Cách thức ứng phó đại dịch của Việt Nam cho thấy tính thực tiễn, tầm nhìn dài hạn và trong đó sức khỏe người dân vẫn là kim chỉ nam của các đối sách. Sự thành công trong công tác chống dịch, kết hợp với những giải pháp từ chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục củng cố triển vọng phục hồi nền kinh tế.
Trong khi đại dịch đã khiến thế giới rơi vào một trong những lần khủng hoảng y tế lẫn kinh tế nặng nề nhất lịch sử. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” rất phù hợp với Việt Nam khi đã cho thấy các hành động rất kịp thời và quyết liệt, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của Covid-19, cũng như tránh sự hoảng loạn ở cộng đồng và sự đổ vỡ từ y tế đến kinh tế, như trường hợp ở Mỹ và một số nước EU, việc này hàm ý sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong đối sách ứng phó lẫn nguồn lực ngân sách của Việt Nam.
Sức khỏe người dân quan trọng hơn các mục tiêu kinh tế
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, việc đánh đổi các mục tiêu kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân không phải quốc gia nào cũng mạnh dạn thực thi. Các đối sách của Việt Nam suốt thời gian qua thể hiện sự kiên định trong việc ưu tiên phòng chống, khắc chế đại dịch, và hướng đến mục tiêu duy trì liên tục các hoạt động kinh tế.
Ngay khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1-2020, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và đưa ra những chỉ thị kịp thời. Các biện pháp quyết liệt lần lượt được thực thi và đỉnh điểm là biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc vào cuối tháng 3-2020, một giải pháp không phải quốc gia nào cũng có thể mạnh dạn áp dụng lúc bấy giờ.
Những biện pháp giãn cách xã hội cục bộ, đóng cửa hoạt động kinh doanh tại các vùng dịch tiếp tục cho thấy sự hiệu quả khi mà những vùng dịch mới tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương đã được kiểm soát.
Những hành động trên cho thấy việc bảo vệ sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Báo cáo trình bày tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ghi nhận Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tổng cộng 7 chỉ thị, 35 công điện và kết luận chỉ đạo trong suốt giai đoạn đại dịch diễn ra. Số liệu từ báo cáo tháng 7-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 90% người dân tham gia khảo sát hài lòng với các hành động của Chính phủ Việt Nam.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam (% so với cùng kỳ) quý I-2018 đến quý III-2020. Nguồn: Dữ liệu trích xuất từ GSO
Ở góc độ kinh tế, các chính sách tiền tệ và tài khóa được Chính phủ tung ra để hỗ trợ những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất, đặc biệt là chính sách giãn thuế, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân.
Tính đến hết tháng 9-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã có hai đợt cắt giảm lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn nhằm khuyến khích tăng trưởng tín dụng trong nước. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc triển khai chính sách vẫn còn những hạn chế nhất định, chỉ có một phần nhỏ doanh nghiệp, hộ gia đình có thể tiếp cận với nguồn cung tín dụng từ ngân hàng.
Gói giảm đau kinh tế từ chính sách tài khóa đã được Việt Nam triển khai vào ngày 9-4-2020 (Nghị quyết 41 và Nghị quyết 42). Các biện pháp bao gồm giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp và cá nhân (khoảng 279 ngàn tỷ đồng), hỗ trợ tài chính cho người lao động, người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương (khoảng 62 ngàn tỷ đồng), hoạt động đầu tư công (khoảng 686 ngàn tỷ đồng), hỗ trợ phòng chống dịch (khoảng 16,2 ngàn tỷ đồng).
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa thật sự đồng đều, điển hình hết tháng 6-2020, số liệu từ WB cho thấy chỉ có khoảng 18% tổng số 62,2 ngàn tỷ đồng trong gói bảo hiểm xã hội được chi trả, và nhận được đề nghị gia hạn khoảng 43 ngàn tỷ đồng (khoảng 15,4%) trong gói hoãn nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Song song đó, còn có các giải pháp về cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí liên quan đến hoạt động xuất khẩu, áp dụng công nghệ số, các dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp…
Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận, so với mặt bằng chung của thế giới, tổng giá trị các gói hỗ trợ tính trên GDP mà Việt Nam đưa ra không quá cao (khoảng 10,12% GDP năm 2019), trong khi một số quốc gia có tỷ lệ cao hơn nhiều lần như Mỹ (32,92%), Đức (53,68%), Nhật (66%).
Tuy nhiên, những con số cao hay thấp chưa thể đánh giá hết mức độ hiệu quả trong khả năng kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, việc thực thi hiệu quả các biện pháp khắc chế Covid-19 mới là nhân tố quyết định. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là bằng chứng về một quốc gia đang phát triển vẫn có thể chống dịch thành công với mức chi phí thấp.
Thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 9 tháng 2020 (% so với cùng kỳ). Nguồn: Dữ liệu trích xuất từ GSO
Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam
Đại dịch mới là nguyên nhân chính gây ra suy thoái kinh tế chứ không phải do các biện pháp y tế công cộng và quốc gia nào kiểm soát dịch bệnh càng tốt thì khả năng phục hồi kinh tế trong trung, dài hạn càng cao. Với việc kiểm soát tốt Covid-19 trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam hiện là một trong những điểm sáng của thế giới.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2,12% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao cho những nỗ lực của Việt Nam để thoát khỏi sự tàn phá của Covid-19 và khôi phục kinh tế.
Rõ ràng đại dịch và các biện pháp phòng chống đã gây ra những tác động tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế, khi mà mức tăng trưởng GDP của quý I-2020, quý II-2020 và quý III-2020 lần lượt chỉ ở mức 3,82%, 0,36% và 2,62%.
Kết quả tăng trưởng GDP dương cũng đã hàm ý mức độ hiệu quả từ những biện pháp y tế và kinh tế mà Chính phủ triển khai, thể hiện khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế trước những tác động của đại dịch và các xu hướng bất ổn của thế giới.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021 được ADB công bố vào ngày 15-9-2020 lần lượt là 1,8% và 6,3%, tương tự vào tháng 10-2020, IMF dự báo lần lượt là 1,6% và 6,7%.
Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, mức tăng trưởng trên 2% vẫn là khả thi cho Việt Nam và sẽ quay lại con số khoảng 6-7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022, khi mà hoạt động thương mại sẽ bình thường hóa và nhu cầu khu vực nước ngoài gia tăng. Trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam có thể đứng ở vị trí thứ 4 của ASEAN.
Bình quân lạm phát cơ bản của Việt Nam đang ở mức 2,59%, chỉ số CPI bình quân vẫn tăng 3,85% so với cùng kỳ và đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%. Như vậy, có thể thấy rằng, tỷ lệ lạm phát Việt Nam vẫn đang được kiểm soát tốt và là tiền đề cho các công cụ chính sách tiền tệ có thể duy trì hoặc tiếp tục thực thi.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam lần lượt đạt 202,86 tỷ USD (tăng 4,2%) và 185,87 tỷ USD (giảm 0,8%). Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu 16,99 tỷ USD, đây là một dấu hiệu khả quan.
Một số mặt hàng của Việt Nam vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng năm 2020. Đặc biệt mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng ở mức 39,8%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu vẫn là một trong những hoạt động chính giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam trong năm 2020. Cụ thể, giữa viễn cảnh u ám của kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 4,2% trong 9 tháng năm 2020.
Đặc biệt ở một số thị trường chủ lực như Mỹ và Trung Quốc, đây là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 54,8 tỷ USD và 31,9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng tích cực ở mức 22,9% và 12,7%. Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch 56,8 tỷ USD, tăng 2,7%. Nhập khẩu giảm ở mức -0,8% thể hiện sự suy yếu tiêu dùng trong nước và các hoạt động sản xuất sử dụng nguyên vật liệu nước ngoài.
Cán cân vốn và tài chính vẫn duy trì ở mức dương do dòng vốn FDI vẫn đang tiếp tục đổ vào Việt Nam, mặc dù có dấu hiệu chững lại trong hai quý đầu tiên của năm 2020. Tính đến 20-9-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 21,2 tỷ USD, giảm ở mức -18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt Covid-19 thì Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI do quá trình chuyển dịch dòng vốn của khu vực nước ngoài, điển hình là việc rút khỏi Trung Quốc của các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch có thể chưa dừng lại khi mà vaccine điều trị vẫn là một câu hỏi lớn, do đó cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giải pháp, nguồn lực để ứng phó với một tương lai có thể xảy ra nhiều khủng hoảng tương tự như Covid-19. Ngay lúc này, việc nâng cao sức đề kháng cho nền kinh tế và tìm kiếm những động lực phát triển mới là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong số báo tiếp theo, chúng tôi sẽ khuyến nghị một số nguyên tắc khi thiết kế chính sách và những hướng hành động tiếp theo để thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.