Tích lũy kiến thức, khởi nghiệp thành công

(ĐTTCO) - Ông bà ta hay nói: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhằm chỉ những điều kiện cần thiết để thành công trong quản trị một quốc gia, hay điều kiện thuận lợi để làm một việc gì đó quan trọng, to lớn thành công. 
Trong buôn bán, kinh doanh, dân gian thường nói: “Buôn may, bán đắt”, hoặc “Làm ăn gặp thời”, để chỉ việc mua bán, kinh doanh của một cá nhân, một tổ chức hay doanh nghiệp với rất nhiều thuận lợi, tốt đẹp, kết quả kinh doanh phát đạt. Vậy ta phải làm gì?
Tích lũy kiến thức, khởi nghiệp thành công ảnh 1  
Nắm bắt chữ “thời” trong kinh doanh
Chữ “thời” trong kinh doanh tôi muốn đề cập ở đây được đặt dưới góc nhìn của khoa học quản trị và lợi thế cạnh tranh ngành. Trong kinh doanh, để thành công, tạo lập và duy trì thành tích vượt trội, để doanh nghiệp phát triển, gia tăng lợi nhuận, nhà sáng lập hay lãnh đạo điều hành doanh nghiệp cần thiết phải có tư duy chiến lược, có tầm nhìn để biết nắm bắt và đoán định được đâu là ngành hàng tiềm năng trong hiện tại và tương lai.
Phải biết nhận định và phân tích được những ưu thế thuận lợi của môi trường kinh doanh, của ngành hàng, những điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp, để định vị và tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm dẫn đến thành công.
 Một vấn đề cấp bách đang đặt ra: nhu cầu thị trường trong hiện tại và tương lai sẽ thế nào? Doanh nghiệp thành công chính là doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, xu hướng chuyển dịch của thị trường. Sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hay phục vụ phải cung ứng những giá trị khách hàng cần, phải được khách hàng chấp nhận, tin cậy. Muốn vậy, doanh nghiệp cần nhất phải thường xuyên nghiên cứu thị trường, vận dụng và thích ứng nhanh với những thay đổi thị trường, với nhu cầu khách hàng.
Chữ “thời” là nhân tố khách quan giúp cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia khởi nghiệp, kinh doanh thành công khi nó được phát hiện, phân tích trên cơ sở khoa học với sự nhạy bén, mẫn cảm và bản lĩnh trong kinh doanh. Tại sao cùng một thị trường, cùng hoàn cảnh và điều kiện kinh doanh có người nhìn thấy được cơ hội, tiềm năng của ngành, có người lại không? Trả lời câu hỏi này cũng là để phân tích vì sao hàng năm có hàng ngàn doanh nghiệp ra đời, nhưng số sống sót chỉ chiếm khoảng 10%.
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam từ sau công cuộc đổi mới năm 1986, từ một nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, cuộc cách mạng về tư duy kinh tế đã tạo bước ngoặt lớn trong đường lối chiến lược quản trị đất nước. Quan hệ sản xuất chuyển sang sở hữu nhiều thành phần; lực lượng sản xuất được tháo gỡ những rào cản trói buộc, khơi thông dòng chảy; phát huy mọi tiềm năng chủ động sáng tạo để làm ra nhiều của cải cung ứng cho xã hội. Tầng lớp doanh nhân được nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò là người chiến sĩ trong thời bình.
Thành quả của hơn 30 năm Đổi mới xuất phát từ nhận thức không thể bỏ lỡ “thời cơ vàng” để kiến tạo đất nước sau chiến tranh, không thể bỏ lỡ “thời cơ vàng” sau thời gian dài đóng cửa để hội nhập thị trường kinh tế toàn cầu, để từ một đất nước đói nghèo, có thu nhập thấp, Việt Nam chuyển thành quốc gia thoát nghèo, thu nhập trung bình.
Đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Đồng thời cũng đã có hàng loạt chủ trương và quyết sách khơi gợi tinh thần doanh nhân, tạo những điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho những người trẻ khát vọng làm giàu để lập thân, kiến quốc…
Nghị quyết 01/2016, Chính phủ lần đầu tiên yêu cầu phải “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp”; Nghị quyết 19/2016 về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 sẽ thành lập 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; Quyết định 844/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025… 
Chính nhờ những chính sách cởi mở đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, với 110.000 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015. Cùng với đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%.

Doanh nghiệp phải tự làm mới chính mình
Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố một số liệu đáng lo ngại: Trong 8 tháng năm 2018, cả nước có gần 42.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, tại diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn vì sao ở Việt Nam có đến 53% doanh nghiệp không có lợi nhuận. Lý giải điều này, một số chuyên gia cho rằng có 2 nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp giải thể ngày càng gia tăng.
 Bạn muốn khởi nghiệp, bạn muốn kinh doanh thành công trước hết phải có kỹ năng kinh doanh, phải học cách kinh doanh, phải nắm bắt và vận dụng chữ “thời” trong kinh doanh một cách hiệu quả, đúng đắn và sáng tạo.
Thứ nhất, do làm ăn thua lỗ kéo dài; doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động vì không huy động được vốn, tài chính để tiếp tục hoạt động. Thứ hai, do năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức còn hạn chế; thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành đã làm tình trạng kinh doanh ngày càng đi xuống.
Theo tôi, vấn nạn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Với các doanh nghiệp đã từng thành công trong quá khứ, đã từng đứng ở đỉnh cao vinh quang trong kinh doanh, nhưng nay đang gặp khó khăn, bị đối thủ cạnh tranh “vượt mặt”, thị phần bị thu hẹp, người tiêu dùng quay lưng, hàng tồn kho nhiều. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp sở hữu công nghệ lạc hậu, vốn liếng bị thu hẹp, nên kinh doanh thua lỗ, nguy cơ phá sản rất lớn.
Hai đồng tác giả W.Chan Kim và Rene’e Mauborgne trong tác phẩm Blue Ocean Strategy (Chiến lược đại dương xanh), cho rằng muốn thoát khỏi “Đại dương đỏ”, doanh nghiệp phải dịch chuyển sang “Đại dương xanh” để tìm cách tạo khoảng trống thị trường và vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh.
Còn theo tôi, đã đến lúc doanh nghiệp phải phân tích chữ “thời” với ngành hàng, sản phẩm và dịch vụ mình đang kinh doanh để có chiến lược sắp xếp, thay đổi, định vị, tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự thay đổi, sự chuyển động của thị trường, của nhu cầu khách hàng… Đã từng có các đại gia trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, ngân hàng, đầu tư giáo dục đại học… phất lên như diều gặp gió, kinh doanh gặp thời, nay chính những nhà đầu tư trong các lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác đã phải tính toán lại, sắp xếp lại phân khúc ngành hàng, ngành hàng nào, thị phần nào sẽ thoái vốn, hoặc tiếp tục đầu tư hay tái cấu trúc lại…
Hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải biết vận dụng chữ “thời” trong kinh doanh để giảm bớt, để hạn chế tối đa khó khăn, rủi ro khi các lĩnh vực kinh doanh, ngành hàng kinh doanh đã… “hết thời”.
Tích lũy kiến thức, khởi nghiệp thành công ảnh 2 Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, tham quan không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố. Ảnh: TẤN BA
Theo kịp tiến bộ công nghệ
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp phải nhận biết và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia. Lợi thế đó là tiềm năng địa chính trị của quốc gia, là năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, nền tảng văn hóa, di sản tinh thần. Bản thân mỗi cá nhân, doanh nghiệp vận dụng chữ “thời” trong kinh doanh chính là phải biết luôn làm mới mình, phải cập nhật và theo kịp những tiến bộ của khoa học công nghệ để ứng dụng vào quy trình vận hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để kết nối mạng lưới, gia tăng sự liên kết, hợp tác kinh doanh trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
Vậy bạn sẽ hỏi tôi, hiện nay ngành nào đang là ngành hội đủ những yếu tố của chữ “thời” trong kinh doanh? Xét trên phạm vi quốc gia, doanh nghiệp hoặc cá nhân đang có khát vọng khởi nghiệp và làm giàu? Theo tôi trong tương lai gần có một số ngành đang nổi trội: Ngành du lịch, dựa trên nhu cầu dịch chuyển, đi lại, khám phá thế giới của công dân toàn cầu, là một ngành có dư địa rộng. Với Việt Nam, dựa trên những lợi thế về địa chính trị có nhiều điều khám phá hấp dẫn cần khám phá. Xét về nhu cầu đáp ứng cho du khách quốc tế và nội địa hiện nay ngành này còn nhiều tiềm năng phát triển.
Nhu cầu an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường hiện nay của các quốc gia trên thế giới rất lớn. Việt Nam là đất nước nông nghiệp với sản vật phong phú, đa dạng nên đầu tư vào ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm sạch đang có tiềm năng rất lớn. Các ngành thời trang và sản phẩm handmade với các vật phẩm thủ công có độ tinh xảo, độc đáo  đang lôi cuốn, hấp dẫn khách hàng toàn cầu. Mặt khác, các ngành sử dụng thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tin học… đang mở ra nhiều cơ hội bao la. 
Tóm lại, đã qua rồi thời kỳ người người, nhà nhà kinh doanh theo kiểu  “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Hễ cứ thấy ai buôn bán hoặc sản xuất kinh doanh sản phẩm gì, ngành nghề kinh doanh gì nhanh chóng giàu lên, dễ dàng kiếm tiền, thiên hạ ùn ùn bắt chước, chen chân đổ tiền vào đầu tư, làm ăn một cách chụp giật, bất chấp những rủi ro, thất bại. 
------------------------
(*) Ủy viên Ban chấp hành VCCI,  Giám đốc Học viện Khởi nghiệp thành công

Các tin khác