Chuyến công du đến châu Á của Ngoại trưởng Mike Pompeo không chỉ giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại tại các quốc gia châu Á mà còn thúc đẩy chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Hoa Kỳ.
Thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn
Phía Ấn Độ cho biết, dự kiến trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Ấn Độ, cả hai nước sẽ ký một thỏa thuận hợp tác quân sự quan trọng, tăng cường sự hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại sự bành trướng ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm này, cả hai nước sẽ tiến tới hoàn tất một thỏa thuận chia sẻ hình ảnh từ vệ tinh đã được thảo luận trước đó.
Theo một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, thỏa thuận này sẽ cho phép mở rộng chia sẻ thông tin không gian địa lý giữa các lực lượng vũ trang của cả 2 nước.
Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ được phép tiếp cận với bản đồ và hình ảnh vệ tinh tiên tiến của Mỹ, giúp nâng cao khả năng tấn công của vũ khí tự động, máy bay không người lái cũng như tên lửa.
Trong buổi Đối thoại 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức một ngày sau đó, cả 2 nước tiếp tục ký kết một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mã hóa và ký kết hiệp ước ghi nhớ chia sẻ hậu cần, cho phép quân đội của 2 nước được phép bổ sung cơ sở vật chất và nhiên liệu từ các căn cứ của nhau.
Ấn Độ và Hoa Kỳ đã ngày càng trở nên thân thiết hơn trong 2 thập kỷ vừa qua bắt đầu từ một thỏa thuận chính trị mang tính bước ngoặt , hợp pháp hóa kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ và cho phép thúc đẩy thương mại công. Từ 0 USD trong hợp tác thương mại quân sự năm 2008 đã tăng lên đến 20 tỷ USD trong năm 2020. Các công ty hàng không và máy bay của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin đã nhận được hàng loạt cơ hội kinh doanh đến từ quốc gia này.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Ấn Độ diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang dọc theo biên giới Himalaya. Hàng chục nghìn quân đội pháo binh của cả 2 nước đã được triển khai sau cuộc đụng độ tay đôi gây thiệt mạng giữa quân đội của cả 2 nước vào tháng 6 vừa qua.
Theo nhận định của Harsh V. Pant, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (Observer Research Fooundation) có trụ sở tại New Dehli nhận định thực tế là Hoa Kỳ đang chi rất nhiều tiền để tăng cường hợp tác với Ấn Độ dù Ngày Bầu Cử đang đến gần đã cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực này là một thách thức mà Hoa Kỳ không thể chờ đợi cho đến khi kỳ bầu cử tổng thống kết thúc.”
Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm tại Ấn Độ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến Sri Lanka, một quốc gia không để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngoại trừ khoản hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD của Hoa Kỳ vào năm 1948 để Sri Lanka xây dựng nền độc lập mới của mình.
Khiến các quốc gia nhỏ “xoay trục”
Tuy nhiên, điều khiến Hoa Kỳ quan tâm trong thời điểm hiện nay chính là Sri Lanka hiện là một trong những “con nợ” của chính phủ Trung Quốc. Chính sách Bẫy nợ của Trung Quốc trong những năm qua đã khiến Sri Lanka mất trắng hải cảng Hambanota có chiến lược quân sự và thương mại cực kỳ quan trọng vào tay Trung Quốc.
Tại thủ đô Colombo, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc gặp với Thủ tướng Sri Lanka Gotabaya Rajapaska và người đồng cấp Dinesh Gunawardena. Cuộc nói chuyện của cả 2 người không đề cập đến bất cứ thỏa thuận hay hợp tác quân sự nào ngoài những tuyên bố hợp tác trong công tác phòng chống khủng bố.
Khi được ngỏ ý về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại vùng biển Ấn Độ Dương, Thủ tướng Gotabaya chỉ cho biết Sri Lanka sẽ duy trì quyền tự do hàng hải trên các vùng biển, trên không và đường dây liên lạc, cáp quang tại Ấn Độ Dương.
Tờ The Diplomat nhận định, chuyến thăm của Hoa Kỳ đến Sri Lanka có rất ít cơ hội để đạt tiến trình ký kết Thỏa thuận Trạng thái Lực lượng mới Hoa Kỳ-Sri Lanka đã được thảo luận vào năm 2019 như một hình thức đóng quân mới của quân đội Hoa Kỳ tại nước ngoài cũng như Thỏa thuận viện trợ 480 triệu USD của Tập đoàn Millenium Challenge Cooperation của Hoa Kỳ dành cho Sri Lanka.
Dù không đạt được tín hiệu tích cực từ chuyến thăm đến Sri Lanka nhưng tư duy của người Mỹ cho rằng nếu không thể đưa Sri Lanka về cùng một phe, họ có thể bằng cách này hay cách khác khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka trở nên xấu đi trong tương lai.
Khác với Sri Lanka, quốc đảo Maldives nằm trên Ấn Độ Dương cũng là một quốc gia nhận được rất nhiều khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, đã nhất quán quan điểm của họ khi cố gắng thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc sau khi Tổng thống Ibrahim Mohamed Salih năm quyền vào năm 2018.
Vào tháng 9, 2 nước đã ký kết Bộ khung hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Maldives về Quan hệ An ninh và Quốc phòng giữa 2 nước. Trong chuyến thăm đến thủ đô Maldives, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Hoa Kỳ và Maldives sẽ hợp tác sâu rộng hơn nữa trong mối quan hệ và Hoa Kỳ sẽ mở đại sứ quán tại Maldives cũng như một đại sứ thường trú tại thủ đô Male.
Tăng cường hợp tác Việt-Mỹ
Ngày 29/10, Ngoại trưởng Mike Pompeo sau khi nhận lời mời từ Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tham gia trực tuyến vào Diễn đàn thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội.
Ngay trong diễn đàn, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn dầu khí AES và tập đoàn PetroVietnam GAS để xây dựng cảng nhập khẩu điện khí hóa lỏng và nhà máy điện khí ở Việt Nam có trị giá lên đến 2,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của diễn đàn, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết 3 tập đoàn Bechtel, General Electric và McDermott đã ký kết thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện khí hóa tại Bạc Liêu có công suất 3,2 tỷ gigawatt.
Theo Reuters, đây được xem là một tham vọng lớn của Việt Nam, sau khi quan hệ hợp tác khai thác điện khí hóa giữa Repsol và Rosneft trước đây với Việt Nam bị đình trệ, tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ hiện là đối tác khai thác dầu khí tiếp theo của Việt Nam. Dự kiến trong tương lai, điện khí hóa sẽ trở thành động lực cho nền kinh tế phát triển ngày càng nhanh của Việt Nam.
Thúc đẩy tự do hàng hải
Tại Indonesia, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết ông rất ủng hộ các thức quốc đảo này ngăn chặn sự xâm phạm trái phép của Trung Quốc vào quần đảo Natuna của họ và Hoa Kỳ - Indonesia sẽ tìm ra cách thức hợp tác mới tại khu vực Biển Đông để tiếp tục ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này.
Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cho thấy Hoa Kỳ đặt mối quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như thế nào. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì Covid-19, Hoa Kỳ đã nhanh chóng gửi đến các thông điệp mang tính răn đe mạnh mẽ đối với cường quốc này.
Trước chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến châu Á, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 21/10 đã phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan bao gồm 135 tên lửa AGM-84H trị giá 1 tỷ USD cũng như hàng trăm khí tài quân sự khác.
Loạt sự kiện này được xem là những động thái đáng quan tâm khi nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump đang dần đi đến những ngày cuối.
Đây cũng có thể là chỉ dấu cho những chính sách đối Trung sắp tới mà Tổng thống Donald Trump muốn theo đuổi trong nhiệm kỳ mới của mình, trong trường hợp ông đắc cử trong ngày 3/11 tới đây.