Trụ đỡ nền kinh tế vẫn là đầu tư công và FDI

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông SHANTANU CHAKRABORTY, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam, nhận xét năm 2023 kinh tế Việt Nam đã giữ vững mục tiêu quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Đầu tư công sẽ là một trong những trụ đỡ nền kinh tế năm 2024. (Trong ảnh: Thi công sân bay Long thành, Đồng Nai).
Đầu tư công sẽ là một trong những trụ đỡ nền kinh tế năm 2024. (Trong ảnh: Thi công sân bay Long thành, Đồng Nai).

Trong đó đầu tư công (ĐTC) và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể xem là 2 trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng trong năm 2023.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng 2023 là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á công bố tháng 12-2023, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam ở mức 5,2%, giảm so với dự báo 5,8% hồi tháng 9-2023. Dù rằng năm 2023 nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi tương đối tốt so với những nền kinh tế khác trong khu vực.

Nhìn chung, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn giữ vững việc nới lỏng tiền tệ; lạm phát cũng được kiểm soát khá tốt ở mức 3,25%, thấp hơn mục tiêu là 4%. Sự biến động của tỷ giá VNĐ/USD do chênh lệch lãi suất giữa lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, được kiểm soát tốt khoảng 3-5% trong biên độ điều hành.

PHÓNG VIÊN: - Như ông nói, một trong những trụ cột giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng là ĐTC?

Ông SHANTANU CHAKRABORTY: - Thực tế, giải ngân ĐTC đã gia tăng đáng kể giá trị cho tiêu dùng trong nước, và đây cũng là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2023. ĐTC đã thúc đẩy doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ở mức 9,6% trong tháng 11-2023 so với cùng kỳ 2022.

gd-adb-vietnam-3028.jpg

Tôi được biết tính đến cuối tháng 11, giải ngân vốn ĐTC đạt 75% kế hoạch chi năm 2023, mặc dù đây là mức tăng mạnh 22% so với cùng kỳ 2022, nhưng cho thấy việc giải ngân đạt được mục tiêu là không thể. Nếu việc triển khai hiệu quả hơn, đóng góp của ĐTC cho phục hồi kinh tế sẽ lớn hơn, bởi ĐTC là biện pháp kích thích tài khóa hữu hiệu. Do vậy trong năm 2024 nên cần ưu tiên đẩy mạnh, vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, với nợ công được kiểm soát tốt ở mức 38% tính đến cuối năm 2022.

Cần lưu ý, dù việc đạt được tỷ lệ giải ngân ĐTC theo kế hoạch dự kiến là quan trọng, nhưng việc đảm bảo chất lượng ĐTC cũng quan trọng không kém. Về mặt này vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững trong ngắn hạn và dài hạn của đất nước.

- Cùng với ĐTC, thu hút vốn FDI cũng được xem là trụ cột nâng đỡ tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ông có thể lý giải?

- Năm 2023, trong bối cảnh nhiều thách thức đối với thương mại và đầu tư toàn cầu, Việt Nam đã làm tốt công tác thu hút dòng vốn FDI. Tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 ước đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2022.

Một đặc điểm quan trọng của doanh nghiệp FDI là họ ít phản ứng với những biến động ngắn hạn, mà quan tâm nhiều hơn đến lợi ích dài hạn. Bởi hầu hết nền kinh tế ở châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á, đều có sự ổn định chính trị và kinh tế vận hành tương đối tích cực, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể...

Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI. Cùng với đó, tăng cường ĐTC vào cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ở châu Á ngày càng cao, nếu Việt Nam muốn tiếp tục là thị trường dẫn đầu về FDI, điều quan trọng là phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là tăng cường sự minh bạch và đảm bảo sự nhất quán về chính sách.

Về lâu dài, Việt Nam phải tăng cường ĐTC vào cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục là điểm đến thu hút FDI như vận tải đa phương thức, số hóa quy trình hải quan, cung cấp năng lượng sạch…

- Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 hơn 6%, còn dự báo của ông ra sao?

- Kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự kiến tăng trưởng chậm hơn năm 2023, do những yếu tố bất ổn từ căng thẳng địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Bối cảnh này chắc chắn tác động tiêu cực đến Việt Nam. Dù vậy, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam ở mức 6%.

ADB đánh giá sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, đã và đang là nền tảng vững chắc để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Vì vậy, để tạo ra xung lực mạnh hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần đảm bảo việc phối hợp thực hiện các chính sách này đạt hiệu quả hơn.

Các động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 là ĐTC, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu. Đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC tương đối lớn (khoảng 30 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng có chất lượng, sẽ kích thích mạnh mẽ các hoạt động kinh tế; đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp xây dựng và khai khoáng, mang lại nhiều hơn cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ việc áp dụng các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Đồng thời, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã tham gia ký kết.

Trong ngắn hạn, Việt Nam cần mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần mang tính hỗ trợ. Trong dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh ĐTC vào cơ sở hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác