TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Không có quốc gia nào ngân hàng trung ương đi bảo lãnh trái phiếu'

(ĐTTCO) - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, chưa có tiền lệ nào để ngân hàng trung ương bảo lãnh trái phiếu do ngân hàng thương mại phát hành.

TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Không có quốc gia nào ngân hàng trung ương đi bảo lãnh trái phiếu'

PHÓNG VIÊN: - Quan điểm của ông thế nào về đề xuất của VAFI xây dựng loại trái phiếu (TP) do các NH kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được NHNN bảo lãnh thanh toán?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - VAFI đề xuất loại TP do NHTM phát hành được NHNN bảo lãnh, có nghĩa NHNN sẽ đứng ra lấy uy tín của quốc gia, uy tín của mình bảo lãnh cho các TP thương mại.

Và khi các NH có rủi ro, không trả được nợ TP này, NHNN phải trả cho những nhà đầu tư. Bởi VAFI cho rằng Nhà nước luôn có chủ trương bảo đảm tiền gửi của khu vực dân cư trong mọi tình huống, nên NH phát hành TP cũng cần được Nhà nước bảo lãnh. Tức bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư giống như khi mở sổ tiết kiệm sẽ được bảo hiểm tiền gửi, để nhà đầu tư không có rủi ro.

Tuy nhiên phải nói rõ, NHNN chỉ cho vay đối với các NHTM qua các nghiệp vụ đặc thù, không có chức năng cho vay và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Từ trước đến nay, ở các nước trên thế giới, NHTW không cung cấp tín dụng trực tiếp cho các thành phần kinh tế, cũng không đứng ra bảo lãnh các TP của các NH, vì bảo lãnh cũng là một hình thức cho vay bằng uy tín của mình.

Có thể có những ngoại lệ tôi chưa biết, nhưng tại các nước tiên tiến theo kinh tế thị trường, không có quốc gia nào bảo lãnh cho TP của NH phát hành.

TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Không có quốc gia nào ngân hàng trung ương đi bảo lãnh trái phiếu' ảnh 1

Về việc sổ tiết kiệm được bảo hiểm bởi bảo hiểm tiền gửi quốc gia, còn TP người dân mua từ NH không được bảo hiểm vì các TP này thuộc loại chứng khoán, có tính thanh khoản rất cao. Nhà đầu tư muốn lấy tiền lại sẽ bán TP đó trên thị trường chứng khoán, trong khi với tiền gửi người gửi tiền không thể bán trên thị trường nào cả.

Như vậy, VAFI đã hiểu như thế nào về tín dụng và về bảo lãnh khi đưa ra đề xuất đó? Câu trả lời của tôi là không thể chấp nhận đề xuất này, nên tôi không đồng tình yêu cầu nghiên cứu việc NHNN đứng ra bảo lãnh TP do các NH phát hành.

- Một trong các ý định của VAFI khi đề xuất giải pháp này là nhằm tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế khi lãi suất huy động giảm mạnh. Quan điểm của ông thế nào?

- Thực tế, lâu nay các NH vẫn phát hành TP để huy động vốn trung và dài hạn, và là nhóm phát hành TP nhiều nhất nhì trong mấy năm qua. Đặc biệt, một số NH còn có TP chuyển đổi, sau thời gian tối thiểu 5 năm sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu và được cộng vào vốn cấp 2.

Hơn nữa, tại sao VAFI lại phải đề nghị NHNN bảo lãnh các TP của các NH, trong khi các TP của các NH cho đến nay chưa từng có nguy hiểm, rủi ro vỡ nợ.

Còn nếu Chính phủ yêu cầu nghiên cứu điều này vì lý do bảo vệ quyền lợi của người dân, và NHNN bảo lãnh TP của NH phát hành sẽ có nhiều người tham gia mua TP của NH hơn, cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cần nói thêm, nếu NHNN bảo lãnh TP cho các NH, giả sử các NH đẩy lãi suất TP do họ phát hành cao hơn lãi suất TP của Chính phủ, khi đó sẽ đẩy TP của Chính phủ vào hàng thiếu cạnh tranh. Đó là điều bất hợp lý.

- VAFI mong muốn tạo lập khung khổ pháp lý gần như tuyệt đối an toàn cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TP. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

- Nói về sự an toàn trên thị trường TP, trong một quốc gia mà TP có hệ số rủi ro bằng 0 là TP của Chính phủ, đó là uy quyền riêng của Chính phủ. Trong nội địa của một quốc gia, Chính phủ không thể vỡ nợ, vì NHTW sẽ bơm tiền cho Chính phủ bằng cách in tiền ra, rồi Chính phủ bán TP cho NHTW để lấy tiền.

Việt Nam cũng vậy. Nếu có bảo lãnh của NHNN đối với TP của NH, tức đưa TP của tư nhân, TP của NH trở thành TP không rủi ro như TP của Chính phủ.

Ngoài ra tôi cũng không đồng ý với đề xuất miễn thuế VAFI đã nêu. Ở Mỹ, chỉ có một số loại TP của Chính phủ được miễn thuế, thường là những loại TP quốc tế, để hỗ trợ những chương trình đặc biệt; hoặc những loại TP của các chính quyền địa phương hỗ trợ về hạ tầng cơ sở.

Chính phủ sẽ hỗ trợ những khoản TP thực hiện những dự án đó bằng cách miễn thuế. Nhưng không có Chính phủ nào cho phép TP của tư nhân được miễn thuế. Vì vậy, Việt Nam cũng phải theo thông lệ quốc tế.

- Theo ông, thị trường TP Việt Nam hiện nay hướng đi nào là phù hợp, để vừa tạo lại sức hút cho thị trường TP, vừa có độ an toàn cần thiết cho nhà đầu tư?

- Muốn vậy, chúng ta phải có xếp hạng tín nhiệm đối với TP do tư nhân phát hành, mới bảo đảm được TP được trả lợi nhuận đúng theo mức độ rủi ro.

Những TP có mức độ rủi ro thấp nhất, lãi suất thấp và mức độ rủi ro cao thì lãi suất cao hơn. Việt Nam phải đi theo hướng của thế giới, tức lợi nhuận là một hàm số của rủi ro. Nói cách khác, nếu muốn rủi ro thấp, muốn an toàn, nhà đầu tư phải chấp nhận lãi suất thấp.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện mới có 2 công ty được xếp hạng tín nhiệm, song khả năng còn rất yếu kém. Vì thế, nhà đầu tư cũng chưa hoàn toàn tin tưởng các công ty xếp hạng tín nhiệm. Dù vậy, xếp hạng tín nhiệm xác định mức rủi ro, từ đó định mức lãi suất, là điều các nhà phát hành nên tiếp cận thực hiện.

Thay vì cần có bảo lãnh của Nhà nước, TP có thể giảm thiểu rủi ro khi được xếp hạng và được các cơ quan quản lý (như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) giám sát chặt chẽ.

Tóm lại, đòi hỏi TP của NH được NHNN bảo lãnh là đi ngược với kinh tế thị trường, trở lại một nền kinh tế chỉ huy, trong đó Nhà nước sẽ bảo lãnh tất cả rủi ro của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông.

Trên thế giới, có thể có trường hợp NHTW bảo lãnh TP của Chính phủ, hoặc có những bảo lãnh TP của chính quyền địa phương. Nhưng chưa có NHTW nào đứng ra bảo lãnh TP của những thành phần kinh tế trong thị trường.

Các tin khác