Tăng trưởng kinh tế, đường còn dài

(ĐTTCO) - Kinh tế quý I - 2018 rất tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, sản xuẩt kinh doanh các ngành, lĩnh vực có sự phát triển ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. 
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7-6,8% trong năm nay, TS. Đinh Tuấn Minh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ảnh) cho rằng phải tiếp tục vượt qua thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh nhưng bền vững. Bởi những năm gần đây, tăng trưởng GDP một phần phụ thuộc vào các  doanh nghiệp (DN) FDI lớn như Samsung, Formosa.
PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhìn nhận thế nào về sự bứt phá tăng trưởng GDP trong quý I năm nay cũng như mức tăng có hợp lý?
Tăng trưởng kinh tế, đường còn dài ảnh 1
TS. ĐINH TUẤN MINH: - Con số tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38% cho thấy những tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế trong những tháng đầu năm. Trong thời gian rất dài nền kinh tế mới đạt được mức tăng trưởng quý I tương đương với đà tăng quý III và quý IV những năm trước đó. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế hồi phục vững chắc. Tuy nhiên, những con số thống kê đôi khi chỉ là con số do cơ quan thống kê tính toán. 
Các con số tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều tăng ở mức rất tốt. Cả 3 khu vực này tăng đã đóng góp cho tăng trưởng là hợp lý.
Đáng lưu ý khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng khoảng 4,05%, gấp 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2017 (đạt 2,08%), đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,7%, cao hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (4,48%), đóng góp 3,39 điểm phần trăm nhờ động lực từ công nghiệp chế biến, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Ngành khai khoáng đã tăng trở lại sau 2 năm liên tục giảm. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng 6,7%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2017 (6,36%), đóng góp 2,75 điểm phần trăm.
- Nhưng Bộ KH - ĐT vẫn cho rằng mức tăng trưởng 6,7-6,8% trong năm nay là một thách thức?
- Bởi tăng trưởng này so với mức tăng của quý I - 2017, khi đó khối DN FDI có những nguyên nhân như sự cố Samsung và khu liên hợp gang thép Formosa chưa đưa vào vận hành nên tăng trưởng rất thấp. Quý I năm nay dự án Formosa đã đi vào hoạt động, Samsung cũng đang sản xuất bình thường nên ngành công nghiệp xây dựng tăng trưởng cao hơn, đóng góp vào mức tăng GDP nhiều hơn.
Do vậy, mức tăng các quý sau trong năm nay so với các quý sau năm 2017 tốc độ tăng sẽ chậm đi. Đó là sự so sánh tương đối. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào các DN FDI lớn như Samsung, Formosa…
- Giá trị xuất khẩu sẽ có tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất, ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP chung cả nước. Vậy theo ông việc bảo hộ thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ sẽ tác động thế nào đến hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm?
- Việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sẽ tác động đến Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam là một nền kinh tế mở, nên độ rủi ro trước các biến động kinh tế thế giới sẽ cao hơn. Thời gian qua có một số sản phẩm của Việt Nam đã bị áp thuế cao hơn như thủy sản và sắt thép, nên trong thời gian tới sẽ đối diện với những nguy cơ.
Bên cạnh đó còn có những ảnh hưởng gián tiếp ít được nhắc tới, như việc Trung Quốc vừa bị Hoa Kỳ áp chống bán phá giá, sẽ dẫn đến để duy trì công suất các DN Trung Quốc có thể bán phá giá, đẩy hàng hóa sang Việt Nam và những nước xung quanh để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Điều này sẽ gây sức ép với các DN trong nước.
- Theo ông những nhân tố nào sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng 3 quý còn lại của năm 2018?
- Về đầu tư, dự án luật cải cách thuế của Hoa Kỳ được thông qua hồi tháng 12 - 2017 sẽ có nhiều tác động đến dòng vốn FDI toàn cầu. Theo UNCTAD, dự luật thuế mới của Hoa Kỳ sẽ tác động tới khoảng 50% lượng vốn FDI toàn cầu, làm dịch chuyển 2.000 tỷ USD tiền mặt của các công ty Hoa Kỳ ở nước ngoài quay trở lại Hoa Kỳ.
Từ đó dẫn tới sụt giảm mạnh lượng vốn FDI toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia nhận FDI từ Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tác động đến các quốc gia khu vực. Đây là những yếu tố phải tính toán, lường trước để duy trì tăng trưởng bền vững.
Các vấn đề nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh có chuyển biến nhưng chưa đột phá. Các yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức cao như trong năm 2017.

Các tin khác