Một trong những điểm sáng của tình hình kinh tế xã hội 7 tháng qua, tiêu dùng trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tính chung 7 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua của thị trường trong nước đã phục hồi tương đối mạnh mẽ, là điểm sáng tích cực trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác gặp khó khăn. Các chính sách kích cầu tiêu dùng, các hoạt động quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng khu vực này và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định: "Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế tại Việt Nam và góp phần vào việc phục hồi kinh tế. Chúng tôi nhận thấy, người tiêu dùng rất hào hứng trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Bộ Công Thương luôn luôn quan tâm đến công tác bình ổn thị trường, ví dụ những dịp có khả năng tăng giá như Tết, những tháng mưa bão thì luôn luôn có những chương trình để vận động các địa phương và doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn thị trường".
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng... thì ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM Saigon Co.op cho rằng, sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại cho thấy cam kết phục vụ và nội lực duy trì, phát triển kinh doanh của nhà bán lẻ Việt.
Theo ông Đức: "Các nhà bán lẻ, nhà phân phối nói chung có những cơ hội nhất định, họ vẫn có thị trường ngách để xác định được nhiệm vụ của mình trong quá trình tăng trưởng. Chúng tôi quan sát, ví dụ như các loại hình mà hiện nay tăng với tốc độ rất cao là những mô hình chuyên doanh, xác định theo nhu cầu riêng biệt thì vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, những mô hình mang đến tiện lợi cao hơn cho khách hàng thì vẫn có tăng trưởng phù hợp. Bên cạnh đó, có những sản phẩm tăng cao là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đây là những cơ hội không chỉ là đối với doanh nghiệp bán lẻ mà cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm".
Thực tế, thị trường trong nước luôn là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Bộ Công Thương, Sở Công Thương các đia phương luôn đồng hành với các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp triển khai chương trình khuyến mại giảm giá hàng hóa nhằm kích thích tiêu dùng, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, triển khai có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Tính chung 7 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh min họa: KT)
Như tại Hà Nội, các sự kiện khuyến mại được đổi mới, nâng cao chất lượng, các chương trình xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam được kỳ vọng góp phần giúp thành phố đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Các doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm hàng hóa chương trình, khuyến mại rất là sâu, tên các chương trình khuyến mại cũng rất hấp dẫn để thu hút khách đến với hệ thống phân phối của mình, làm sao để kết nối được giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng có một điểm chung gặp nhau, người tiêu dùng thì mua sắm hàng hóa, doanh nghiệp thì bán được nhiều hàng hóa, giá trị hàng hóa đó có nhiều tỷ lệ khuyến mại hỗ trợ cho người dân".
Nhằm khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 8-9%, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước, thực hiện biện pháp cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Theo VOV