với các sản phẩm có tính thanh khoản cao, thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn thường xuyên của người dân, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi một số bất cập.
Thứ nhất, nền kinh tế hiện đang tồn tại cơ chế 2 giá đất, gồm theo khung Nhà nước ban hành và giá thị trường. Khoảng chênh lệch giữa 2 giá đất càng lớn, càng gây nhiều bất công xã hội, làm méo mó thị trường bất động sản gây nhiều tiềm ẩn rủi ro cho cả nền kinh tế.
Thứ hai, đối với thị trường NH, quá trình xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết, chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. Vấn đề này đang ngày càng nghiêm trọng, khi một số DN thay vì huy động vốn sở hữu, đã ngày càng dựa vào việc huy động vốn vay của các TCTD bằng các hình thức thiếu minh bạch, phi thị trường, phát hành CP và TP gian lận. 
Thứ ba, hệ thống tín dụng thiếu chuyên nghiệp, cùng với các yêu cầu nghiêm ngặt thiếu thực tế đối với các khoản vay, đã khiến các DN, nhất là DNNVV, hộ kinh doanh bị loại khỏi mạng lưới cung cấp tín dụng của các NHTM. Việc thiếu khả năng tiếp cận NH dẫn đến các DNNVV, hộ kinh doanh chuyển sang thị trường tín dụng phi chính thức hoặc tín dụng đen để vay tiền.

Tập trung 4 lĩnh vực cấp bách
Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ, Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường.
Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của DN, thanh lọc những DN yếu kém.
Để thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo trên, theo các nhà kinh tế, TTTC cần tập trung vào 4 lĩnh vực cấp bách. Thứ nhất, xây dựng thể chế đồng bộ cho TTTC, đảm bảo sự hình thành giá các tài sản tài chính thông qua cơ chế thị trường công khai, minh bạch. TTTC phải định giá khách quan và chính xác để tạo tính thanh khoản cho tất cả nguồn lực khác như vốn sản xuất, con người, xã hội và tài nguyên, nhằm huy động tổng lực các nguồn vốn vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trước mắt cần tích hợp với việc sửa đổi Luật Đất đai, để có sự thống nhất cơ chế chính sách 1 giá đất, đảm bảo công bằng và sự phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Thứ hai, công tác giám sát cần được nâng cao hiệu quả với 3 nội dung trọng yếu: giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát thận trọng vĩ mô và vi mô. Ngoài ra, chất lượng công tác thanh tra được nâng cao theo hướng từng bước thiết lập kỷ luật thị trường, cưỡng chế thực thi các quy định pháp lý, nâng cao chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên TTTC (rửa tiền, chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường, giao dịch nội gián, trục lợi bảo hiểm...).
Cơ cấu lại hệ thống các TCTD với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém, trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Thứ ba, thị trường tín dụng phi chính thức (bao gồm cả tín dụng đen) là thực tế khách quan trong TTTC. Bởi vì sao các DNNVV, hộ kinh doanh sử dụng tín dụng phi chính thức cho nhu cầu đầu tư của họ? Đó là do họ không đủ điều kiện để được cấp tín dụng chính thức, hay là vì tín dụng phi chính thức là sự lựa chọn khả thi đối với điều kiện kinh tế xã hội và vị trí của họ? Hay nó là sự kết hợp của cả 2?
Sự nhận thức và nghiên cứu thấu đáo của các nhà hoạch định chính sách tài chính tín dụng vi mô về các vấn đề trên, sẽ giúp tìm được nền tảng trung gian để kênh dẫn vốn và sử dụng vốn ngày một toàn diện, góp phần xây dựng xã hội bền vững.
Thứ tư, ngày nay với tốc độ tự do hóa toàn cầu, không thị trường nào có thể phát triển riêng lẻ mà phải có mối liên hệ lẫn nhau. Theo đó, sẽ có một số xu hướng phát triển TTTC trên thế giới trong thời gian tới chi phối đến TTTC từng quốc gia.
Điều này đặt ra yêu cầu định hướng phát triển TTTC và cộng đồng DN giai đoạn 2021-2030 theo hướng bền vững, cạnh tranh lành mạnh, hiện đại, xây dựng cơ cấu hợp lý giữa các thị trường tiền tệ, vốn và bảo hiểm trong nước, từng bước kết nối với TTTC quốc tế, đảm bảo huy động các nguồn lực tài chính cả trong và ngoài nước để thực hiện tốt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản các định chế tài chính Việt Nam tương đương 219% GDP, thấp hơn so với 320% GDP bình quân của nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN; vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 84% GDP, thấp hơn các thị trường trong khu vực (93-243% GDP); dư nợ thị trường trái phiếu 44,7% GDP, nhỏ so với một số thị trường trong khu vực. 

Các tin khác