TPHCM triển khai hiệu quả cơ chế đặc thù

(ĐTTCO)-Chiều ngày 11-12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp với các giám đốc sở ngành để bàn cách triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách cơ chế đặc thù phát triển TPHCM.
Một góc TPHCM nhìn từ trên cao
Một góc TPHCM nhìn từ trên cao

Cùng tham gia có các chuyên gia đến từ Trường Đại học Luật TPHCM, Đại học Kinh tế, Học Viện Cán bộ TPHCM, Đại học Fulbright Việt Nam…

Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan liệt kê 19 nhóm công việc TPHCM phải thực hiện. Ông Hoan đề xuất sẽ triển khai thực hiện ngay 10 nội dung mà không cần thiết nghiên cứu sâu.

Đối với 9 nội dung còn lại như phân cấp, ủy quyền; kế hoạch sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa; đề án cải cách tiền lương; huy động vốn từ xã hội thì phải có các nghiên cứu sâu… Đặc biệt, là việc bổ sung thuế, phí mới hoặc tăng mức thuế, thuế suất hoặc tăng phí lệ phí.

“Có những loại phí, thuế chưa áp dụng ngay mà có thể sẽ áp dụng trong 5, 10 năm tới nhưng cũng cần được nghiên cứu, đề xuất để có cái nhìn tổng quát, đánh giá đầy đủ tác động”, ông Hoan phân tích và đề xuất mời chuyên gia cùng chính quyền TPHCM tham gia nghiên cứu kỹ ngay từ đầu.

Do tính cấp bách về thời gian nên ông Hoan cũng đề xuất cần sớm hoàn thành các đề án để trong tháng 3-2018 Thường trực UBND TP thông qua. Sau đó, các đề án này sẽ được trình, xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.

Góp ý về giải pháp tài chính, ngân sách, TS Trần Du Lịch đề nghị khi tăng thuế, phí thì phải đánh giá tác động. Theo đó, khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu hoặc tăng lệ phí đăng ký ô tô thì phải cân nhắc kỹ.

Theo TS Trần Du Lịch, nếu TPHCM tăng lệ phí đăng ký ô tô thì có khả năng dẫn đến tình trạng người dân đăng ký xe ở địa phương khác rồi đưa về TPHCM sử dụng.

“TPHCM điều chỉnh thuế tăng nhưng chưa chắc sẽ tăng thu. Ngược lại, nếu giảm thuế cũng chưa hẳn TPHCM giảm thu ngân sách”, TS Trần Du Lịch phân tích và đề nghị cần thực hiện đánh giá tác động cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực khi xem xét tăng thuế, phí hay lệ phí.

Chia sẻ với quan điểm trên, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh đến sự thành công của cơ chế đặc thù này là phải tăng khả năng cạnh tranh của TPHCM, tăng khả năng tạo việc làm, tăng khả năng thu ngân sách và tăng khả năng GRDP.

Vì vậy, chính quyền TPHCM phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp đến. Đồng thời, TPHCM phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mình.

TS Huỳnh Thế Du lưu ý về các điều kiện cơ bản cần tuân thủ khi thực hiện nhóm giải pháp về ngân sách, tài chính. Theo đó, khi áp dụng chính sách thuế, phí phải đảm bảo được sự công bằng và khả năng hành thu.

"Đồng tiền từ các hoạt động kinh tế là có "chân". Nếu chúng ta làm không khéo, các hoạt động kinh tế "chạy" sang các địa phương khác", TS Huỳnh Thế Du cảnh báo và khẳng định, nếu xảy ra tình huống này, dù TPHCM có tăng thuế thì tổng nguồn thu của TP sẽ giảm.
Vì vậy, TS Huỳnh Thế Du đề xuất, cơ chế, chính sách của TPHCM làm sao nhằm tạo ra "điểm trũng" để thu hút các hoạt động kinh tế. Nếu cách làm không phù hợp, TPHCM sẽ vô tình trở thành điểm cao hơn và các hoạt động kinh tế sẽ dịch chuyển về các địa phương khác.

Ở một khía cạnh khác, TS Huỳnh Thế Du nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác giá trị từ đất trong việc giải quyết bài toán hạ tầng. Theo kinh nghiệm phát triển từ nhiều nước, nếu không khai thác hiệu quả giá trị từ đất thì rất khó giải quyết được các vấn đề kẹt xe, ngập nước.

"Trong các nhóm giải pháp ở đây, cơ chế tăng hiệu quả khai thác từ quỹ đất có ý nghĩa quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng", TS Du khẳng định và đề xuất trong các đề án sắp tới, TPHCM cần gom lại, ví dụ việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa trên 10 ha với cơ chế huy động vốn tăng thêm.

Dẫn lại kinh nghiệm cải thiện cơ sở hạ tầng ở Seoul (Hàn Quốc), TS Du cho biết Thị trưởng Lee Myung-bak thực hiện công việc này trong khoảng 4-5 năm thì có đến 2 năm dành cho việc nghiên cứu chi tiết.

Từ câu chuyện này, TS Huỳnh Thế Du nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu chi tiết, cẩn thận các giải pháp nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù mà TPHCM được hưởng.

Bày tỏ quan điểm thực hiện một cách thận trọng, TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, đề nghị TPHCM phải đánh giá bức tranh tổng thể, đừng nhìn vào từng dự án cụ thể. TPHCM thực hiện một cách khẩn trương, không hối tiếc nhưng không thực hiện khi chưa có nghiên cứu chắc chắn.

“Điều quan trọng là các giải pháp này sẽ tạo ra sinh khí mới cho kinh tế địa phương, tăng ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, TPHCM cũng không được quên giá trị gia tăng lớn nhất của TP đến từ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là động cơ tăng trưởng”, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Tiếp thu góp ý, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc thực hiện thành công các cơ chế, chính sách này nhằm tạo ra môi trường phát triển thuận lợi, theo hướng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của TPHCM. Đây không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo TPHCM đối với người dân TP, mà còn là trách nhiệm đối với cả nước.
Đối với 19 nội dung công việc, người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết những công việc có quan hệ với nhau nên gom thành cụm vấn đề, do có mối quan hệ, để xử lý hiệu quả.

Từ đó, Chủ tịch UBND TP phân công Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phụ trách nhóm công việc liên quan đến tài chính, ngân sách. Thành viên của tổ này còn có Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế TP…

Đối với nhóm công việc liên quan đến đất đai, đầu tư, phân cấp ủy quyền thì Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trực tiếp phụ trách. Thành viên của tổ gồm Giám đốc các Sở KH-ĐT, Tài Chính, TN-MT…

Để các đề án được sớm hoàn thành một cách có chất lượng, đồng chí Nguyễn Thành Phong kêu gọi các chuyên gia đóng góp và tham gia thảo luận, xây dựng và hoàn thiện đề án.

Về tiến độ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu đến ngày 15-1-2018 thì tất cả các nhóm giải pháp triển khai thực hiện phải chuẩn bị xong đề cương. Tất cả các đề án phải được hoàn thành trước tháng 6-2018.

Tuy nhiên, đối với công việc đã được chuẩn bị trước thì đến ngày 15-1-2018, UBND TP phải công bố (phối hợp trong triển khai nội dung của Nghị quyết 54). Ví dụ tổ liên ngành đầu tư trong cấp phép đầu tư (do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng; thành viên là giám đốc các Sở KH-ĐT, TN-MT, Tài chính…), quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án BT sẽ được triển khai khi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực (ngày 15-1-2018).

Các tin khác