Một số nguyên tắc
Tính đến hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể theo đuổi mục tiêu kép, đó là “vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân”, như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu này, những nguyên tắc quan trọng trong thiết kế các chính sách kinh tế giai đoạn hậu dịch cần phải được đảm bảo.
Trước hết, từ hậu quả của đợt bùng phát dịch lần 2 tại Đà Nẵng cần khẳng định nguyên tắc tiên quyết ưu tiên phòng, chống và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh lên hàng đầu, cũng như thực thi quyết liệt các biện pháp xử lý những đợt lây lan tiềm tàng trong tương lai. Có như vậy câu chuyện về kinh tế mới không trở nên vô nghĩa.
Một khi mục tiêu này thực hiện được mới có thể nghĩ đến việc khôi phục và tăng trưởng kinh tế. Cần phải hiểu rõ rằng, Covid-19 mới là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế chứ không phải từ các thất bại chính sách hay thị trường.
Chính phủ cũng cần kiên định lập trường và tái khẳng định những quyết sách về y tế lẫn kinh tế, sao cho có tính thực dụng và tầm nhìn dài hạn cao nhất. Việc này giúp củng cố niềm tin về khả năng phòng chống dịch bệnh cũng như viễn cảnh khôi phục và tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
Bài học từ Trung Quốc và Mỹ mà chúng tôi đã phân tích ở các số báo trước có lẽ là minh chứng điển hình cho quan điểm phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, cần phải biết mục tiêu nào trước, và mục tiêu nào sau, mục tiêu nào đóng vai trò cốt lõi và quyết định phần còn lại.
Những chính sách có tính chu kỳ
Những chính sách có tính chu kỳ
Cần có nhiều hơn nữa những cải cách trong các chính sách kinh tế giai đoạn hậu dịch để phát huy tối đa nguồn lực từ thị trường nội địa thay vì phải phụ thuộc quá nhiều vào ngoại thương. |
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sự thoái trào của toàn cầu hóa đã có tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại, trong khi đó tiêu dùng trong nước giảm do đang phải đối mặt với thu nhập giảm sút, tâm lý bi quan.
Đối sách trước mắt, sau khi đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và dần tháo dỡ các hạn chế xuất nhập cảnh nhưng phải duy trì việc theo dõi, kiểm soát y tế chặt chẽ.
Song song đó là mở cửa dần, từng bước trở lại các hoạt động giao thương quốc tế một cách thận trọng nhất, nhằm hồi sinh lĩnh vực du lịch và các hoạt động đầu tư nước ngoài thông qua nguồn vốn FDI. Tiếp đến là các biện pháp hỗ trợ tài khóa như thúc đẩy đầu tư công để kích cầu, gia tăng việc làm và cải thiện các hoạt động kinh tế khác có liên quan.
Đối sách tiếp theo liên quan đến hỗ trợ khu vực tư nhân, tuy nhiên phải có sự sàng lọc kỹ càng, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và phải xét đến khả năng tiếp tục, phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đối tượng đó để tránh lãng phí nguồn lực, cũng như đáp ứng mục tiêu phân bổ nguồn vốn công đúng người, đúng chỗ và đúng thời điểm, tránh gây bất cân xứng thông tin trong xã hội.
Chính phủ cũng cần tạo điều kiện để cả hệ thống tài chính – ngân hàng vận hành một cách hiệu quả, nhằm giúp các doanh nghiệp thật sự cần vốn có thể tiếp cận với nguồn cung tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch (chiếm khoảng 7,9% GDP năm 2019), vận tải, chế tạo chế biến hàng xuất khẩu (động lực tăng trưởng trước đây).
Ngoài ra, các công cụ tài khóa khác có thể được thực thi như giãn và hoãn thuế tạm thời, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi. Đối với các hộ gia đình, cần có sự hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân để gia tăng chi tiêu trong nước, đồng thời khuyến khích các hoạt động kinh tế chính thức và phi chính thức sử dụng nền tảng công nghệ số.
Tầm nhìn dài hạn
Tầm nhìn dài hạn
Sự xuất hiện của Covid-19 càng làm sự bất ổn của thế giới cao hơn và khó lường trước được tương lai, do đó các quốc gia cần phải tìm kiếm những hướng phát triển mới cho nền kinh tế. Giai đoạn này Việt Nam có thể tận dụng để rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao.
Trong những năm gần đây, chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy và càng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu, cũng như làm suy yếu quá trình toàn cầu hóa và sự đứt gãy, chuyển dịch chuỗi cung ứng trước đây.
Trước tình thế đó, đòi hỏi các quốc gia có độ mở thương mại cao như Việt Nam (hơn 200% GDP) phải tái cấu trúc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà Việt Nam đang tham gia.
Đồng thời, sự thiếu hụt các hàng hóa có nguồn cung từ nước ngoài đặt ra cho Chính phủ cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực tự sản xuất các mặt hàng này trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, điển hình là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, qua đó nâng cao “sức đề kháng” cho kinh tế Việt Nam.
Chính phủ cần hỗ trợ cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển. Bên cạnh đó, việc nỗ lực tham gia ký kết các hiệp định thương mại, thành lập liên minh chiến lược là cần thiết để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các thị trường đầu ra cũng như thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế.
Thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến cũng cần được thúc đẩy nhanh chóng, đặc biệt là khi thế giới đang gồng mình chống lại Covid-19 với hàng loạt các biện pháp phòng chống như giãn cách xã hội, các hoạt động tránh tiếp xúc trực tiếp.
Các nền tảng số hóa cần được khai thác tối đa để ứng dụng vào công việc, đời sống như giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, thanh toán điện tử…
Các công cụ này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dần dần thay đổi những thói quen trước đây để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Chính phủ cũng cần nỗ lực để trở thành một Chính phủ số, đồng thời cần ban hành những quy định để quản lý và hướng dẫn các hoạt động kinh doanh có sử dụng công nghệ số để đảm bảo tính đồng bộ, an toàn và mức độ hiệu quả của loại hình này.
Mọi thứ hiện nay rất bất định, do đó tuyệt đối không nên chủ quan. Với các biện pháp phòng chống dịch bệnh và những gói “giảm đau kinh tế” từ chính sách tiền tệ và tài khóa, Chính phủ cần phải thực thi một cách thận trọng và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng mà chính sách hướng đến. Mọi hành động lúc này cần phải đảm bảo tính bền vững và dư địa của chính sách trong dài hạn để ứng phó kịp thời trước những bất ổn có thể xảy ra.