PHÓNG VIÊN: - Ông bình luận như thế nào về thông tin này đã được đăng tải trên các hãng thông tấn nước ngoài?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đúng là tôi có đọc thông tin này trên báo chí nước ngoài, nhưng muốn bình luận phải chờ tiếng nói của NHNN và Chính phủ. Tuy nhiên, tôi cũng muốn đóng góp một số quan điểm của mình.
Theo thông tin của Reuters, Việt Nam định giá VNĐ thấp hơn khoảng 4,7% so với giá trị thực vào năm 2019, tức tỷ giá của VNĐ cao hơn giá trị thực 4,7%. Trường hợp tỷ giá cao dĩ nhiên có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Cũng theo Reuters, Việt Nam năm 2019 mua vào 22 tỷ USD để đẩy tỷ giá lên. Bởi khi mua USD vào sẽ làm tăng giá trị đồng USD, từ đó đẩy tỷ giá VNĐ so với USD tăng lên.
Tại thời điểm này, thông tin này cũng dấy lên lo ngại Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Trong trường hợp đó, Mỹ có thể áp dụng những biện pháp chống bán phá giá, sẽ trừng phạt bằng việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ. Bán phá giá là động thái bán hàng hóa ở mức giá quá thấp so với giá trị thực, thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất nhằm giành thị phần.
Để bán phá giá, có doanh nghiệp (DN) chấp nhận lỗ, nhưng cũng có trường hợp DN dùng những chính sách trợ giá của chính phủ, trong đó việc đẩy tỷ giá lên cũng là một trong những hành động được xem là trợ giá để DN bán phá giá. Bởi khi đẩy tỷ giá lên, giá thành tính ra USD bán trên thị trường Mỹ sẽ giảm.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đó chỉ là lo ngại ban đầu. Bởi việc Mỹ đang sử dụng biện pháp đưa một số quốc gia vào danh sách thao túng tiền tệ mang tính chính trị nhiều hơn vấn đề kinh tế, thương mại.
Trước khi tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump đã đưa đưa ra chiêu bài “đánh” Trung Quốc, do Trung Quốc được xem lũng đoạn thị trường và trục lợi với Mỹ. Vì thế, thương mại Mỹ - Trung thời gian qua rất căng thẳng.
Bây giờ, Tổng thống Donald Trump đi vào năm tranh cử, cũng với chủ trương đó ông muốn đem một số quốc gia có động thái giống Trung Quốc là xuất siêu vào Mỹ để trừng phạt, với mục đích chính trị lấy được sự ủng hộ của cử tri Mỹ khi ông ta nói sẽ trừng phạt những quốc gia trục lợi sống trên lưng của Mỹ.
Hiện xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ rất nhỏ bé so với các quốc gia, đặc biệt với Trung Quốc. Với quy mô xuất siêu như vậy, chưa thể nói Việt Nam trục lợi và sống trên lưng của Mỹ được. Hơn nữa, trong năm 2019 VNĐ có tăng giá nhưng cũng tương đối ổn định, nên cũng khó quy kết NHNN đã phá giá VNĐ để trục lợi với Mỹ. Vì vậy nói Việt Nam phá giá VNĐ là không đúng.
- Phải chăng động thái liên tục mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối đã làm phía Mỹ lên tiếng, thưa ông?
Xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ rất nhỏ so với các quốc gia, đặc biệt với Trung Quốc. Năm 2019 VNĐ có tăng giá nhưng cũng tương đối ổn định, nên nói Việt Nam phá giá VNĐ là không đúng. |
Và theo Reuters, Việt Nam mua vào đến 22 tỷ USD trong năm 2019. Thực chất, động thái mua vào ngoại tệ là bình thường đối với các quốc gia đang phát triển. Vì các quốc gia này cần có dự trữ ngoại hối theo thông lệ quốc tế ở mức 3 tháng nhập khẩu, để nếu có vấn đề xảy ra về xuất khẩu vẫn còn đủ tiền để thanh toán cho nhà nhập khẩu.
Do đó, Việt Nam tăng dự trữ ngoại hối để giữ tính thanh khoản cho quốc gia là điều đương nhiên, nhất là quốc gia đang phát triển mà nhập khẩu rất nhiều. Hơn nữa, dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên 84 tỷ USD không lớn so với nhiều quốc gia khác.
- Vậy chúng ta nên làm gì trong lúc này, thưa ông?
- Trước nhất, Chính phủ cần có trả lời chính thức về luận chứng bên phía Mỹ. Thứ hai, các cơ quan của Chính phủ phải tìm mọi biện pháp để ngăn cản việc hàng hóa Việt Nam bán sang Mỹ có thể được xem là bán phá giá.
Việt Nam cũng cần tạo ra thương mại cân bằng hơn đối với Mỹ, như tăng cường nhập khẩu hàng hóa thiết bị, để giảm dần mức độ xuất siêu sang thị trường này.
Nhưng như tôi đã nói, điều này có ý nghĩa chính trị hơn thương mại, kinh tế, cho nên hiện tại Việt Nam cố gắng đàm phán, cung cấp số liệu hoặc nhập khẩu nhiều hơn. Nhưng có lẽ vấn đề này sẽ còn kéo dài cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
- Xin cảm ơn ông.