"Nhìn nguồn thu thuế TNCN là đủ biết người dân phải đóng thuế ngày càng nhiều thế nào", anh Nguyễn Trọng Tùng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận xét. Theo anh Tùng, điều này là bất cập vì người dân vốn đang quay cuồng giữa "bão giá".
"Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng nhiều hơn giảm, có lúc lập kỷ lục lịch sử. Giá xăng dầu tăng ngay lập tức kéo các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo, thiết lập nên mặt bằng giá mới. Cái gì cũng đắt hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, lương của người làm công tăng một chút do lạm phát nhưng cũng kéo theo mức thuế tăng lên. Thực tế, mức lương tăng thì người dân vẫn khó xoay xở chi tiêu vì giá cả hàng hóa tăng vùn vụt. Đây rõ ràng là khó khăn chồng chất khó khăn", anh Tùng than.
Trong khi đó, anh Mạnh Tuấn ở quận Hà Đông, Hà Nội thì lại bức xúc trước mức giảm trừ gia cảnh "chậm thay đổi và không hợp lý". Anh Tuấn cho rằng, trong 15 năm chỉ có 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mỗi lần điều chỉnh thì tốc độ cũng thấp hơn so với thực tế, không thỏa đáng (từ năm 2020, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng). Anh Tuấn phân tích, để nuôi một đứa con nhỏ ăn học tại Hà Nội thì mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng là quá bèo bọt.
"Từ lâu tôi đã nghe nhiều đề xuất về mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay. Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay “đã quá lạc hậu”. Không hiểu sao những ý kiến này mãi không được cơ quan chức năng bàn đến và thông qua. Cứ kéo dài chỉ khiến người dân thêm thiệt thòi", anh Tuấn thắc mắc.
Là người đi chợ mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn trong cảnh phải xoay xở để có thể chi tiêu hợp lý với thu nhập của gia đình trong bối cảnh hàng hóa tăng cao. Chị Hà làm kế toán cho một công ty may mặc với mức lương 15 triệu đồng/tháng, chồng chị cũng làm công ăn lương với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Trong khi chị Hà không phải nộp thuế vì có con là người phụ thuộc thì chồng chị phải "gánh" nghĩa vụ này.
"Một tháng, thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 25 triệu đồng, để có thể nuôi con ăn học và chi tiêu, tôi phải tính toán cẩn trọng và cũng chỉ vừa đủ, không có tích lũy. Tôi nghĩ rằng, khi giá cả leo thang từ một vài năm gần đây do đại dịch, lạm phát thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng lên hoặc mức thuế TNCN phải giảm đi. Có như thế mới hợp lý và người dân mới dễ thở", chị Hà nói.
Kinh doanh thua lỗ cũng phải nộp thuế
Chị Trần Thị Giang (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị kiếm tiền qua hình thức đầu tư chứng khoán. Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán chao đảo, giảm liên tục khiến chị Giang luôn trong tình trạng thua lỗ. Mặc dù thu nhập âm, nhưng hàng tháng chị Giang vẫn phải đều đặn nộp tiền thuế cá nhân cho khoản thu nhập của mình. Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư dù “lỗ hay lãi” đều phải nộp thuế 0,1% trên doanh thu giao dịch chứng khoán.
“Mặc dù biết đây là nghĩa vụ và hoàn toàn ủng hộ việc nộp thuế nhưng tôi nghĩ nên có cơ chế linh hoạt. Nhà đầu tư lỗ nặng chứ làm gì có thu nhập mà nộp? Nên xem xét miễn thuế với các giao dịch lỗ như vậy", chị Giang nói.
Tương tự, chị Mai Lan là nhà đầu tư bất động sản cũng phải nộp thuế 2% trên giá trị chuyển nhượng bất động sản. "Hiện thị trường ảm đạm, tôi phải chấp nhận bán cắt lỗ để thoát hàng. Nhưng tôi vẫn phải nộp thuế theo quy định, nên đã lỗ càng lỗ nặng hơn", chị Lan than.
Nhiều người đại diện cho các hộ kinh doanh cũng "đau đầu" với thuế TNCN. Theo quy định hiện nay, cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN khi có tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, tương đương bình quân thu nhập mỗi tháng hơn 8,3 triệu đồng.
Anh Nam (quận Hà Đông, Hà Nội) kể, cuối năm 2018 anh bỏ công việc công sở, vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mở cơ sở tự kinh doanh. Nhưng từ đó, hàng tháng, ngoài tiền lãi phải trả cho ngân hàng, anh Nam cũng phải chịu khoản thuế TNCN.
"Mức doanh thu áp dụng tính thuế cho người kinh doanh là trên 100 triệu đồng không hề thay đổi. Ngoài ra, nếu người làm công ăn lương được trừ mỗi năm 132 triệu đồng cho bản thân và 52,8 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, phần thu nhập còn lại mới được tính thuế thì hộ kinh doanh có thể nhiều người mà vẫn chỉ được tính ở mức 100 triệu đồng/năm. Sự khác biệt rõ rệt này là quá bất hợp lý, cần được sửa đổi sớm để những hộ kinh doanh yên tâm làm ăn", anh Nam đề xuất.
Số thu từ thuế TNCN liên tục tăng
Theo Tổng cục Thuế, dự toán số thu thuế từ thu nhập cá nhân đặt ra trong năm 2022 mà ngành thuế sẽ thực hiện là 118.075 tỷ đồng. Nhưng chỉ 7 tháng đầu năm 2022 số thu đã đạt 90,1%, tương đương 106.527 tỷ đồng.
Số liệu cho thấy, tổng thu thuế TNCN đã liên tục tăng khoảng 11 lần kể từ khi luật Thuế TNCN ban hành vào năm 2007, từ mức 5.000 tỷ đồng. Lần đầu thu thuế TNCN vượt mức 100.000 tỷ đồng, đạt 110.000 tỷ đồng là vào năm 2019.
Trong 2 năm 2020 và 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng so với các năm trước, đạt lần lượt 108.000 và 123.000 tỷ đồng.